Cách chữa ho khan khi thời tiết lạnh

Có nhiều nguyên nhân gây ho khan, nếu gặp tình trạng ho khan người bệnh có thể áp dụng một số cách như uống mật ong ấm, sử dụng các loại thuốc, kẹo ngậm ho...

Ho khan là tình trạng khi ho không tiết ra chất nhầy hoặc đờm. Ho khan có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, rát họng. Khi tình trạng ho khan kéo dài không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và ho khan có thể gặp khi mắc các bệnh lý về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm thanh quản…

Vì sao bị ho khan?

Thời tiết lạnh, ô nhiễm không khí và khói bụi là nguyên nhân khiến nhiều người bị ho khan do tình trạng tăng kích ứng đường thở. Ngoài ra, ho khan còn có thể do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như:

- Viêm mũi dị ứng, cúm A, B: Khi cơ thể hít phải các chất gây dị ứng, mũi họng sẽ bị kích thích gây ra tình trạng chảy nước mũi sau và kích thích đường thở.

Thời tiết lạnh khiến nhiều người bị ho khan do tình trạng tăng kích thích đường thở.

- Viêm thanh quản: Những người bị viêm thanh quản cấp hoặc mạn có thể dễ bị cảm giác ngứa, rát ở cổ họng gây ra tình trạng ho khan.

- Trào ngược dạ dày: Dịch acid trong dạ dày khi trào ngược nên họng, thanh quản sẽ kích thích niêm mạc gây ra phản xạ ho khan, tình trạng này sẽ kéo dài dai dẳng nếu không được điều trị đúng.

- Hen phế quản: Những người mắc bệnh hen phế quản thường có cơ địa dị ứng, dễ bị kích thích bởi các dị nguyên lạ và có tình trạng viêm mạn tính đường thở nên thường xuyên bị ho khan, khó thở. Hen phế quản hay gặp khi thay đổi thời tiết và cơn ho khó thở cũng hay xảy ra về đêm.

- Người hút thuốc lá: Thuốc lá chứa rất nhiều chất độc hại, người hút thuốc lá sẽ khiến các hóa chất độc hại trong khói thuốc đi vào họng thanh quản gây kích thích đường thở gây ho.

- Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ gây ho khan như thuốc hạ áp…

Một số biện pháp giảm ho khan tại nhà

- Sử dụng mật ong ấm hoặc chanh mật ong ấm để uống/ngậm giúp giảm cảm giác ngứa họng.

- Sử dụng các loại thuốc hoặc kẹo ngậm ho

- Dùng các loại trà thảo dược như trà gừng, trà cam thảo, trà hoa cúc…

- Có thể súc họng hàng ngày bằng nước muối ấm để sát khuẩn đường họng và giúp giảm cơn ho

- Khi ngủ có thể cao kê gối hoặc dùng gối cao để hạn chế bị trào ngược

Nếu tình trạng ho kéo dài hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám.

- Tắm nước ấm vào mùa lạnh để giảm tình trạng khô, kích ứng họng. Đồng thời cần phải giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài, nhất là các bộ phận đầu, cổ, chân tay. Nên sử dụng khẩu trang, nếu có thể nên dùng các loại khẩu trang N95 để ngăn được bụi mịn và lưu ý tránh ngồi những nơi có gió lùa.

- Uống đủ nước, nên uống nước ấm vào mùa đông, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó nên bổ sung các loại vitamin C để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể và các loại rau xanh, đặc biệt là các loại rau có màu xanh đậm.

Tuy nhiên, người dân nên lưu ý, khi áp dụng các biện pháp giúp giảm cơn ho khan thông thường theo dân gian tại nhà không đỡ hoặc tình trạng ho khan tăng lên và/hoặc có những dấu hiệu khác kèm theo dưới đây thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện bệnh sớm:

- Ho kèm theo các biểu hiện tức ngực, khó thở, khò khè…

- Ho đờm vàng đặc, ho ra máu

- Ho kéo dài trên 2 tuần

- Cơ thể mệt mỏi, sốt, sút cân…

Bởi vì ho khan có thể là dấu hiệu của các bệnh lý hô hấp nghiêm trọng khác như: U phổi, lao phổi, viêm phổi, tràn dịch màng phổi… nên khi được khám và điều trị sớm thì sẽ tránh những biến chứng nặng nề do bệnh gây ra.

ThS.BSCKII Vũ Thị Dịu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-chua-ho-khan-khi-thoi-tiet-lanh-169231227115145445.htm