Các triệu chứng cúm A/H5N1 ở người là gì?

Bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5N1 gây ra và có thể lây sang người. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín.

Cúm A/H5N1 dễ lan thành dịch

Bệnh cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, do virus cúm type A, chủng H5N1, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Cúm A/H5N1 là bệnh đặc biệt nguy hiểm khác với các bệnh cúm thông thường.

Con đường lây nhiễm đầu tiên và cũng dễ dàng nhất đó chính là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Đó có thể là khi chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… Hoặc là gia cầm khỏe nhưng đã mang virus A/H5N1.

Tiếp theo là do không thực hiện đúng các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiết canh là một sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín cũng là một mối nguy. Trứng, thịt và các chế phẩm khác cũng vậy.

Cuối cùng là qua đường không khí. Những giọt nước li ti từ những cái hắt hơi, dịch mũi…chứa virus cúm lan truyền rất nhanh.

Con đường lây nhiễm đầu tiên cúm A/H5N1 chính là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus cúm A/H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã. Virus này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lên tới 60%. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa chính thức xác nhận khả năng lây truyền virus cúm A/H5N1 từ người sang người.

Lý do chủng H5N1 trở nên nguy hiểm là bởi khả năng đột biến nhanh và chứa các gen từ các loài động vật khác nhau. Độc lực cao, có khả năng lây nhiễm và gây bệnh nặng ở người. Chim có thể đào thải virus ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân, do đó làm tăng khả năng lan truyền theo các đàn chim di cư. Khả năng lây truyền trực tiếp từ gia cầm, chim sang người. Khả năng tái tổ hợp nhiều gen virus cúm ở người và động vật , làm cho virus có thể lây dễ dàng từ người sang người, nguy cơ gây đại dịch ở người. Và cuối cùng là do H5 là type có độc lực cao, khả năng tồn tại lâu trong môi trường, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp.

Các dấu hiệu cúm A/H5N1 ở người

Các chuyên gia cho rằng, người bệnh nhiễm cúm A H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Mùa đông thời tiết trở lạnh là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng.

- Sốt cao đột ngột (trên 38 độC)

- Đau ngực.

- Khó thở.

- Kèm theo:

+ Đau họng

+ Ho khan

+ Đau đầu

+ Đau nhức cơ

+ Mệt mỏi rã rời

Bệnh diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Bệnh cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm, do virus cúm type A, chủng H5N1, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra.

Phòng cúm A/H5N1 lây sang người

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây sang người tại cơ sở y tế, gồm:

* Đối với cán bộ y tế:

- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi thăm khám và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi thăm khám bệnh nhân.

- Phải tắm và thay quần áo khi ra khỏi bệnh viện.

- Nhỏ mũi, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn hàng ngày.

* Đối với người nhà bệnh nhân:

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định nhiễm virus cúm A/H5N1 theo đúng quy định cách ly bệnh nhân tại cơ sở y tế.

- Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân ( khẩu trang, kính, mũ, quần áo phòng hộ) khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc đồ dùng, bề mặt môi trường liên quan đến bệnh nhân.

Các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây sang người tại cộng đồng

* Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống

- Đảm bảo vệ sinh hàng ngày.

- Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh.

- Sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng hàng ngày.

- Thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm phải được nấu chín kỹ.

* Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh.

- Khi cần thiết tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo, rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc.

* Tăng cường sức khỏe và phòng bệnh

- Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể.

Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt cao, đau ngực, khó thở, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, ho...cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy thời gian gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1), Covid-19 tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...

Trung Quốc ngày 13/11 đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền bắc nước này.

Ngày 26/11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhận định nguyên nhân do đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường. Kết quả giám sát đã ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là virus cúm; ngoài ra còn có rhinovirus, Mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp, adenovirus...

Còn tại Malaysia, Singapore số mắc Covid-19 gia tăng từ 50-100% so với tuần trước đó, hầu hết có triệu chứng nhẹ và nhận định dịch bệnh gia tăng do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và việc giảm khả năng miễn dịch của người dân.

Tại Campuchia, ngày 24/11 ghi nhận thêm 1 ca mắc cúm A/H5N1 ở người. Tích lũy năm 2023, Campuchia đã ghi nhận 6 ca mắc ở người, trong đó có 3 ca tử vong.

Nguyễn Thanh Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-trieu-chung-cum-a-h5n1-o-nguoi-la-gi-169231206151039898.htm