Cách nào để khắc phục sự 'tùy tiện'?

Theo các chuyên gia, hiện chưa có chế tài hạn chế sự 'tùy tiện' trong điều chỉnh quy hoạch. Chả thế mà, Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm đã mất dạng sau khi được chuyển giao về tay chính quyền đô thị. Để khắc phục được hiện trạng phá vỡ quy hoạch chung, cần thực hiện đúng các yêu cầu, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Bãi đỗ xe của Cty CP Tập đoàn Vinh Quang tại khu Tây Nam Linh Đàm đã được DN điều chỉnh sang ki-ốt bán hàng.

Phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo cao nhất

Theo một cán bộ có nhiều năm đứng trên cương vị lãnh đạo cao nhất của một cơ quan quản lý nhà nước, trong quản lý nhà nước có phạm trù phân cấp, nên trong phạm vi thẩm quyền của mỗi cơ quan quản lý nhà nước, người lãnh đạo cao nhất thực hiện quyền hạn đang nắm giữ, được giao phó. Tuy nhiên, nhiều khi, việc người lãnh đạo cao nhất có thực hiện đúng hay không lại là chuyện khác. Ví như việc sửa đổi một quy hoạch, thẩm quyền có thể là cấp quận, hoặc cấp thành phố là do phân cấp. Thế nhưng, một khi người lãnh đạo cao nhất cho phép điều chỉnh quy hoạch, sửa đổi quy hoạch, việc đó đúng hay không phụ thuộc vào nhận thức, trình độ cũng như cái “tâm” của người ra quyết định.

Không phải quyết định nào cũng đúng trong mọi hoàn cảnh, thời điểm. Vì vậy, nếu như có việc làm không đúng mà nằm trong thẩm quyền của người ra quyết định, thì người bên ngoài khó can thiệp. Nhưng với những việc làm không đúng, thì cần xem xét lại câu chuyện liên quan đến lợi ích như thế nào, sự vụ lợi đến đâu. Trong tình hình của đất nước hiện nay không phải là ít câu chuyện, khi người ta đặt ra câu hỏi, tại sao lại có những sự điều chỉnh, những dự án nằm ở vị trí vô lý như vậy?

Cho nên, sửa đổi chức năng quy hoạch của một khu công cộng trở thành một hay nhiều khu chung cư, tòa nhà là cả một câu chuyện lớn. Người dân vẫn thường đặt ra câu hỏi: Ai, bộ phận nào, cơ quan nào cho phép điều chỉnh, sửa đổi như vậy? Nếu sờ đến ắt sẽ có chuyện.

Đối với câu chuyện điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, việc có hay không việc cho phép điều chỉnh quy hoạch sẽ không lên đến Bộ Xây dựng mà chỉ ở trong phạm vi xử lý của TP Hà Nội. Tại khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, sau khi được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu, thì khu đô thị này cũng được bàn giao về cho chính quyền đô thị TP Hà Nội năm 2009. Từ đó đến nay, mặc dù chưa có sự kiểm tra kỹ và cụ thể trước khi đi đến kết luận các vấn đề theo đúng quy định luật pháp, trách nhiệm và quyền hạn, để cho thấy sự “biến dạng” của khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm so với trước đây, nhưng chỉ bằng mắt thường thôi người ta cũng có thể quan sát được mức độ “biến tướng” của khu đô thị kiểu mẫu này.

Vậy, ai là người chịu trách nhiệm về sự biến tướng của khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm? Để vấn đề này xảy ra, trách nhiệm trước hết là do UBND TP Hà Nội, cao hơn nữa là Bộ Xây dựng cũng phải xem xét, đánh giá và thể hiện chính kiến của mình về vấn đề này. Vì về lâu dài nó liên quan đến sự phát triển bền vững của chính khu đô thị này mà rộng hơn là cả TP Hà Nội, cả xã hội sẽ phải trả giá. Và suy cho cùng, con cháu thế hệ sau của người Việt Nam sẽ phải trả giá.

Cần tuần thủ pháp luật về xây dựng

Theo ông Hồ Chí Quang - Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng, tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị phải tuân thủ pháp luật xây dựng như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở,… và các quy định pháp luật khác liên quan.

Theo đó, để khắc phục được hiện trạng phá vỡ quy hoạch chung của khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm cũng như nhiều dự án khác, vấn đề cốt lõi cần làm là thực hiện đúng các yêu cầu, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đề ra. Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN. Các Bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, đồng thời yêu cầu thành lập ngay tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

Các Bộ ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN. Tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương phải làm tốt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ…

Thanh Nga

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/cach-nao-de-khac-phuc-su-tuy-tien.html