Các tín hữu Tin lành ở Cư M'gar một lòng kính Chúa, yêu nước

Với phương châm 'sống phúc âm', một lòng kính Chúa, yêu nước, và là những công dân tốt, bà con tín hữu theo đạo Tin Lành ở hai xã Ea Tul và Cuôr Đăng thuộc huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk) luôn chăm chỉ làm ăn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động tại địa phương, phát triển kinh tế tập thể, HTX… Qua đó góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Anh Y Wilốp H’Wing (28 tuổi) vừa là một tín hữu đạo Tin Lành và cũng là một đảng viên ở Chi bộ buôn Sah A thuộc xã Ea Tul (huyện Cư M'gar). Nhờ tích cực tham gia công tác xã hội, cách đây 3 năm anh được Chi bộ buôn và Đảng ủy xã quan tâm, động viên, bồi dưỡng trở thành đảng viên và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn buôn Sah A.

Điểm sáng Ea Tul

Y Wilốp bộc bạch: “Nhận thức rõ vai trò của người đảng viên, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào địa phương; đồng thời, tuyên truyền gia đình, người thân, bà con tín hữu cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương”.

Với phương châm “sống phúc âm”, cáctín hữu Tin Lành ở Ea Tul một lòng kính Chúa, yêu nước.

Đặc biệt, khi tham gia hoạt động tại Ban Thanh niên Chi hội Tin lành Ea Tul, anh Y Wilốp còn khéo léo lồng ghép việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các buổi sinh hoạt Ban để mọi người cùng thực hiện. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên có đạo, kịp thời tham mưu cấp ủy, Chi bộ buôn từng bước gỡ vướng.

Xã Ea Tul có khoảng 1.300 hộ dân với gần 12.000 nhân khẩu (98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê), trong đó có trên 60% dân số theo đạo Tin lành và Công giáo. Trong sinh hoạt của các tín hữu Tin Lành trong xã, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Chi hội Tin lành Ea Tul.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, các tín hữu trong Chi hội Tin lành Ea Tul luôn tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.

Cùng với sự đóng góp của bà con tín hữu, xã Ea Tul được đánh giá là một điểm sáng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, Ea Tul đã phối hợp với trung tâm dạy nghề tổ chức đào tạo nghề theo định hướng, nhu cầu của học viên, bà con tín hữu như: Nghề dệt thổ cẩm, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp... Ngoài ra, xã còn mở các lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, cao su, trồng và khai thác nấm, chăn nuôi lợn cho các HTX, tổ hợp tác…

Chăm chỉ làm ăn, giữ gìn được bản sắc văn hóa

Lãnh đạo xã Ea Tul cho hay, mỗi khi triển khai các chủ trương, chính sách mới, chính quyền xã đều phối hợp với các chức sắc tôn giáo tổ chức tuyên truyền đến từng nhà, từng người.

Ban Dân vận xã Ea Tul thường xuyên phối hợp với các mục sư Tin Lành làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn…

Ở Ea Tul có Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa vừa tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời gian nông nhàn.

Ở Ea Tul có Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa vừa tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời gian nông nhàn.

Ông Y Me Niê, một trong những hộ khá giả trong buôn Sah A thuộc xã Ea Tul chia sẻ, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Dù có tới 3,4 ha đất rẫy, nhưng do con đông, không nắm bắt được khoa học kỹ thuật nên kinh tế vẫn luôn khó khăn.

Từ khi được ông Y Ky Êban, mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành xã Ea Tul vận động tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, như chia sẻ của ông Y Me Niê, cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hơn, không chỉ xây được nhà cửa khang trang mà còn mua sắm được xe ô tô.

Ngoài làm kinh tế giỏi, bà con tín hữu còn tham gia phát triển tập thể. Cách đây 5 năm, ở Ea Tul đã ra mắt mô hình “Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm” xã Ea Tul nhằm mục đích tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời gian nông nhàn.

