Các thị trường châu Á biến động trái chiều trước những thông tin kinh tế mới

Giá vàng dao động quanh mức cao kỷ lục đạt được vào tuần trước, trong bối cảnh những lo ngại về căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Iran và Israel đã thúc đẩy nhu cầu mua vào.

Một giếng dầu ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

*Giá dầu tăng nhẹ trước diễn biến kinh tế kém sáng của Trung Quốc

Phiên 16/4 tại thị trường châu Á, giá dầu đã tăng nhẹ trước dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Trong khi đó, những diễn biến kém tích cực ở Trung Đông cũng khiến thị trường lo lắng, sau khi Israel cho biết họ sẽ đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào cuối tuần trước.

Giá dầu Brent giao tháng 6/2024 tăng 20 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 90,30 USD/thùng vào lúc 14 giờ 57 phút giờ Việt Nam, còn giá dầu WTI kỳ hạn giao tháng 5/2024 của Mỹ cũng tăng 21 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 85,62 USD/thùng.

Trước đó trong cùng ngày, giá dầu đã tăng gần 1% sau khi dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới tăng 5,3% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, giá của hai loại dầu này sau đó đã giảm nhẹ do một loạt các chỉ số khác của Trung Quốc, bao gồm đầu tư bất động sản, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp, phản ánh xu hướng nhu cầu yếu do cuộc khủng hoảng tài sản kéo dài.

Giá dầu đã tăng vọt trong tuần trước lên mức cao nhất kể từ tháng Mười, nhưng lại giảm trong phiên 15/4 sau cuộc tấn công của Iran vào Israel. Các nhà phân tích tại ANZ Research ngày 16/4 cho biết: “Phản ứng của Israel sẽ quyết định liệu sự leo thang sẽ kết thúc hay tiếp tục. Xung đột vẫn có thể được kiềm chế…”.

Iran sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày với tư cách là nhà sản xuất chính thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Vàng miếng được giới thiệu tại cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

* Giá vàng dao động gần mức cao kỷ lục

Giá vàng tăng cao trong phiên 16/4, loanh quanh mức cao kỷ lục đạt được vào tuần trước, trong bối cảnh những lo ngại về căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Iran và Israel đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý được coi là nơi trú ẩn an toàn.

Giá vàng giao ngay đã tăng 0,1% lên mức 2.385,35 USD/ounce vào lúc 13 giờ 11 phút giờ Việt Nam, sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431,29 USD/ounce hôm 12/4. Trong khi đó, giá vàng tương lai tăng 0,8% ở mức 2.401,90 USD/ounce.

Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ như tin tức mới nhất từ khu vực Trung Đông, giá vàng cũng đi lên nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và kỳ vọng lạm phát gia tăng. Điều này có nghĩa là vàng đang được coi như một “chiếc khiên” chống lại hàng rào lạm phát, nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho biết.

“Thực tế trong phiên 16/4 đã chứng kiến giá vàng xuyên ngưỡng 2.400 USD/ounce trước khi nhanh chóng bị đảo ngược, phản ánh tâm lý nôn nóng muốn chốt lời của giới đầu tư. Điều này cho thấy thị trường có thể chứng kiến một đợt rung chuyển trong thời gian tới.

Trong phiên 15/4, giá vàng đã tăng 1,6% bất chấp dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng Ba. Trong khi đó, dữ liệu từ Mỹ cũng làm dấy lên câu hỏi về triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ngân hàng Citi dự kiến giá vàng sẽ được giao dịch ở mức 3.000 USD/ounce trong 6-18 tháng tới.

Bảng chỉ số chứng khoán tại thành phố Osaka, Nhật Bản ngày 22/2/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

* Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm trong phiên 16/4, sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của nước này trong tháng Ba cao hơn dự kiến, làm củng cố thêm kỳ vọng Fed khó có thể vội vàng cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng đang khiến giới đầu tư chuyển sang chế độ kiểm soát rủi ro, tạo lực đẩy cho giá vàng và dầu, trong khi các nhà đầu tư ở châu Á tập trung vào dữ liệu kinh tế Trung Quốc dự kiến được công bố vào cuối ngày.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã giảm 1,4% xuống mức thấp nhất của gần 7 tuần là 521,92 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số Hang Seng của Hong Kong lần lượt giảm 1,94% và 2,12%, tương đương 761,60 điểm và 351,49 điểm, xuống còn 38.471,20 điểm và 16.248,97 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cũng hạ 1,65% và chốt phiên ở mức 3.007,07 điểm.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh trong phiên 15/4,giữa bối cảnh lãi suất trái phiếu Kho bạc tăng vọt đè nặng lên tâm lý giới đầu tư đang lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel.

Thị trường đang chờ đợi phản ứng của Israel sau cuộc tấn công của Iran vào cuối tuần trước.

Ông Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone, cho biết: “Thị trường đang hướng đến các kịch bản gồm giảm đòn bẩy và phòng ngừa rủi ro”. Theo chuyên gia này, hiện nay không có nhiều thông tin khuyến khích việc chấp nhận rủi ro.

Trái lại, tâm lý hạn chế mua vào sẽ thống lĩnh.

Phương Nga (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-thi-truong-chau-a-bien-dong-trai-chieu-truoc-nhung-thong-tin-kinh-te-moi/330160.html