Cách Nga đối phó với các UAV tầm siêu xa của Ukraine

Đối mặt với những bước lùi trên chiến trường và những cuộc tấn công liên tục của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng, giới lãnh đạo Ukraine đang đặt hy vọng vào khả năng tấn công của các UAV tầm xa.

Sự phát triển UAV tầm xa của Ukraine

Theo một bài báo trên tờ Bild của Đức, 10 nhà sản xuất UAV đang có kế hoạch cung cấp UAV tấn công tầm xa cho lực lượng vũ trang Ukraine với các đợt vận chuyển dự kiến sẽ giúp Kiev tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu nằm sâu tới 3.300km bên trong nước Nga.

Bild dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các UAV Sokil-300 mới của Ukraine là một ví dụ của dòng UAV tấn công tầm xa được phát triển từ giữa năm 2019, hứa hẹn sẽ có tầm hoạt động từ 1.300 - 3.300km, tốc độ tối đa đạt 580km/h và tải trọng 300kg (tương đương với một quả bom lớn thả từ trên không, tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo). UAV tấn công được cho là có thể mang tên lửa không đối đất có tầm hoạt động lên tới 10km.

Một thiết kế khác là UJ-22 nhỏ hơn, do công ty UKRJET phát triển từ năm 2020, dự kiến có tầm hoạt động tối đa là 800km trong chế độ tự động (100km trong chế độ điều khiển bằng tay), có bề dài 330km, bề ngang 460km và trọng lượng cất cánh tối đa là 85kg. Truyền thông phương Tây cho biết, các UAV UJ-22 được trang bị thêm thùng nhiên liệu có thể mở rộng tầm hoạt động và tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các doanh nghiệp quốc phòng, các cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự ở vùng Tatarstan của Nga, cách khu vực xung đột ở Ukraine khoảng 1.500km.

Đối mặt với những bước lùi trên tiền tuyến, từ những thiếu thốn về lực lượng và trang thiết bị, đến việc Nga triển khai hỏa lực mạnh mẽ công phá các thành trì ở Donbass, việc tập trung vào tác chiến UAV tầm xa là một phần trong sự dịch chuyển lớn hơn của Ukraine về chiến thuật trong cuộc xung đột với Nga.

Truyền thông Đức nhận định, khả năng của các UAV mới sẽ cho phép Kiev có "những điểm tấn công mới ở Nga", bao gồm cả những căn cứ của Moscow ở Bắc Cực cũng như các cơ sở hạ tầng năng lượng.

Nga có thể đối phó bằng cách nào?

Dù vậy, nhà quan sát quốc phòng Nga Evgeny Mikhailov cho rằng: "Ukraine không thể giành chiến thắng dọc giới tuyến và đang chịu thất bại nên phải dùng đến những chương trình hành động khủng bố nhằm vào sâu trong Liên bang Nga".

Theo ông, Moscow có thể đối phó với những cuộc tấn công này bằng một số cách, bắt đầu bằng việc mở rộng các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở sản xuất UAV ở Ukraine. Một công cụ khác để xử lý mối đe dọa này là tăng cường ngành công nghiệp chống UAV của Nga, Edward Bagdasarian - một chuyên gia về UAV quân sự của Nga nói.

Hệ thống phòng không 9K35 Strela-10 (Arrow) của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: Sputnik

"Tôi nghĩ, đầu tiên, tất cả những nhà máy sản xuất mọi thứ cho chiến dịch quân sự đặc biệt phải được giữ bí mật. Thứ hai, các cơ quan an ninh của những doanh nghiệp này và các cơ sở hạ tầng quan trọng trong phạm vi 1.500 - 2.000 km so với tiền tuyến sẽ nhận được các hệ thống phòng thủ chống UAV", chuyên gia Bagdasarian nói.

Ngoài các hệ thống phòng không truyền thống như Kub, Buk, S-300, S-400 có thể nhắm vào các UAV lớn với tỷ lệ thành công tương tự như khi nhắm vào các chiến đấu cơ của đối phương, cuộc xung đột ở Ukraine đã buộc các nhà sản xuất của Nga phải tăng cường sáng tạo và sản xuất một loạt phương tiện tác chiến chống UAV từ các loại pháo đến các biện pháp tác chiến điện tử.

UAV định nghĩa lại tác chiến hiện đại

UAV đang đóng vai trò chính trong việc định nghĩa lại tác chiến hiện đại. Các UAV tấn công tầm xa quân sự rất đắt đỏ và khó để sản xuất, chuyên gia Bagdasarian nói. Vì vậy, cho đến gần đây, Ukraine buộc phải ứng biến bằng cách sử dụng các UAV trinh sát thời Liên Xô đã được điều chỉnh như Tupolev Tu-141 để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, cũng như nhắm vào thành phố Yelabuga, Tatarstan sử dụng các máy bay chiến đấu 2 chỗ người cỡ nhỏ được chuyển đổi thành UAV trang bị chất nổ.

"Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ nỗ lực dành những nguồn lực cuối cùng để tiếp tục tiến hành những cuộc tấn công như vậy", ông Bagdasarian nhấn mạnh, đồng thời cho biết mục tiêu của Kiev là làm suy yếu Nga về kinh tế, chính trị và tâm lý.

Các nước phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine thực hiện nỗ lực này, cũng như sẵn sàng cung cấp cho Kiev sự huấn luyện và các nguồn lực, ông Mikhailov nói.

"Tôi nghĩ có thể những người huấn luyện và các chuyên gia phương Tây sẽ hỗ trợ quân đội Ukraine. Một UAV không phải giống như một tiêm kích F-16 và sẽ có những cách ứng dụng cũng như chiến thuật khác nhau. Việc huấn luyện sử dụng UAV cũng đơn giản hơn nhiều so với đào tạo cho các phi công lái F-16", nhà quan sát này cho hay.

Dù vậy, chuyên gia Bagdasarian nhấn mạnh, các UAV không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.

"Tầm hoạt động của chúng tương tự tên lửa hành trình nhưng các tên lửa hành trình nhanh hơn, đường bay của chúng gần mặt đất hơn và chúng khó bị phát hiện hơn. Đó là ưu thế lớn hơn về công nghệ của tên lửa hành trình. Những UAV tự chế còn thô sơ và được kết hợp từ bất kỳ thứ gì sẵn có. Vì vậy, mức độ tin cậy, chính xác, an toàn và khả năng sống sót của nó thấp hơn đáng kể".

Trên hết, "tốc độ bay của chúng khá chậm" nên chúng sẽ dễ bị radar phát hiện", chuyên gia Bagdasarian đánh giá.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Sputnik

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/cach-nga-doi-pho-voi-cac-uav-tam-sieu-xa-cua-ukraine-post1087750.vov