Cách bảo vệ bản quyền hình ảnh trong kinh doanh online

Bắt nhịp xu hướng thương mại điện tử, nhiều chủ doanh nghiệp đầu tư cho các buổi chụp hình, sản xuất video giới thiệu sản phẩm lên kênh online của mình. Tuy nhiên, không ít người đã bị lấy cắp hình ảnh sản phẩm do mình làm ra.

Luật sư Trần Thị Hà

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Thị Hà (Công ty Luật TNHH Pharos) cho biết: Trong kinh doanh, việc nhiều công ty, cá nhân cùng kinh doanh một nhóm sản phẩm hoặc một loại hàng hóa là điều phổ biến.

Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, việc cá nhân kinh doanh tự chụp ảnh hoặc cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp đầu tư các chi phí để setup các buổi chụp ảnh sản phẩm thì những hình ảnh sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ (cụ thể là quyền tác giả) của những cá nhân, doanh nghiệp này.

Cũng theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Như vậy, khi một bức hình về sản phẩm được chụp ra thì quyền tác giả đã phát sinh và được pháp luật thừa nhận, bảo vệ.

Hành vi lấy cắp hình ảnh sản phẩm của người khác được Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa là hành vi sao chép tác phẩm. Hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây ra nhiều hệ lụy như:

gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, gây mất uy tín và niềm tin vào thương hiệu của doanh nghiệp, cá nhân là chủ sở hữu hình ảnh; gây nhiễu loạn trên thị trường, đặc biệt là gây khó khăn trong kiểm soát hàng giả, hàng nhái.

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định việc xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Ngoài ra, chủ sở hữu hình ảnh cũng có quyền khởi kiện ra tòa và yêu cầu chủ thể vi phạm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm.

Đặc biệt, hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự "Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan" với mức phạt đối với cá nhân là phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 03 năm;

mức phạt đối với pháp nhân là phạt tiền đến 3 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 02 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn lên đến 03 năm.

PV: Thưa luật sư, có biện pháp nào để phòng ngừa hành vi lấy cắp hình ảnh này không?

Luật sư Trần Thị Hà: Quy định pháp luật về việc xử lý vi phạm đã có nhưng thực tiễn xử lý vi phạm mang tính triệt để, không tái phạm lại khó, nhất là vi phạm trên môi trường mạng.

Do đó, ngay từ đầu, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp cần phải hướng đến biện pháp phòng ngừa để hạn chế các tranh chấp không mong muốn, bảo vệ quyền tác giả đối với hình ảnh sản phẩm của mình.

Một số biện pháp cần được cân nhắc thực hiện như: Chú trọng tìm hiểu các vấn đề, nội dung pháp luật về bản quyền hình ảnh sản phẩm; đăng ký quyền tác giả đối với hình ảnh sản phẩm; chủ động báo cáo vi phạm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý nghiêm minh và bảo vệ được quyền lợi của mình…

Bài, ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cach-bao-ve-ban-quyen-hinh-anh-trong-kinh-doanh-online-20230609123851419.htm