Cách nào tránh rủi ro?

Mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng mới của người tiêu dùng. Càng gần Tết, loại hình mua, bán này càng nở rộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hình thức này ở Việt Nam đang tiềm ẩn không ít rủi ro cho khách hàng.

Tính rủi ro cao

Thời gian qua, không ít người tiêu dùng mua hàng trực tuyến (online) phải “nhận trái đắng” khi hình ảnh hàng hóa được quảng cáo trên mạng “chỉ mang tính chất minh họa”, còn hàng thực tế nhận được là… thảm họa. Chị Nguyễn Như Ngọc (trú tại quận Hai Bà Trưng), một khách mua hàng online không giấu được bức xúc khi nhận chiếc váy đặt mua khác “một trời, một vực”, từ chất liệu đến kiểu dáng, so với hình quảng cáo là “kiệt tác với hàng nghìn viên ngọc trai đính tay”. Đáng buồn nhất là khi phản ánh với chủ hàng, họ ngang nhiên đổ lỗi cho khách hàng và hủy luôn kết bạn trên facebook.

Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin hàng hóa tại ngày hội online Friday 2016 - một sự kiện thương mại điện tử uy tín.

Theo chị Nguyễn Thu Trà (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình), thực tế có rất nhiều shop online bán hàng uy tín và trân trọng khách. Tuy nhiên, cũng có không ít địa chỉ bán hàng thiếu chuyên nghiệp, bán hàng như lừa đảo không giữ chữ tín… thậm chí còn phớt lờ, có lời lẽ thiếu lịch sự và chặn số khách hàng…

Song, việc nhận hàng không đúng như quảng cáo còn là nhẹ so với nhiều vụ người tiêu dùng bị đánh cắp tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân, bị mất tiền mà không nhận được hàng. Đầu tháng 9-2016, cộng đồng mạng “dậy sóng” với clip 5-6 khách hàng từ Hà Nội xuống Quảng Ninh "bắt tại trận" chủ một gian hàng bán quần áo trên facebook. Sau một hồi quanh co, người này đã phải xin lỗi và thừa nhận việc nhận tiền chuyển qua tài khoản nhưng không trả hàng.

Trước đó, vụ lừa đảo bán hàng qua mạng tại TP Hồ Chí Minh bị lực lượng công an triệt phá cho thấy rủi ro tiềm tàng từ lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này. Hai đối tượng Nguyễn Văn Đô và Trần Ngọc Tây (cùng 21 tuổi, trú tại Quảng Ngãi) đã lừa đảo nhiều nạn nhân trên cả nước bằng hình thức rao bán hàng trên mạng với giá rẻ. Hai đối tượng này yêu cầu khách trả tiền trước 50-70%, sau đó làm giả vận đơn gửi hàng để buộc nạn nhân giao số tiền còn lại. Chúng sử dụng chứng minh thư nhân dân giả để mở tài khoản ngân hàng rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, với số tiền lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khuyến cáo: Người mua hàng cần kiểm tra độ tin cậy và uy tín của các trang web bán hàng trực tuyến qua phần cho điểm uy tín do những người mua trước đánh giá. Lựa chọn các công cụ thanh toán trực tuyến trung gian như qua hệ thống ngân hàng nhằm bảo đảm quyền được hoàn tiền khi hàng hóa, dịch vụ không được giao hay hỏng hóc, đồng thời bảo mật được thông tin tài khoản. Khách hàng nên giữ lại các hóa đơn, chứng từ đề phòng trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan…

Không để “tiền mất, tật mang”

Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam là “miếng bánh hấp dẫn” cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến phát triển. Theo khảo sát của Hãng nghiên cứu thị trường EuroMonitor, số người sử dụng internet ở Việt Nam trong 5 năm (2011-2015) đã tăng từ 28 triệu lên 43 triệu người. Đây là điều kiện quan trọng để thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là mục tiêu mà tội phạm công nghệ cao nhắm tới.

Để tránh tình trạng bị lừa đảo khi mua hàng online, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo, người tiêu dùng nên tham khảo kỹ từ nhiều nguồn và lựa chọn nơi uy tín để giao dịch. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp mà không thể liên hệ với người bán, người tiêu dùng nên để lại đánh giá (feedback) trên các trang facebook bán hàng, trong đó nêu rõ vụ việc của mình.

Trong khi đó, luật sư Trần Thị Ngọc, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu người tiêu dùng bị lừa đảo chiếm đoạt giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố với tội danh lừa đảo; còn nếu giao hàng kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng. Theo luật sư Ngọc, để truy tìm thông tin kẻ lừa đảo đôi khi rất khó khăn vì chúng sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Luật sư Nguyễn Vân Nga, Công ty Luật Nguyễn Nam cho biết thêm, dù số tiền chiếm đoạt của từng cá nhân tuy không lớn, nhưng hành vi vi phạm thường xuyên và xảy ra liên tục với nhiều khách hàng đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Tuy nhiên, khi giao dịch qua mạng, người tiêu dùng nên cẩn thận, lựa chọn những cửa hàng uy tín và có thông tin rõ ràng; có thể thỏa thuận giá qua mạng và xem hàng thực tế trước khi trả tiền hoặc yêu cầu hình thức giao dịch nhận hàng mới trả tiền, tránh để "tiền mất, tật mang".

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/858149/cach-nao-tranh-rui-ro