Các trường sư phạm được chủ động xây dựng quy trình

Một giáo viên đứng lớp sẽ được đào tạo và bồi dưỡng theo 3 quá trình chính: Đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên; bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục mà mình công tác; tự nâng cao kiến thức chuyên môn. Đến nay, công tác bồi dưỡng giáo viên cho chương trình GDPT mới đang đúng tiến độ, đúng lộ trình, có phản hồi tích cực…

Chương trình bồi dưỡng có phản hồi tích cực

GĐ chương trình ETEP (chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) Nguyễn Xuân Thành cho biết, công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) được giao các trường ĐH Sư phạm chủ chốt triển khai thực hiện. 8 trường tham gia gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2; trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên; trường ĐH Vinh; trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế; trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng; trường ĐH Sư phạm TP HCM; Học viện Quản lý giáo dục.

Theo kế hoạch, năm 2019, các trường ĐH Sư phạm đã triển khai tập huấn về Tìm hiểu về chương trình giáo dục phổ thông mới (module 1) cho giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý giáo dục cốt cán của 63 tỉnh thành. Đến hết tháng 12-2019, 100% đội ngũ cốt cán này đã được bồi dưỡng; trong đó riêng giáo viên phổ thông cốt cán là trên 28.000 thầy cô.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ về phản hồi của người học cho biết: “Các giáo viên cốt cán được tham gia bồi dưỡng, các Sở GD&ĐT và các trường ĐH Sư phạm đều đánh giá công tác bồi dưỡng lần này rất ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả; quá trình triển khai cẩn thận, có lộ trình hợp lý, khoa học. Sau khóa học, đa số giáo viên cho rằng, họ đã hiểu hơn về chương trình GDPT 2018, về từ quan điểm xây dựng, các điểm mới, nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, định hướng về phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá theo phát triển năng lực… Các thầy cô cũng nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong triển khai chương trình GDPT mới và hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương tự bồi dưỡng qua hệ thống online”.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng cũng còn một số khó khăn như hệ thống học tập qua mạng chưa đảm bảo được các yêu cầu chuyên môn; giáo viên lớn tuổi và giáo viên vùng cao gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin khi học tập…

Các trường ĐH Sư phạm được giao xây dựng tài liệu bồi dưỡng giáo viên phải thực hiện nghiêm túc, công phu, khoa học, hình thức thể hiện linh hoạt, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Ảnh: B.C

Giáo viên cần thay đổi được cả nhận thức và hành động

Đánh giá về chương trình bồi dưỡng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “2019 là năm đầu tiên và lần đầu tiên các trường sư phạm tham gia trực tiếp vào quá trình bồi dưỡng giáo viên với quy mô lớn và kế hoạch tổng thể dài hơi. Với sự nỗ lực rất cao của các trường, chương trình ETEP và các đơn vị liên quan, bước đầu chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đồng thời có được những bài học, kinh nghiệm thực tế hữu ích để tới đây làm tốt hơn. Năm 2020, chúng ta tiếp tục bồi dưỡng các nội dung chuyên sâu về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và xây dựng kế hoạch dạy học cho giáo viên phổ thông cốt cán và mở rộng bồi dưỡng giáo viên đại trà, trong đó ưu tiên giáo viên lớp 1. Tôi mong rằng, các nhà trường nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm chuyên môn để tiếp tục làm tốt sứ mệnh chuẩn bị đội ngũ thầy cô đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới”.

“Các giáo viên được cử đi bồi dưỡng cốt cán phải đúng người, đúng việc. Các trường ĐH sư phạm nên chú trọng công tác kiểm tra đầu vào của đội ngũ này, song song với kiểm duyệt đầu ra, để đảm bảo chất lượng. Quá trình tổ chức phải làm thế nào để giáo viên thay đổi nhận thức và hành động, biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo và cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có cơ chế vinh danh những “hạt nhân” xuất sắc của các khóa bồi dưỡng này.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các trường sư phạm liên tục tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên cốt cán tham gia bồi dưỡng giáo viên. Đội ngũ này cần được sàng lọc về chuyên môn và trách nhiệm để đảm bảo những ai được “đứng lớp” bồi dưỡng cho giáo viên phải là người tốt nhất. Các trường ĐH Sư phạm được giao xây dựng tài liệu bồi dưỡng được Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, công phu, khoa học, hình thức thể hiện linh hoạt, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tài liệu này cần sớm đăng tải trên hệ thống học tập trực tuyến để giáo viên thuận tiện trong tiếp cận và học tập. Với tinh thần phân cấp tối đa, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH Sư phạm chủ động xây dựng quy trình bồi dưỡng giáo viên và tổ chức thực hiện đảm bảo với đặc trưng và điều kiện thực tế của trường. Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra, giám sát để đảm bảo quy trình được phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cac-truong-su-pham-duoc-chu-dong-xay-dung-quy-trinh-178038.html