Cách nào khắc chế 'phù thủy tài chính'?

Trong các vi phạm của nhiều tổ chức trên thị trường tài chính, ít người để ý đến vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn như kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, ngân hàng đầu tư (công ty chứng khoán), định giá… Người tiêu dùng dịch vụ tài chính tin vào chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức này nhưng những gian lận hay bất cẩn luôn có thể xảy ra. Vậy làm sao để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng?

Các chuyên gia đánh giá bảo hiểm nhân thọ là một giải pháp quản lý tài chính đem lại nhiều lợi ích.

Các phù thủy tài chính

Lịch sử thị trường tài chính thế giới vẫn nhắc đến vụ Enron năm 2001 như là một bài học kinh điển về gian lận tài chính. Trong vụ này, việc ngụy tạo cũng như xào nấu số liệu kế toán đã được tiếp tay bởi công ty kiểm toán Arthur Andersen. Đến khi vỡ lở thì cả hai cùng bị phá sản, niềm tin của công chúng bị xói mòn nhiều và nước Mỹ đã ban hành đạo luật mới là Sarbanes-Oxley (the SOX Act).

Các vụ việc gian lận được tiếp tay bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn vẫn diễn ra hàng ngày trên khắp thế giới, chỉ có điều là phần nhiều chưa bị phát hiện hoặc quy mô chưa nghiêm trọng đến mức phải xử lý. Các lĩnh vực thường có gian lận là phát hành chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu), mua bán – sáp nhập doanh nghiệp, hoặc tuân thủ các quy định của pháp luật (compliance).

Khi thị trường tài chính ở Việt Nam bắt đầu phát triển thì các hoạt động “phù thủy tài chính” cũng theo đó nhộn nhịp hơn. Đã có nhiều vụ việc bị phát hiện và xử lý như những vi phạm định giá trong vụ AVG, chứng khoán FLC, và mới đây là trái phiếu Tân Hoàng Minh. Phương thức chủ yếu của các phù thủy vẫn là làm giả số liệu (biến không thành có) hoặc xào nấu tinh vi các con số đã có để phù hợp với mục đích vi phạm pháp luật của lãnh đạo doanh nghiệp.

Với những vụ việc đã được phát hiện và xử lý, rất nhiều người vẫn chưa rõ trách nhiệm của các bên liên đới trong việc tư vấn được xử lý nghiêm minh như thế nào. Hiện nay thông tin đến với công chúng thường chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm thông qua hình thức phạt tiền, mà số tiền thì quá nhỏ so với thiệt hại gây ra. Ví dụ như một công ty chứng khoán vi phạm trong việc tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ mà chỉ bị phạt có từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, so với số tiền phát hành hàng tỉ đồng.

Các biện pháp khắc chế phù thủy

Để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các phù thủy tài chính thì đòi hỏi phải có các cơ quan chuyên trách với trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.

Ở nhiều nước, những vị trí công chức như thế phải là những người ưu tú, đã trải qua kinh nghiệm thực tiễn. Những vị trí chủ chốt thường là những người đã trải qua rất nhiều năm trong ngành (industry), rồi chuyển qua công việc quản lý giám sát. Các chế độ lương, thưởng, phúc lợi cũng đảm bảo để họ không dễ dàng bị mua chuộc, tham nhũng. Công tác quản lý giám sát cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ và các chế tài phải đủ mạnh để có tính răn đe.

Hoạt động của các tổ chức tư vấn cần được quy định sao cho tránh được những xung đột lợi ích cũng như đảm bảo sự độc lập.

Ở một số nước, đã có quy định tách bạch hoạt động tư vấn với kiểm toán, xếp hạng hay định giá, phải có một bức tường lửa để không xảy ra tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Nếu một doanh nghiệp vừa làm tư vấn, vừa cung cấp dịch vụ xác nhận thì rất khó để đảm bảo tính khách quan.

Để hạn chế hoặc ngăn chặn xung đột lợi ích (conflicts of interest) thì cơ chế phí dịch vụ cũng cần điều chỉnh, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào bên phát hành trả, thay vào đó khách hàng có nhu cầu cũng có thể trả phí cho bên xếp hạng, định giá. Ví dụ, một quỹ đầu tư có thể trả cho một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập để có một báo cáo đánh giá độc lập. Bên cạnh đó, xung đột lợi ích cũng có thể được hạn chế khi có quy định chính sách luân chuyển. Điều này sẽ hạn chế việc thân thiết quá mức giữa bên cung cấp dịch vụ và khách hàng.

Một biện pháp khác để khắc chế các phù thủy tài chính là yêu cầu tăng cường tính công khai và minh bạch. Các báo cáo của các tổ chức tư vấn, xếp hạng cần công khai phương pháp, công bố các báo cáo chi tiết để người tiêu dùng dịch vụ tài chính có thể xem xét và đối chiếu. Cơ chế người thổi còi (whistleblower) đã chứng minh là hiệu quả ở một số nước khi khuyến khích và bảo vệ những người tố cáo các sai phạm trong các tổ chức. Hàng năm, cơ quan quản lý giám sát thị trường chứng khoán Mỹ (SEC) chi trả một khoản tiền không hề nhỏ cho những người thổi còi.

Việc giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân cũng là một cách hiệu quả để khắc chế các gian lận. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư am hiểu hơn về các báo cáo tài chính, các phương pháp định giá hay xếp hạng thì các bên cung cấp dịch vụ sẽ phải thận trọng hơn, hoặc không dám vi phạm. Và người tiêu dùng dịch vụ tài chính cũng biết được rằng một báo cáo sạch hay xếp hạng cao không có nghĩa là vắng bóng rủi ro.

Cuối cùng, việc răn đe và ngăn chặn, phòng ngừa cần các chế tài xử lý nghiêm minh. Với các hành vi vi phạm nghiêm trọng thì không chỉ là phạt tiền nặng mà có thể có cả phạt tù, đảm bảo các quy định được thực hiện nghiêm minh (enforcement). Nếu người vi phạm thấy lợi ích kinh tế có được lớn hơn chi phí/cái giá phải trả thì họ vẫn có động cơ để thực hiện vi phạm.

Như vậy, để một thị trường tài chính phát triển lành mạnh và bền vững, bảo vệ quyền lợi của công chúng thì bên cạnh quản lý các tổ chức phát hành, các tổ chức liên quan trực tiếp thì rất cần quản lý giám sát hiệu quả các tổ chức cung cấp dịch vụ. Các biện pháp khắc chế các phù thủy tài chính cần được đa dạng, cập nhật nhanh các tình huống trong nước và quốc tế bởi những người nhiều am hiểu và kinh nghiệm chí công vô tư.

TS. Võ Đình Trí

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cach-nao-khac-che-phu-thuy-tai-chinh/