Cách ly 7 y, bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp xúc bệnh nhân Covid-19

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã xác định và đưa đi cách ly 7 y, bác sĩ tiếp xúc gần với BN1611 đến khám tại bệnh viện này ngày 25/1.

Cách ly 7 nhân viên y tế Bệnh viện Tai Mũi Họng tiếp xúc ca mắc COVID-19. Ảnh minh họa

Theo đó, qua điều tra dịch tễ, BN1611 có lịch trình đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội) vào ngày 25/1.

Để quản lý, phòng ngừa lây nhiễm cho các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh trên và lên kế hoạch ứng phó của bệnh viện, chiều 30/1, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị giám đốc bệnh viện khẩn trương rà soát lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với BN1611 (F1) và F2 (người tiếp xúc với F1).

Theo ông Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, sau khi nhận được thông tin từ Bộ Y tế, bệnh viện đã rà soát, xác định 7 F1 là các y, bác sĩ của khoa Khám bệnh, ngay lập tức, tiếnh hành đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, hiện đang chờ kết quả. Các F2 đã được cách ly tại chỗ.

Ông Cảnh cũng cho biết bệnh nhân này đến bệnh viện khám do viêm xoang. Sau khi khám, bệnh nhân nhận thuốc về nhà, không lưu trú tại bệnh viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nêu rõ, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả người dân, các bệnh viện, các bộ ngành, các Sở Y tế, phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Đặc biệt là các bệnh viện cần phải làm chặt chẽ, tinh thần cảnh giác cao độ.

Các cơ sở y tế phải thực hiện sàng lọc ngay khi người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện. "Có một thực tế là vừa qua, rất nhiều bệnh viện để bệnh nhân vào bên trong hỏi phòng bảo vệ, vào khu gửi xe xong mới quay lại khu sàng lọc, quy trình này là sai.

Khi người bệnh tiếp xúc với bảo vệ là đã có nguy cơ lây nhiễm, tiếp xúc với khu để xe lại tiếp tục có nguy cơ cao hơn; thậm chí có các trường hợp đi ô tô đi thẳng vào trong, đi khắp bệnh viện… Tất cả những trường hợp như trên cần phải rút kinh nghiệm", ông Khuê cho biết.

Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, việc kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo với cán bộ y tế đặc biệt quan trọng. Giai đoạn này, các bệnh viện cũng phải quyết liệt ngay từ đầu, những bộ phận tiếp xúc ban đầu với người bệnh phải được cung cấp đầy đủ quần áo, mũ, khẩu trang, kính các điều kiện phòng hộ đầy đủ.

Tuyệt đối không để ảnh hưởng đến cán bộ y tế vì không có thầy thuốc thì không thể chữa trị được cho bệnh nhân.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cach-ly-7-y-bac-si-benh-vien-tai-mui-hong-trung-uong-tiep-xuc-benh-nhan-covid-19-post116780.html