Cách mạng công nghiệp 4.0: Phần mềm viết tin tự động sẽ 'đe dọa' báo chí

Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, công nghệ viết tin tự động sẽ “cạnh tranh” việc làm với phóng viên, thậm chí khiến phóng viên mới vào nghề khó tìm việc hơn.

Đã có hãng thông tấn sử dụng công nghệ viết tin tự động.

Theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TT&TT) đưa ra tại hội thảo “Hạ tầng viễn thông băng rộng trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, trên các mặt kinh tế, quản lý xã hội, báo chí truyền thông, con người...

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra những thị trường mới, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng…, tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng đặt ra những thách thức như có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng, gây đảo lộn thị trường lao động do trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong tự động hóa.

Doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo hơn

Năm 2015, McKinsey công bố nghiên cứu cho thấy, với công nghệ hiện nay có thể tự động hóa được 45% mọi hoạt động được trả công của con người. Không chỉ nhân lực kỹ năng thấp mà nhân lực kỹ năng trung bình sẽ dần bị trí tuệ nhân tạo, robot thay thế.

Xu hướng áp dụng các nền tảng công nghệ số trong cả cung và cầu tạo sự đột phá trong cấu trúc các ngành hiện tại, tạo ra nền kinh tế chia sẻ hay theo nhu cầu, thể hiện ở 4 khía cạnh: có thể hiểu và tiếp cận khách hàng dễ dàng, cung cấp trải nghiệm sống động, chi phí hợp lý nhưng thách thức là khách hàng ngày càng am hiểu công nghệ và hay thay đổi.

Cùng đó sẽ giúp nâng tầm sản phẩm. Số lượng lớn sản phẩm và dịch vụ được siêu kết nối đang làm thay đổi ranh giới giữa các ngành công nghiệp, tạo nên ngành mới, “đe dọa” ngành hiện có (ví dụ như Uber, Airbnb).

Do đó, các công ty phải sáng tạo hơn nhiều trong sản phẩm, dịch vụ và cả mô hình hợp tác để đáp ứng môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn và thay đổi rất nhanh chóng.

Ngoài ra, cấu trúc và văn hóa tổ chức hiện nay chủ yếu phù hợp cho nền kinh tế công nghiệp, cần sự điều chỉnh cho phù hợp nền kinh tế số có tính toàn cầu hơn, biến đổi nhanh hơn.

Quyết định năng lực quản lý của chính quyền

Các công nghệ và nền tảng mới cho phép công dân gắn kết với chính quyền hơn, nhiều ý kiến hơn, dễ tập hợp hơn. Chính quyền có sức mạnh công nghệ mới và làm tăng khả năng kiểm soát.

Trong đó, vai trò trung tâm thực hiện chính sách của chính quyền giảm đi bởi các nguồn cạnh tranh mới cũng như xu hướng tái sắp xếp, phân tán quyền lực được công nghệ mới hỗ trợ.

Khả năng thích ứng với công nghệ mới của các cơ quan công quyền sẽ quyết định năng lực quản lý của họ, chính quyền và các cơ quan quản lý sẽ cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và các hội, hiệp hội dân sự.

Công nghệ viết tin tự động sẽ “cạnh tranh” việc làm với phóng viên

Ngay như trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, công nghệ viết tin tự động sẽ “cạnh tranh” việc làm với phóng viên, thậm chí khiến phóng viên mới vào nghề khó tìm việc hơn.

Phần mềm tự động viết tin tức tài chính đã được hãng thông tấn AP đưa vào sử dụng từ năm 2014 với tốc độ lên tới 2.000 bản tin/giây và tiếp tục được mờ rộng sang lĩnh vực khác.

Với công nghệ có thể “lắng nghe” mạng xã hội, các nhà báo sẽ nhanh chóng phát hiện những xu hướng nội dung được thích và chia sẻ nhanh nhất, nhiều nhất. Một trong những thách thức lớn nhất cho các mạng xã hội hiện nay lả khả năng phát hiện sớm và ngăn chặn những tin tức giả mạo lan truyền nhanh chóng và không giởí hạn. Điều đó có thể tác động rất nguy hiểm đến lòng tin và sự ổn định trong xã hội.

Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề mới nổi lên là trách nhiệm đạo đức báo chí của kỹ sư công nghệ - người viết ra những thuật toán để tìm kiếm, lựa chọn, kiểm duyệt và hiển thị những nội dung đến với người dùng mạng xã hội theo cách kỹ sư công nghệ cho là phù hợp nhất.

P.V

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/cach-mang-cong-nghiep-4-0-phan-mem-viet-tin-tu-dong-se-de-doa-bao-chi-156397.ict