Các trường văn hóa nghệ thuật “kết” tuyển sinh riêng

(Toquoc)- Các trường Văn hóa, nghệ thuật vẫn đề xuất tiếp tục thực hiện tuyển sinh riêng trong năm học tới.

Ngày 12/11, Hội nghị Công tác tuyển sinh năm 2013- 2014 khối các trường Văn hóa nghệ thuật (VHNT) đã được Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội. Lãnh đạo 23 cơ sở đào tạo lĩnh vực VHNT trong cả nước đã tham dự.

Tăng thí sinh, tăng chất lượng

Đánh giá chung của các cơ sở đào tạo sau mùa tuyển sinh riêng thì chất và lượng thí sinh đều tăng.

Theo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam- một trong 10 trường thực hiện thí điểm kỳ thi tuyển sinh đại học theo đề án của Bộ VHTTDL, do nhà trường được chủ động về thời gian tổ chức tuyển sinh, không trùng với kỳ thi “ba chung” nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi được cải thiện rõ rệt so với mọi năm. “Riêng so với năm 2012, lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường tăng 75% sau khi thực hiện tuyển sinh riêng. Số lượng thi sinh đăng ký dự thi tăng nên chất lượng chuyên môn đầu vào cũng tốt hơn”- ông Lê Văn Sửu- Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Thí sinh dự thi môn năng khiếu tại Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật (Nguồn: Thanh Niên)

Cùng chung “hoàn cảnh” khó tuyển sinh trong các mùa tuyển sinh chung, đại diện Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh chia sẻ, mọi năm, thực hiện thi “ba chung” thí sinh đăng ký vào trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh chỉ để lấy điểm sang các trường khác như Tôn Đức Thắng, Văn Lang… Tuy nhiên, năm nay, thời gian thi vào trường không trùng với các trường khác, thí sinh đăng ký thi vào trường đều có nguyện vọng học tại trường. Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký vào trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đạt 975 hồ sơ, tăng 390 hồ sơ (67%) so với mùa tuyển sinh 2012.

Việc thi tuyển riêng của nhà trường đã “sàng lọc” được đầu vào, nghĩa là các thí sinh thực sự có nguyện vọng học tập tại các trường VHNT mới nộp hồ sơ thi tuyển, bởi vậy, số lượng thí sinh tăng lên cùng với chất lượng cao hơn mọi năm.

Môn Ngữ văn- môn xét tuyển của các nhà trường trong mùa tuyển sinh riêng vừa qua là một ví dụ. Điểm trung bình môn Ngữ văn trong các năm còn thi “ba chung” của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 2010 là 4,69 điểm; năm 2011 là 4,63 điểm; năm 2012 là 4,48 điểm. Nhưng năm 2013 điểm trung bình môn Ngữ văn theo số lượng thí sinh xét tuyển là 6,48 điểm- cao hơn các năm thi “ba chung”.

Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận sự tăng về lượng và chất ở các hồ sơ. Việc được tự ra đề thi môn năng khiếu đã tạo điều kiện cho nhà trường biên soạn đề thi phù hợp với trình độ, yêu cầu tuyển sinh.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật và trang trí Đồng Nai cũng đánh giá có sự “cải thiện” trong năm đầu tiên thực hiện thi tuyển sinh riêng về cả số lượng và chất lượng nguồn thí sinh. Cụ thể, số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm 2013 là 453 thí sinh, tăng 2.36% so với năm 2012. Thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2013 là 239, tăng 23% so với năm 2012.

Thi riêng nhưng không luyện thi

Bên cạnh những thuận lợi khi thực hiện thi tuyển sinh riêng, các nhà trường cũng nhìn nhận những khó khăn trong việc tự tổ chức thi tuyển như: thời gian tổ chức thi kéo dài, gây mệt mỏi, tốn kém cho thí sinh; một số Sở GD&ĐT không nắm vững đề án tuyển sinh riêng của 10 trường VHNT nên không nhận hồ sơ Đăng ký dự thi của thí sinh và bắt thí sinh phải trực tiếp đến các trường để nộp. Điều này gây bất tiện cho thí sinh.

Theo đề xuất của đa số các trường tổ chức thi tuyển riêng, trong năm tới sẽ vẫn tiếp tục thực hiện đề án của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, đề nghị hai bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những vướng mắc trong việc nhận hồ sơ cho thí sinh.

Ghi nhận những ý kiến của đại diện các cơ sở đào tạo VHNT, ông Đào Mạnh Hùng- Vụ trưởng Vụ Đào tạo- Bộ VHTTDL cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai đề án thi tuyển sinh riêng trong các trường VHNT. Tuy nhiên, đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo, luyện thi như giáo viên tổ chức luyện thi thì không được chấm thi…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cũng đồng quan điểm này. Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, các trường nên công khai việc giải đáp vướng mắc của thí sinh trong các cuộc trao đổi và hạn chế các chương trình luyện thi. Điển hình như trường Đại học Sân khấu Điện ảnh trong năm qua, việc giải đáp các vấn đề tuyển sinh được Công đoàn nhà trường thực hiện công khai, minh bạch, phù hợp với đặc thù đào tạo của nhà trường.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, các ý kiến đóng góp của đại diện các cơ sở đào tạo VHNT về những mặt mạnh, yếu của việc tổ chức tuyển sinh riêng sẽ được Bộ nghiên cứu, tập hợp và đề xuất các phương án giải pháp với Bộ GD&ĐT trong mùa tuyển sinh tới.

Dạ Minh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/38/thoi-su-giao-duc/120206/cac-truong-van-hoa-nghe-thuat-ket-tuyen-sinh-rieng.aspx