Các ứng viên Tổng thống Pháp tranh cãi về 'chống khủng bố'

Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ súng trên Đại lộ Champs-Elysee ở thủ đô Paris của Pháp đã trở thành chủ đề nóng, gây tranh cãi giữa các ứng viên Tổng thống trong cuộc phỏng vấn cuối cùng với kênh truyền hình France 2 trước thềm vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 23-4.

Theo tin từ hãng AP, vụ xả súng xảy ra lúc 3h ngày 21-4 (theo giờ Việt Nam) làm 1 cảnh sát thiệt mạng, 2 người khác bị thương. Kênh tuyên truyền Amaq của IS ngay sau đó đã tuyên bố IS thực hiện vụ tấn công khủng bố này.

An ninh được thắt chặt trên khắp nước Pháp sau vụ xả súng tại Đại lộ mua sắm nổi tiếng Champs-Elysee. Ảnh: AP.

Cũng theo thông tin của Amaq, kẻ tấn công có tên là Abu Yousif, một chiến binh IS người Bỉ gốc Pháp. Tên này 39 tuổi, từng bị cảnh sát chống khủng bố theo dõi và đã bị kết án 15 năm tù giam vào tháng 2-2015 với 3 tội danh âm mưu giết người, trong đó có một vụ nhằm vào cảnh sát. Sau khi vụ nổ súng xảy ra, cảnh sát Pháp đã ngay lập tức phong tỏa Đại lộ mua sắm nổi tiếng Champs-Elysee và đóng cửa các ga tàu điện ngầm trong khu vực.

Trả lời phỏng vấn báo giới, công tố viên Paris Francois Molins cho biết, cảnh sát đang truy lùng Abu Yousif và truy nã nghi can thứ 2 trong vụ nổ súng. Nhiều khả năng, 2 tên này đã đi tàu hỏa từ Bỉ đến Pháp để thực hiện vụ xả súng. Đến chiều 21-4, nghi can thứ 2 bị truy nã đã ra trình diện cảnh sát Bỉ.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Pháp Henry Brandet cho biết, nghi can này đã tới Sở Cảnh sát thành phố Antwerp của Bỉ để tự thú. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định đối tượng này có thực sự liên quan đến vụ nổ súng hay không.

Để đảm bảo an toàn, an ninh xã hội và trấn an người dân, Tổng thống Pháp Francois Hollande sau đó đã triệu tập một cuộc họp quốc phòng khẩn cấp với Thủ tướng Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Nội vụ Matthias Fekl. Các cuộc đột kích cũng được tiến hành ở một số nơi nghi ngờ có các phần tử cực đoan. An ninh được thắt chặt ở những khu vực đông người, những thành phố lớn và các địa điểm trọng yếu.

Khẳng định rằng vụ nổ súng "mang tính chất khủng bố", Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cảnh báo "tuyệt đối cảnh giác" trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần. Đáp lại những tuyên bố của người đứng đầu Điện Elysee, các ứng cử viên Tổng thống Pháp đều cho rằng, tình trạng an ninh hiện tại không đảm bảo cho các cuộc tụ tập đông người. Một số ứng viên đã tuyên bố hủy bỏ các chuyến đi vận động bầu cử như Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia Marine Le Pen, Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Francois Fillon.

Riêng cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình France 2 thì vẫn được 11 ứng cử viên tham gia đầy đủ với hy vọng đây là cơ hội cuối cùng để thu hút cử tri ủng hộ mình. Theo kịch bản của kênh truyền hình France 2, mỗi ứng viên có 15 phút trả lời phỏng vấn về tất cả các vấn đề nhưng cuối cùng, vấn đề được hỏi nhiều nhất lại là các biện pháp chống khủng bố, đối phó với Hồi giáo cực đoan và đảm bảo an ninh cho nước Pháp.

Giới quan sát nhận định, vụ xả súng có thể được coi là cái cớ để các ứng viên Tổng thống Pháp bày tỏ quan điểm của mình và đưa ra một chiến lược phù hợp nhằm ghi điểm trước thềm bầu cử Tổng thống vòng 1 vào ngày 23-4. Chẳng thế mà cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon, ứng cử viên cánh hữu dù hoãn chiến dịch tranh cử vẫn xuất hiện trên truyền hình với lời khẳng định rằng, cuộc chiến chống khủng bố sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông khi trở thành Tổng thống Pháp. Ông Francois Fillon còn đề xuất củng cố liên minh quốc tế chống khủng bố để ngăn chặn và loại trừ các mối đe dọa khủng bố từ ngoài và trong; thúc đẩy hợp tác tình báo đặc biệt trong Liên minh Châu Âu.

Thêm vào đó, cựu Thủ tướng còn đề xuất ngăn chặn không cho các phần tử cực đoan thánh chiến từng đến Syria quay trở lại Pháp, trục xuất những phần tử nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia Pháp, giải tán các tổ chức có mục tiêu phá hủy xã hội và các giá trị của nước Pháp. Còn ứng cử viên Marine Le Pen, một trong những ứng viên sáng giá của cuộc bầu cử thì cho rằng, các quốc gia châu Âu cần phải đóng cửa biên giới, tăng ngân sách quốc phòng, đóng cửa mạng lưới nhà thờ Hồi giáo...

Trong khi đó, ứng cử viên Emmanuelle Macron, người được coi là "ẩn số" trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lại kêu gọi xây dựng một nền quốc phòng trên mạng và tiếp tục các chiến dịch can thiệp vào một số vùng có Hồi giáo cực đoan để ngăn chặn tận gốc nguồn gốc khủng bố...

Phan Hiển

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cac-ung-vien-tong-thong-phap-tranh-cai-ve-chong-khung-bo-437892/