Các trường trung cấp chuyên nghiệp: Không còn 'đất sống'?

Nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ở phía Nam hiện không thể tuyển đủ học viên để hoạt động hiệu quả. Một số trường không còn "đất sống" nên phải sang nhượng hoặc chuyển sang... giáo dục mầm non. Nguyên nhân đang được cho là do sự thay đổi chính sách giáo dục đã vô tình kìm hãm sự phát triển của bậc học này...

Không sinh viên, không thể tồn tại

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2015-2016, toàn quốc có 482 cơ sở đào tạo TCCN. Trong đó, có 245 trường TCCN, 183 trường cao đẳng (CĐ) đào tạo TCCN và còn 27 trường đại học (ĐH) có đào tạo bậc học trung cấp. Chỉ tiêu đề ra với bậc trung cấp là 280.640 sinh viên theo học, tuy nhiên năm học 2015-2016 chỉ tuyển được 143.135 người học, đạt 51% so với chỉ tiêu và giảm thê thảm so với năm học 2014-2015 (406.891 sinh viên). Đặc biệt, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), có hơn 20 cơ sở không tuyển được sinh viên hệ TCCN. Các trường còn lại đa số chỉ đạt 20 - 30%. Các trường ngoài công lập có nơi chỉ tuyển được vài chục sinh viên.

Do tuyển sinh khó khăn, nhiều trường TCCN phải rao bán, chuyển nhượng cả cơ sở vật chất dạy và học như: Hồng Hà, Mai Linh, Phương Đông, Gia Định, Công nghệ Bách khoa, Tây Bắc... Đặc biệt, Trường Trung cấp Đông Dương phải chuyển sang giáo dục mầm non. Cũng có trường phải “thay tên đổi họ” cho dễ tuyển sinh như Trường Trung cấp Tân Thanh đổi thành Trường Trung cấp Kinh tế du lịch TP Hồ Chí Minh hoặc Trường Trung cấp Ánh Sáng đổi tên thành Trường Trung cấp Bách Khoa TP Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo các trường, hiện đơn vị đang ráo riết mùa tuyển sinh 2016-2017. Tuy nhiên dự báo là tình hình không sáng sủa mà còn thê thảm hơn.

Lời thỉnh cầu của nhà giáo

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho biết: “Hai năm trở lại đây, Bộ cho phép các trường ĐH mở rộng xét tuyển đầu vào, từ trường lớn đến trường nhỏ đều có thể dùng phương thức xét điểm học bạ. Sự tác động của những chính sách, văn bản gần đây đối với trường TCCN là rất lớn, vô tình kìm hãm sự phát triển của bậc học này. Có thể kể đến Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT về việc muốn học liên thông phải thi tuyển sinh ĐH, khiến lượng học sinh học TCCN giảm đáng kể. Dù sau đó Bộ có điều chỉnh, nhưng người học không còn quan tâm”. Vẫn theo ông Lê Lâm, trên thực tế, nhiều học sinh đã nhập học nhưng nghe tin trường ĐH xét học bạ với mức điểm thấp lại bỏ học dù đã đóng học phí. Điều đó chứng tỏ, học sinh vẫn muốn học ĐH hơn, nhất là khi vào ĐH quá dễ.

Lại nữa, vừa qua, 16 trường TCCN tại TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị đến các cấp ban, ngành trung ương về Thông tư 26 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ quy định từ năm 2021 sẽ ngưng tuyển dụng hệ TCCN điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y học; từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ TCCN trong toàn bộ Ngành Y tế, khiến các trường TCCN đào tạo khối ngành sức khỏe đều lao đao.

Ông Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa TP Hồ Chí Minh ngậm ngùi, các trường hưởng ứng lời kêu gọi xã hội hóa giáo dục đào tạo và nguyện vọng của toàn dân, đầu tư tâm huyết, dốc hết tài sản gia đình để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu chung nguồn nhân lực lao động. Thế nhưng khi đã đầu tư rồi thì lại gặp trở ngại từ chính sách.

Hầu hết lãnh đạo các trường trung cấp mong mỏi các bộ, ngành chức năng điều chỉnh những chính sách cho phù hợp, để hệ trung cấp tiếp tục tồn tại và phát triển, phục vụ nhu cầu đào tạo nguồn lực đa dạng của xã hội.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/848959/cac-truong-trung-cap-chuyen-nghiep-khong-con-dat-song-