Các thành viên APEC tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo mới thích ứng với kỷ nguyên số

Trong khuôn khổ nhóm công tác về Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trong hai ngày 15-16/6, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị chuyên đề trực tuyến APEC về tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy các kỹ năng lãnh đạo mới thích ứng với kỷ nguyên số.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề trực tuyến APEC về tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy các kỹ năng lãnh đạo mới thích ứng với kỷ nguyên số.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề trực tuyến APEC về tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy các kỹ năng lãnh đạo mới thích ứng với kỷ nguyên số.

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cùng khoảng hơn 100 đại biểu là các quan chức, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp Châu Á (APEN), và đặc biệt là đông đảo đại diện của UBND, Sở Ngoại vụ của gần 20 tỉnh thành Việt Nam.

Hội nghị tập trung thảo luận các chủ đề có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực và các kỹ năng lãnh đạo mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số hiện nay như: tái định nghĩa vai trò lãnh đạo trong kỷ nguyên số; các thông lệ và kinh nghiệm tốt về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên số tại Châu Á-Thái Bình Dương; các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng lãnh đạo trong kỷ nguyên số; và các giải pháp thúc đẩy triển khai Kế hoạch hành động Ao-tê-rô-a về tầm nhìn APEC 2040, tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng lãnh đạo số trong APEC.

Các đại biểu chia sẻ nhận định chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hứa hẹn góp phần gia tăng năng suất lao động, sản lượng và đem lại cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tất cả các nền kinh tế; đồng thời cho rằng cách mạng số là cuộc cách mạng về con người, với công nghệ là động lực thúc đẩy.

Tuy nhiên, thành quả về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số chưa thực sự ấn tượng, thách thức về đổi mới phương thức quản lý, tổ chức, và khoảng cách số còn hiện hữu.

Công nghệ số cũng khiến một số ngành nghề trở nên lỗi thời. Đặc biệt, dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, các nhóm lao động yếu thế phải đối mặt với nguy cơ giảm giờ làm và thu nhập, nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng.

Năm 2020, số giờ làm của lao động toàn cầu giảm 8,8% so với quý IV năm 2019, tương đương 255 triệu việc làm toàn thời gian; 1,6 tỷ lao động có thu nhập trung bình giảm 60% trong giai đoạn đầu đại dịch.

Do đó, phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng lãnh đạo mới là lĩnh vực mang yếu tố then chốt với phát triển bền vững, bao trùm của các nền kinh tế trong tương lai.

Đại diện các nền kinh tế APEC đã chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn, các thông lệ tốt, các mô hình và chiến lược hành động quốc gia trong thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng lãnh đạo trong kỷ nguyên số, nổi bật là vai trò tiên phong của chính phủ trong việc chuyển đổi số, khai thác dữ liệu lao động, đóng góp của doanh nghiệp trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh, lãnh đạo kiểu mới và vai trò của phụ nữ, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh mới.

Hội nghị cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đẩy mạnh nỗ lực, biện pháp ở tầm khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng lãnh đạo trong kỷ nguyên số, tập trung các nội dung như: tăng cường thử nghiệm, ứng dụng các phương pháp mới trong quản lý, tổ chức và đào tạo tại mọi cấp bậc; tăng cường hợp tác, trao đổi công - tư; hỗ trợ nhóm lao động yếu thế, đặc biệt là nâng cao vai trò của phụ nữ; tăng cường liên kết giữa các cơ chế, sáng kiến khu vực về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Kết thúc phiên trao đổi, các đại biểu cho rằng Hội nghị là sáng kiến hết sức có ý nghĩa của Việt Nam góp phần tăng cường hợp tác APEC về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là Tầm nhìn APEC Pút-tra-dây-a 2040 và Kế hoạch hành động Ao-tê-rô-a; Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và sáng kiến ILO về “Tương lai việc làm thế kỷ”. Các kết quả của Hội nghị cũng đóng góp tích cực vào việc triển khai ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2022 về phát triển bao trùm, bền vững, thúc đẩy mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-thanh-vien-apec-tang-cuong-hop-tac-phat-trien-nguon-nhan-luc-va-thuc-day-ky-nang-lanh-dao-moi-thich-ung-voi-ky-nguyen-so-187535.html