Các thế hệ người Việt tri ân chiến sĩ Điện Biên tại Nghĩa trang liệt sĩ A1

Mỗi năm, cứ gần tới ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 lại tấp nập từ sáng sớm đến xế chiều, đón những đoàn khách đến thăm viếng, dâng hương tri ân các anh hùng chiến sĩ đã ngã xuống năm nào.

Cô và trò trường Mầm non xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) viếng thăm Nghĩa trang A1, giáo dục lòng yêu nước và uống nước nhớ nguồn

Ngay từ sáng sớm, chị Phạm Thị Hồng (Ninh Bình) đã có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ A1, lặng lẽ đến bên tấm bia lớn khắc tên hàng ngàn chiến sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để tìm một cái tên quen thuộc. "Người đó là ông chú của tôi (em trai của ông nội chị Hồng - PV). Ông từ quê hương Ninh Bình xung phong tham gia đi bộ đội chống Pháp. Lúc bấy giờ, bố tôi còn chưa ra đời. Sau ngày giải phóng Điện Biên, cả nhà ai cũng ngóng ông về, nhưng không thấy người, chỉ có giấy báo tử gửi về thôi" - chị Hồng kể.

Thấm thoắt, 70 năm đã trôi qua. Người mẹ mòn mỏi đợi con năm nào giờ cũng đã về với tiên tổ. Người anh trai ruột thay mẹ tìm em nhưng không được. Cứ thế mà đến lượt con, rồi thế hệ cháu tiếp tục hành trình. Dẫu biết rằng hi vọng rất mong manh, nhưng chưa lúc nào gia đình thôi hy vọng.

Chị Phạm Thị Hồng thắp hương cho tất cả các ngôi mộ trong nghĩa trang với tâm niệm, các ông các bác ở đây đều như người nhà trong gia đình.

Chị chia sẻ: "Năm nào gia đình tôi cũng đến Điện Biên. Một phần để tìm kiếm thêm những manh mối, tìm những người đồng đội cũ của ông chú, hy vọng có thể còn ai đó nhớ được chuyện cũ. Một phần khác, tôi nghĩ rằng mình cần tri ân tất cả những người đang nằm ở đây. Các ông, các bác là đồng đội của người nhà tôi, cũng là những người đã hy sinh máu thịt để hôm nay tôi có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thế này".

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1, không hiếm gia đình ở trong hoàn cảnh như chị Hồng. Trong số 645 anh hùng, liệt sĩ đang nằm tại đây, chỉ 53 phần mộ đã xác định được thông tin. Các phần mộ còn lại đều chưa xác định danh tính. Đó không chỉ là nỗi trăn trở của riêng một cá nhân hay gia đình nào mà là mối quan tâm chung của tỉnh ĐIện Biên cũng như các cơ quan chức năng khác.

Các nhóm cựu chiến binh từ khắp tỉnh thành trong cả nước về thăm viếng nghĩa trang

Đến Điện Biên sau một chặng ô tô dài, vượt hàng trăm cây số đường đèo khúc khuỷu, một nhóm cựu chiến binh lặng lẽ xếp hàng chỉnh tề rồi lần lượt vào thắp hương cho các liệt sĩ. Trong số họ, có người cơ thể đã không còn lành lặn. Hơn ai hết, họ hiểu rất rõ nỗi mất mát và những khổ đau mà chiến tranh mang lại. Khi phóng viên ngỏ ý hỏi tên các bác, một người nói: "Còn hàng trăm liệt sĩ nằm đây vô danh thì chúng tôi cũng không cần phải có một cái tên cụ thể nào cả. Chúng tôi là Bộ đội cụ Hồ, một lòng về đây để tưởng nhớ thế hệ trước".

Theo chia sẻ của anh Lường Văn Thương, nhân viên quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1, trong những ngày gần đây, mỗi ngày, có hàng nghìn lượt người vào thăm viếng nghĩa trang. Trong số họ, có những người là cựu chiến binh, có những người là thân nhân liệt sĩ, cũng có những người chỉ là khách du lịch vì quá ấn tượng với chiến thắng lịch sử mà đến với mảnh đất này.

Song, điều khiến các nhân viên quản trang ở đây thấy ấm lòng hơn cả là càng ngày, càng có nhiều bạn trẻ, nhiều gia đình, trường học đưa các cháu nhỏ đến thăm nghĩa trang để giáo dục về truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt.

Sau khi rời Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, cô trò trường mầm non Thanh Yên đến thăm và biểu diễn văn nghệ động viên các chiến sĩ đang luyện tập cho lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong trang phục áo lính, các chiến sĩ tí hon đến từ trường mầm non Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được cô giáo đưa đến trước anh linh các liệt sĩ làm lễ viếng. Những gương mặt trong sáng, ngây thơ có lẽ còn chưa hiểu hết thế nào chiến tranh, thế nào là hi sinh mất mát. Chỉ biết rằng khi nhắc đến các chú bộ đội đang nằm lạnh lẽo phía dưới mấy lớp đất, các con lại tự giác mang đến những bông hoa, như muốn an ủi hương hồn các liệt sĩ.

Bà Lương Thị Xoan - Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Yên - cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà trường lại tổ chức cho các cháu lớp 5 tuổi tham gia hoạt động trải nghiệm Về nguồn. Ngoài việc khám phá các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 chắc chắn là điểm dừng chân cuối cùng. "Nhà trường luôn xác định việc giáo dục truyền thống yêu nước là ưu tiên hàng đầu. Đây sẽ là nền tảng để chúng ta tiếp tục có những thế hệ trẻ cống hiến hết mình cho tổ quốc" - bà Lương Thị Xoan nhấn mạnh.

Tỉnh Điện Biên hiện có 8 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số hơn 6,6 nghìn phần mộ an táng các liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến. Trong đó, gần 5,3 nghìn phần mộ hiện chưa xác định được thông tin.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, tổng số liệt sĩ hy sinh, chôn cất ban đầu qua xác lập trên địa bàn là hơn 17.400 liệt sĩ, nhưng số lượng liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được trên địa bàn vẫn còn rất lớn.

Thu Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cac-the-he-nguoi-viet-tri-an-chien-si-dien-bien-tai-nghia-trang-liet-si-a1-20240505234909909.htm