Các tay vợt tại Wimbledon 2023 làm gì để giảm 'dấu chân carbon'?

Mỗi tay vợt chuyên nghiệp có quãng đường di chuyển bằng đường hàng không lên tới hơn 96.500 km mỗi năm, tạo ra lượng phát thải khí nhà kính lớn.

Tay vợt số một của Anh Cameron Norrie tại giải quần vợt Wimbledon vào năm 2022. Ảnh: Reuters.

Theo BBC, khi phải băng qua các đại dương để đi từ giải đấu này sang giải đấu khác, các tay vợt chuyên nghiệp dường như chỉ có thể lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không.

Ban tổ chức hệ thống giải đấu ATP Tour mới đây đã công bố ứng dụng Carbon Tracker, cho phép các tay vợt theo dõi "dấu chân carbon" của mình, với mục tiêu khuyến khích các vận động viên lựa chọn hình thức di chuyển thân thiện hơn với môi trường.

Dấu chân carbon là cụm từ chỉ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do một người tạo ra, thông qua các hoạt động trực tiếp hoặc tác động gián tiếp.

Ứng dụng giúp theo dõi "dấu chân carbon"

Một trong những người đăng ký dùng ứng dụng Carbon Tracker là Emil Ruusuvuori, tay vợt hạng 47 thế giới, người muốn bảo tồn nơi anh yêu thích ở quê hương Phần Lan - một căn nhà nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên.

"Từ Phần Lan bạn có thể bay đến mọi nơi. Nhưng vào năm ngoái tôi đã sống một vài tháng ở thành phố Milan của Italy. Việc lái xe hoặc sử dụng tàu hỏa cũng là thay đổi thú vị. Đây là cách di chuyển tốt hơn - bạn có cơ hội khám phá xung quanh trong khi khoảng thời gian đi lại không thay đổi. Trong những tháng này, tôi gần như không đi máy bay", tay vợt này trả lời BBC Sport.

"Tại các giải đấu ở Geneva, Paris, Milan và Monte Carlo, tôi đi ôtô hoặc tàu hỏa tới những nơi này. Đối với tôi, một trong những nơi đẹp nhất trên Trái Đất nằm ở Phần Lan - căn nhà nghỉ dưỡng mùa hè. Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm tôi cũng có thể đến đây để thư giãn. Bạn cần một môi trường thiên nhiên khỏe mạnh để làm điều này", Ruusuvuori bổ sung.

Các tay vợt hàng đầu thế giới thường xuyên sử dụng máy bay riêng để di chuyển nhanh chóng giữa các địa điểm tổ chức giải đấu. Ảnh: ATP Tour.

Tay vợt người Nga đang đứng thứ 7 trên thế giới Andrey Rublev, tay vợt số một của Anh Cameron Norrie, nhà vô địch US Open năm 2020 Dominic Thiem và nhiều tay vợt khác đã công khai cam kết sẽ giám sát chặt dấu chân carbon của họ thông qua ứng dụng Carbon Tracker.

Những người này cũng cho biết sẽ bù đắp lượng khí nhà kính họ tạo ra trong năm 2023 bằng cách mua tín dụng carbon thông qua tổ chức Gold Standard.

Liệu các tay vợt có thật sự thay đổi thói quen?

Để tennis có thể giảm đáng kể dấu chân carbon của môn thể thao này, các tay vợt cần phải đưa ra những quyết định có thể khiến họ cảm thấy bất tiện trong cả cuộc sống cá nhân lẫn khi thi đấu.

Liệu số ít tay vợt có khả năng sử dụng máy bay riêng có sẵn sàng từ bỏ chúng để chờ các chuyến bay thương mại theo lịch trình? Liệu các tay vợt có sẵn sàng di chuyển quanh châu Âu bằng tàu hỏa bất chấp loại hình di chuyển này tốn thời gian hơn? Liệu những người thất bại trong vòng đấu đầu tiên có thể cưỡng lại việc băng qua Đại Tây Dương để về nhà trong một vài ngày trước giải đấu tiếp theo?

Norrie đã rất thẳng thắn khi chia sẻ về những khó khăn mà các tay vợt sẽ gặp phải để đem tới thay đổi lớn trong bộ môn tennis.

"Tôi nghĩ tác dụng lớn nhất của ứng dụng là giúp các tay vợt hiểu được mình đang tạo ra tác động lớn đến mức nào với môi trường và cố gắng giảm thiểu dấu chân carbon của bản thân", anh cho biết.

"Trong phần lớn trường hợp, thật khó để thay đổi kế hoạch di chuyển của bản thân và chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo mình đến địa điểm thi đấu sớm nhất có thể trong khi được nghỉ ngơi đầy đủ. Tôi nghĩ điều duy nhất có thể làm là đảm bảo tác động của chúng tôi thấp nhất có thể khi chơi một môn thể thao đòi hỏi phải di chuyển nhiều", Norrie bổ sung.

Cũng theo tay vợt số một nước Anh, anh đang cố gắng đi tàu nhiều hơn khi di chuyển giữa các giải đấu ở châu Âu. Trong khi tại thủ đô London, anh sử dụng xe đạp và xe điện làm phương tiện di chuyển chính.

Tất nhiên, các giải đấu cũng được sắp xếp một cách hợp lý về địa điểm để các tay vợt có thể thuận tiện trong việc di chuyển. Các giải đấu thuộc hệ thống ATP và WTA sẽ diễn ra trong một vài tuần tại châu Âu vào mùa xuân, tại Bắc Mỹ vào cuối mùa hè trước khi đến châu Á trong mùa thu.

Ngày nay, có ít trận đấu với kết quả hòa trong khuôn khổ giải quần vợt Davis Cup and Billie Jean King Cup. Nhưng vẫn có khả năng các đội phải bay hàng nghìn km để đánh 2 trận liên tiếp nhằm phân định thắng bại.

Emil Ruusuvuori cho biết đã chuyển sang sử dụng tàu hỏa và ôtô nhiều hơn khi di chuyển giữa các địa điểm thi đấu nhằm giảm thiếu tác động của bản thân đến môi trường. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh các giải đấu chuyên nghiệp, một số tay vợt cũng tham gia những giải đấu biểu diễn. Cả Roger Federer vào năm 2019, Rafael Nadal và Casper Ruud vào năm 2022 đều chọn tham gia các trận đấu biểu diễn ở Nam Mỹ sau khi kết thúc mùa giải quần vợt chuyên nghiệp, đem lại sự phấn khích cho hàng chục nghìn người hâm mộ.

Những tay vợt đăng ký ứng dụng này có thể được thưởng Huy hiệu Xanh, sẽ được gắn trong hồ sơ cá nhân của họ trên trang web của Hiệp hội Quần vợt Chuyên nghiệp (ATP).

"Xây dựng nhận thức trong tâm trí của mỗi người trên toàn thế giới là điều quan trọng nhất. Thật tuyệt khi bạn hiểu được tác động của bản thân đến môi trường, nhưng còn tốt hơn nếu bạn khiến người khác phải suy nghĩ nhiều lần trước khi có hành động gây phát thải khí nhà kính", Ruusuvuori chia sẻ.

An Bình

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cac-tay-vot-tai-wimbledon-2023-lam-gi-de-giam-dau-chan-carbon-post1445529.html