Cách mạng công nghiệp từ 1 đến 4

Đây có lẽ là thời điểm để nhìn lại khái niệm cách mạng công nghiệp, cũng như lịch sử của nó, để hiểu rõ hơn tại sao chúng ta lại trải qua những cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi hoàn toàn xã hội loài người.

Các công ty khởi nghiệp ở Aichi như PD Aerospace và Prodrone đang phát triển các hình thức vận chuyển trong tương lai.

“Chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, như lời tuyên bố của Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới từ cách đây gần 10 năm. Theo ông, cuộc cách mạng lần này là cách mạng của Big data (dữ liệu lớn), của in ba chiều, của vạn vật kết nối (IoT: Internet of things), của ô tô không người lái, của robot. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đang làm thay đổi sâu rộng cuộc sống của mọi cá nhân trên trái đất, từ sản xuất tới công việc và thậm chí cả lối sống cá nhân.

Hai năm trở lại đây, với sự xâm nhập sâu rộng của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh vào đời sống, điều Klaus Schwab nói trở nên rõ ràng hơn trong mắt công chúng. Có lẽ đây cũng là thời điểm để nhìn lại khái niệm cách mạng công nghiệp và tiến trình lịch sử để hiểu rõ tại sao những cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi hoàn toàn xã hội loài người.

Những thế hệ cách mạng

Vào năm 1837, nhà kinh tế học người Pháp Adolphe Blanqui đưa ra khái niệm “cách mạng công nghiệp”. Theo ông, phát triển kỹ thuật là nguồn năng lượng chính tạo ra những thay đổi sâu rộng trong xã hội. Ý tưởng này cũng được nhiều nhà kinh tế học khác tiếp nhận. Jean Fourastíe cũng cho rằng tiến bộ kỹ thuật là “động cơ” thúc đẩy xã hội hiện đại, mà cụ thể đây chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thay đổi các tầng lớp xã hội. Không thể phủ nhận được là sự phát triển kỹ thuật đã tạo ra những tiến bộ đáng kể trong giao thông, truyền thông, chăm sóc sức khỏe cũng như mọi yếu tố trong cuộc sống hàng ngày.

Tất cả bắt đầu vào khoảng 250 năm trước – khi máy hơi nước ra đời. Kể từ phát minh này, các tiến bộ kỹ thuật căn bản khác lần lượt ra đời như điện, động cơ, radio, ô tô, robot và AI. Tuy nhiên, sự ra đời của máy hơi nước vẫn là một biểu tượng đầy ý nghĩa. Máy hơi nước được coi là mốc khởi đầu cho cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, vì nó khởi nguồn cho sự cơ khí hóa trong công nghiệp và sự thay đổi căn bản trong giao thông vận tải. Trước đó, châu Âu đã đi vào một giai đoạn công nghiệp hóa, bắt đầu với sự ra đời của các nhà máy sản xuất vải và các dụng cụ làm việc.

Đầu máy xe lửa hơi nước còn được sử dụng cho tới tận đầu thế kỷ 20. Suốt giai đoạn này, xã hội châu Âu cũng đang trải qua những thay đổi đáng kể khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Phương Tây đi vào một giai đoạn mới nhờ vào hai phát minh lịch sử: điện và động cơ nổ. Các nhà khoa học đã cần đến hai thế kỷ thí nghiệm để có thể tạo ra điện. Khác với lửa, gió hay nước, đây là một nguồn năng lượng vô hình nhưng lại có thể làm động cơ vận hành, cũng như để sưởi ấm, thắp sáng nhà cửa. Làm thế nào để tạo ra được nguồn năng lượng này?

Từ năm 1600-1800, nhiều thế hệ các nhà khoa học đã đào sâu tìm hiểu bản chất của điện và xây dựng nên những nền tảng căn bản của khoa học điện. Vẫn cần phải thêm một nửa thế kỷ nữa để các ứng dụng được hoàn thiện và trở nên phổ biến với bóng đèn, động cơ điện, điện thoại, đài phát thanh và sau này là điện ảnh, truyền hình hay các thiết bị điện dân dụng.

Điện là phát minh lớn nhất trong lịch sử, vì nó đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống loài người, theo lời nhà nghiên cứu người Pháp Jean-François Dortier. Tất nhiên, động cơ nổ (hay còn gọi là động cơ đốt trong) cũng lại là một phát minh lớn khác của thế kỷ 19.

