Các vùng trồng rau, quả tấp nập vào vụ Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... tấp nập ra đồng chăm sóc, thu hoạch các loại nông sản phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Các cánh đồng trồng rau, quả theo hướng VietGAP đang mang lại hiệu quả bởi chất lượng sản phẩm an toàn, đầu ra ổn định, giá bán cao hơn.

Nông dân thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) thu hoạch rau cung cấp ra thị trường dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nông dân thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) thu hoạch rau cung cấp ra thị trường dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đại diện các hợp tác xã, nông dân các địa phương cho rằng, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho các loại rau màu phát triển nên bảo đảm đủ nguồn cung cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1 vừa qua cũng không thể xua đi sự hối hả xuống đồng chăm sóc và thu hoạch rau, quả của người dân thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Những cánh đồng rau xanh mơn mởn, vườn cam, quýt chín mọng được trồng theo hướng VietGAP đang hứa hẹn một vụ sản xuất đạt năng suất, hiệu quả cao. Ngăm Mạc được biết đến là vùng trồng rau trọng điểm của huyện Gia Bình. Người dân ham học hỏi, cần cù, chịu khó, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Yến, thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Yên chia sẻ: "Sắp đến Tết Nguyên đán, các hộ nông dân chúng tôi đang khẩn trương chăm sóc những cánh đồng rau để có sản phẩm tốt cung cấp ra thị trường. Trước đây, người dân thôn Ngăm Mạc chỉ biết trồng rau theo kinh nghiệm và phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nhiều cho nên năng suất chưa cao, chất lượng cũng không bảo đảm. Tuy nhiên, từ khi được tham gia dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, chúng tôi được cán bộ khuyến nông và chuyên gia Nhật Bản về hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc sinh học, bón phân chuồng ủ cho nên rau, củ đạt chất lượng, tiêu thụ tốt và giá bán cũng cao hơn nhiều so với trước đây”.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc Phan Duy Phượng cho biết: Năm 2023, dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía bắc được thực hiện, người dân được hướng dẫn về kỹ thuật xử lý đất, ủ phân, canh tác, truy xuất nguồn gốc, marketing, bán hàng tập trung… do đó, hiệu quả từ trồng rau, củ, quả đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, từ chỗ loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, sau khi tham gia dự án rau, củ, quả của người dân được ký hợp đồng tiêu thụ với giá ổn định. Đến nay, hợp tác xã có thể cung ứng khối lượng rau, củ, quả đa dạng và an toàn cho các bếp ăn, siêu thị... với khối lượng khoảng 15 tấn/tháng. Các sản phẩm nông sản luôn bảo đảm an toàn bởi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc. Dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán này, hợp tác xã sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn cam đường canh, 100 tấn cải bắp, 80 tấn xu hào, 120 tấn súp lơ”.

Trên cánh đồng Cây Xanh, mặc dù thời tiết có rét đậm, rét hại và mưa nhỏ nhưng nông dân thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) vẫn tất bật thu hoạch xà lách, rau cải…để kịp cung ứng ra thị trường. Bác Ngô Thị Mến cho biết: "Gia đình tôi có hơn một sào trồng rau, trước đây thu hoạch thường mang ra chợ bán với giá thấp. Từ khi tham gia dự án, chúng tôi được hướng dẫn canh tác theo hướng an toàn, đầu ra sản phẩm được ký tiêu thụ, giá bán cũng cao hơn”. Cô Nguyễn Thị Bích, thôn Mễ Hạ chia sẻ: Trước đây trồng rau thu nhập thấp lắm, chỉ được hơn một triệu đồng/sào/vụ. Từ khi tham gia Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú, thu nhập đạt 2 đến 3 triệu đồng/sào.

Với nhu cầu sử dụng nông sản có chất lượng và bảo đảm an toàn ngày càng cao của người tiêu dùng, các hợp tác xã, người sản xuất cũng phải thay đổi để theo kịp. Họ phải nắm được kỹ thuật sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ sinh học, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú Nguyễn Hữu Hưng. Hợp tác xã có diện tích đất sản xuất là 300 ha với hơn 200 thành viên tham gia, trong đó có 30 ha canh tác theo hướng VietGAP, sản lượng đạt an toàn 3.000 tấn. Khi tham gia dự án, đời sống của người dân được nâng cao do giá bán rau ra thị trường tăng từ 20 đến 30% so với trước đây; giá trị canh tác đạt 450 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay, các thành viên, hợp tác xã sản xuất các loại rau như: Cải ngọt, cải ngồng, súp lơ, hành, mùi, xà lách... bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường 7 đến 10 tấn. Dịp Tết Nguyên đán, dự kiến hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn/ngày.

Thời gian này, các thành viên Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đang miệt mài chăm sóc những vườn thanh long đỏ trái vụ để bán dịp Tết Nguyên đán. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Thuấn chia sẻ: "Hợp tác xã sản xuất chủ lực là cây thanh long với diện tích trồng và liên kết cùng nông dân hơn 60 ha, năng suất đạt 4 đến 5 tấn/sào. Hiện nay, canh tác thanh long được trồng theo hướng hữu cơ cho nên chất lượng sản phẩm bảo đảm. Giá bán thanh long trái vụ lên đến 30 nghìn đồng/kg, thậm chí vụ Tết này có thể lên tới 40 đến 50 nghìn đồng/kg”.

Ông Kayano Naoki, chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), điều phối viên dự án cho biết: "Các hợp tác xã đã áp dụng các kỹ thuật sản xuất mới theo quy trình VietGAP mà dự án hướng dẫn và đạt được kết quả sản xuất tốt. Tại Việt Nam, sắp đến Tết Nguyên đán, giá nông sản tăng cao, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn nên việc sản xuất theo hướng VietGAP sẽ giúp người nông dân có đầu ra thuận lợi và giá bán cao hơn”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: "Nâng cao chất lượng rau, quả, tạo sự ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP là vấn đề sống còn của nông sản Việt Nam. Hướng dẫn nông dân sản xuất bền vững và cam kết trách nhiệm với sản phẩm làm ra chính là mục tiêu lâu dài. Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía bắc đã và đang giải quyết được vấn đề này. Chúng tôi vẫn liên tục tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo, tập huấn để nông dân đưa các sản phẩm an toàn ra thị trường, không chỉ trong dịp Tết này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn thêm 50 hợp tác xã để mở rộng mô hình sản xuất an toàn” ■

Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tại bảy địa phương là: Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và Sơn La với 18 hợp tác xã tham gia. Dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

(Theo Nhân dân)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/318045/cac-vung-trong-rau-qua-tap-nap-vao-vu-tet.aspx