Các tỉnh Tây Nguyên tập trung giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nông dân chăm sóc vườn cây ca-cao tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột (Đác Lắc). Ảnh: TRẦN LÊ LÂM

Qua kiểm tra, rà soát, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên còn 31.800 hộ thiếu đất sản xuất, với tổng diện tích gần 20 nghìn ha. Các tỉnh trên địa bàn đã lập dự án đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn, đồng thời chủ động đầu tư ngân sách cho đào tạo nghề, hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng để tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống bà con.

Các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung tổ chức rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo sự thống nhất trong việc xác định số hộ, số diện tích đất, vị trí đất để bố trí cho bà con. Từng tỉnh chỉ đạo các giải pháp thay thế khi địa phương không còn quỹ đất để bố trí nhằm điều chỉnh kịp thời, bảo đảm tiến độ chung.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của từng địa phương, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã giải quyết hơn 30 nghìn ha đất cho hơn 72 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu hoặc không có đất sản xuất, đất ở; giao khoán hơn 225 nghìn ha rừng cho 12.096 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất để sản xuất, kinh doanh nghề rừng. Đồng thời, các công ty cà-phê, cao-su cũng tiếp nhận hơn 15.568 lao động là người dân tộc thiểu số vào làm công nhân ở các đơn vị, giúp bà con tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống.

* Vĩnh Long thực hiện nhiều giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động: Từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn Vĩnh Long tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi người lao động trên địa bàn. Công đoàn của các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn các khu công nghiệp trong tỉnh đã vận động đóng góp nhiều tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà ở cho người lao động khó khăn.

Điểm mới trong công tác này ở Vĩnh Long là vận động giới chủ doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho chính công nhân của đơn vị, có sự hỗ trợ, đối ứng từ nguồn quỹ vận động của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Trong sáu tháng đầu năm 2014, các cấp công đoàn tỉnh Vĩnh Long đã tham gia xây dựng 30 căn nhà cho công nhân, lao động nghèo, mức hỗ trợ mỗi căn nhà trị giá 25 triệu đồng.

Các cấp công đoàn ở tỉnh đã vận động 105/132 doanh nghiệp đăng ký xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp đã làm tốt vai trò thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động.

Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đang tập trung chỉ đạo tổ chức công đoàn cơ sở tham mưu với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ chính sách về tiền lương, các khoản phụ cấp, hỗ trợ tiền sinh hoạt khó khăn (thuê nhà trọ, tiền xe, tiền ăn trưa, nuôi con nhỏ...) và tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho người lao động.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/23702602-cac-tinh-tay-nguyen-tap-trung-giai-quyet-dat-san-xuat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ngheo.html