Cách giảm căng thẳng cho F0 sau khi khỏi Covid-19

Áp lực sợ bị tái nhiễm, hồi tưởng lại thời điểm mắc bệnh có thể khiến nhiều người cảm thấy bất an, căng thẳng hậu Covid-19.

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), nhiều nghiên cứu phát hiện sau khi hồi phục từ Covid-19, một số bệnh nhân cảm thấy lo lắng, bất an, hoảng sợ hoặc gặp phải các triệu chứng thể chất như đau đầu, khó ngủ...

Người bệnh bị căng thẳng do hồi tưởng lại thời điểm mắc Covid-19, cảm xúc tiêu cực từng gặp phải. Từ ngữ, đồ vật hoặc tình huống nhắc nhở về Covid-19 có thể khiến họ lo lắng dữ dội. Đó có thể là trải nghiệm khó thở hoặc về những ngày phải điều trị trong phòng ICU, phải thở oxy...

Ngoài ra, nỗi lo về nguy cơ tái nhiễm, hậu Covid-19 cũng khiến những người này bất an, lo lắng, dẫn đến rối loạn chức năng sinh học và tinh thần.

 Áp lực khi mắc Covid-19, lo lắng tái nhiễm có thể khiến người bệnh luôn bất an, căng thẳng sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Forbes.

Áp lực khi mắc Covid-19, lo lắng tái nhiễm có thể khiến người bệnh luôn bất an, căng thẳng sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Forbes.

Theo Indian Express, một số biện pháp có thể giúp người bệnh kiểm soát căng thẳng, giải tỏa áp lực sau khi khỏi Covid-19.

Tăng cường hoạt động thể chất

Lối sống ít vận động có thể là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng hậu Covid-19. Cơ thể của bạn có thể vẫn còn yếu sau khi khỏi bệnh, chưa thích hợp với các bài tập vận động quá sức.

Vì vậy, các bài tập thở, thiền, yoga,… kích thích cơ thể tiết ra nhiều hormone hạnh phúc là dopamine và serotonin, giúp giảm bớt căng thẳng. Nó cũng sẽ giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn.

Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh

Người bệnh vừa khỏi Covid-19 cần thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, giảm hoặc hạn chế đồ ăn vặt, đồ chiên rán.

Ăn nhiều trái cây họ cam quýt cũng mang lại lợi ích cho bạn. Do chứa hàm lượng vitamin C cao, trái cây này giúp tăng cường miễn dịch, xây dựng collagen, giảm thiếu máu và căng thẳng.

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ ngon, sâu trong 7-8 tiếng rất quan trọng để bạn vượt qua căng thẳng. Và khi không còn căng thẳng, bạn cũng sẽ càng ngủ ngon hơn, chất lượng giấc ngủ càng được cải thiện.

Trong khi đó, thiếu ngủ có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, giảm trí nhớ, thiếu tập trung và thậm chí là các mối lo ngại về an toàn khi lái xe. Kết hợp với tập thể dục hợp lý và ăn uống đúng giờ, cơ thể được thư giãn, giải tỏa căng thẳng, từ đó cũng giúp bạn ngủ đủ giấc.

Kết nối với mọi người

Việc bị cách ly và hạn chế tiếp xúc với mọi người khiến nhiều người cảm thấy chán nản, tù túng và căng thẳng. Có rất nhiều cách để kết nối với bạn bè và người thân an toàn như điện thoại, gọi video, trò chuyện trên mạng xã hội,...

Nếu có thể, bạn nên chia sẻ cảm xúc của mình với bạn bè và người thân, đặc biệt là những người sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Nói ra sẽ giúp bạn giải tỏa và thoải mái hơn.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-giam-cang-thang-cho-f0-sau-khi-khoi-covid-19-post1308942.html