Năm 1806, hai anh em Claude và Nicéphore Niepce đã phát minh ra động cơ nổ và đăng ký bằng sáng chế vào năm 1807. 80 năm sau, phát minh động cơ bốn kỳ được hoàn thiện. Cũng từ những năm 1880 trở đi, hàng loạt tiến bộ công nghệ và xã hội đã diễn ra như dầu mỏ, phân bón, xe đạp, máy kéo, điện thoại, máy bay, dây chuyền làm việc…

Cũng giống như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai này không chỉ dựa trên một vài tiến bộ kỹ thuật căn bản, mà dựa trên cả một hệ thống công nghệ có liên quan tới nhau. Hệ thống này đã thúc đẩy sự phát triển của vô số những ứng dụng làm thay đổi cả lĩnh vực thông tin truyền thông và điều này lại tiếp tục có tác động thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.

Lại một thế kỷ trôi qua. Thế kỷ 20 hứa hẹn bắt đầu như một giai đoạn đẹp đẽ của những thành tựu kỹ thuật và của tăng trưởng kinh tế. Nhưng hai cuộc đại chiến thế giới cũng như khủng hoảng kinh tế những năm 30 đã làm chậm trễ phần nào sự phát triển kỹ thuật trên toàn cầu. Nhưng những yếu tố này cũng lại thúc đẩy phát triển một số ngành kỹ thuật mới như phát thanh và máy bay.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra với sự ra đời của công nghệ số, máy tính và mạng Internet. Một làn sóng mới đã bắt đầu với vố số các ứng dụng kết nối cá nhân toàn cầu. Những chiếc máy tính đầu tiên xuất hiện vào những năm 1940 tại Mỹ. Trong ba thập niên sau đó, máy tính đã trở nên phổ biến trong các tập đoàn lớn, trong các chính quyền cũng như trong phòng nghiên cứu.

Từ những năm 1980 trở đi, máy tính cá nhân cỡ nhỏ bắt đầu xuất hiện và trở nên phổ biến trên toàn cầu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các cá nhân bắt đầu tiếp cận tới máy tính trong đời sống hàng ngày. Internet xuất hiện vào đầu những năm 1990, các máy tính được kết nối và tạo nên một mạng lưới rộng lớn – web – phát triển với một tốc độ thần kỳ. Không chỉ thế, cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba còn được đánh dấu bằng sự ra đời của các mạng xã hội như Facebook, Twitter… đang hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Đến năm 2007, Steve Jobs cho ra mắt sản phẩm iPhone đầu tiên – một “cuộc cách mạng trong một cuộc cách mạng”.

Ở thời điểm hiện tại, thế giới số đã hoàn toàn hiện diện trong thế giới thực. Theo thống kê, trên toàn thế giới, cứ bốn người trên 10 tuổi sẽ có một người sở hữu điện thoại di động. Thời gian chúng ta dành cho điện thoại thông minh, máy tính, ti vi cũng rất đáng kể, trung bình một phần ba thời gian trong ngày. Mỗi ngày, tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực AI lại tạo ra những thay đổi to lớn và nhanh chóng trong cuộc sống. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giải thích về nguồn gốc của cách mạng

Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích các cuộc cách mạng công nghiệp. Trong quyển sách “Quá trình công nghiệp hóa của phương Tây” (1997) của tác giả người Pháp Patrick Verley, ông cho rằng từ cuối thế kỷ 17 (trước cách mạng công nghiệp lần thứ nhất), việc gia tăng tiêu dùng ở Anh (quần áo, dụng cụ, đồ đạc nội thất ) đã tạo nên nhu cầu lớn trên thị trường, dẫn đến việc các nhà công nghiệp tìm cách tìm hiểu và đầu tư nghiên cứu để tìm ra các phương pháp sản xuất hiệu quả hơn. Theo ông, nhu cầu hàng hóa đã thúc đẩy phát triển kỹ thuật, chứ không phải là ngược lại.

Một số nhà nghiên cứu khác giải thích các cuộc cách mạng công nghiệp bằng chính sách quốc gia hay thậm chí bằng đặc điểm văn hóa. Ví dụ, theo nhà sử học Joël Mokyr, ở phương Tây từ thế kỷ 18 trở đi đã dần xuất hiện một niềm tin vào sự cần thiết của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngược lại, một số nhà nghiên cứu khác, như Joseph Schumpeter, lại tập trung vào ý tưởng cho rằng phát triển kỹ thuật công nghệ là đầu tàu tạo ra cách mạng công nghiệp.

Cách tiếp cận này cũng được nhiều sử gia khác đồng tình, nhấn mạnh vào tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, vai trò của tri thức và nghiên cứu – phát triển. Rất có thể rằng, sự kết hợp của rất nhiều yếu tố trên chính là nguyên nhân chính tạo nên các cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi bộ mặt xã hội loài người.

Thiên Kim

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cach-mang-cong-nghiep-tu-1-den-4/