Nhờ hoạt động hiệu quả, tổ hợp tác đã giúp các chị em phụ nữ tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, phát huy tinh thần tự lực, vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời giúp chị em tiếp cận với các kiến thức, kỹ thuật và nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Ê đê.

Việc phát triển tổ hợp tác này được đánh giá là giúp gìn giữ, phát huy được nghề dệt thổ cẩm, những nét văn hóa cổ truyền của người Ê đê. Tổ hợp tác đã cải tiến nhiều hoa văn và mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, biết kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong dệt thổ cẩm, tạo được những sản phẩm có kinh tế cao, có giá trị trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập chính đáng để cải thiện đời sống cho các thành viên.

Mục sư Y Ky Êban quản nhiệm Chi hội Tin lành xã Ea Tul nhớ lại: “Những năm trước đây người dân ở Ea Tul còn nghèo lắm, nhà cửa, đường sá không được như bây giờ. Cũng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương nên bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng nhà cao cửa rộng”…

Đổi thay ở Cuôr Đăng

Còn ở xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) cũng là địa bàn tập trung đông đảo bà con tín hữu đạo Tin Lành. Cách đây 3 năm, Hội Thánh Tin Lành Cuôr Đăng đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ mới khang trang nằm trên địa bàn xã.

Hội Thánh Tin Lành Cuôr Đăng có nhà thờ mới khang trang trong sự phấn khởi của bà con tín hữu.

Hội Thánh Tin Lành Cuôr Đăng có nhà thờ mới khang trang trong sự phấn khởi của bà con tín hữu.

Điều này làm cho nhiều tín hữu rất phấn khởi. Bởi lẽ, như ở buôn Kroa B thuộc xã Cuôr Đăng trước đây các tín đồ theo đạo Tin lành trong buôn có khoảng 300 người, sau đó phát triển lên đến hơn 600 người, người dân không có địa điểm sinh hoạt chính thức, phải mượn nhà các gia đình để tổ chức các nghi thức tôn giáo, không đảm bảo an toàn, an ninh.

Là người đại diện các tín đồ, vào năm 2018, ông Y Bec Adrơng đã liên hệ với chính quyền địa phương và được tận tình hướng dẫn thủ tục pháp lý thành lập điểm nhóm theo quy định của pháp luật.

Còn với nhà thờ mới được xây dựng khang trang trong 3 năm trở lại đây, theo các tín hữu ở Cuôr Đăng, trong sinh hoạt của Hội Thánh, các cấp chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ. Mọi thứ tốt đẹp, không có gì trở ngại. Những năm trước, các tín hữu chỉ sinh hoạt trong nhà thờ tạm. Còn bây giờ, các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện được xây dựng một nhà thờ khang trang đẹp đẽ nên ai nấy đều vui mừng.

Đến xã Cuôr Đăng bây giờ, điều dễ nhận thấy là sự đổi thay về hệ thống đường giao thông nông thôn. Trước đây, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã lầy lội, trơn trượt khó đi, còn hiện nay các con đường này đã và đang được nâng cấp, mở rộng.

Với phương châm “sống phúc âm”, một lòng thờ phụng Chúa, phụng sự dân tộc, bà con tín hữu ở xã Cuôr Đăng đã tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng từ trồng cây ngắn ngày thu nhập thấp sang trồng cây công nghiệp như: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả….

Các tín hữu cũng ích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nên đời sống của người dân ngày càng ổn định, nhiều hộ không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá, giàu ở địa phương. Qua đó góp phần giúp xã Cuôr Đăng đạt chuẩn nông thôn mới từ cách đây 5 năm.

Hội thánh Tin Lành Cuôr Đăng cũng luôn phối hợp, giữ mối liên kết bền chặt với chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền, hướng dẫn tín hữu xóa bỏ hủ tục trong đời sống; không nghe lời kẻ xấu tham gia tà đạo, giữ gìn an ninh trật tự; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Nhờ đó đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con tín hữu ngày càng được nâng lên.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/cac-tin-huu-tin-lanh-o-cu-m-gar-mot-long-kinh-chua-yeu-nuoc-1093196.html