Các tập đoàn lớn của ngành Công Thương... vẫn chờ thoái vốn

Trong khi dư luận vẫn chưa hết ngỡ ngàng với quyết định của Bộ Công Thương khi cho phá sản Dự án ethanol tại Phú Thọ, thì việc một số dự án của các tập đoàn thuộc Bô này quản lý lại được chỉ đạo thoái vốn trong năm 2017 khiến dư luận khó hiểu. Vậy Bộ Công Thương giải thích thế nào về vấn đề này?

Thẩm quyền cho phá sản không thuộc Bộ Công Thương

Sau gần nửa năm chính thức có Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém của ngành Công thương, đến thời điểm hiện tại, Ban chỉ đạo đã ra liên tục gần 200 văn bản liên quan đến từng dự án, từng vấn đề rất sát sao để xử lý đến cùng theo chỉ đạo của Chính phủ. Đề cập về vấn đề này, tại cuộc họp báo chuyên đề tổ chức mới đây ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết: Đến thời điểm này, trên cơ sở chỉ đạo, tháo gỡ sát sao, một số dự án đã có chuyển biến ban đầu rất tốt như 4 nhà máy phân bón đã đi vào sản xuất trở lại có hiệu quả. Hai nhà máy sản xuất thép cũng có chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng tồn kho. Thời gian tới sẽ còn nhiều vấn đề tiếp tục phải triển khai.

Sabeco và Habeco dự tính sẽ hoàn thành thoái vốn trong năm 2017 (ảnh báo Công Thương)

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cũng nhấn mạnh, nguyên tắc chỉ đạo đầu tiên của Chính phủ là phải làm cho dự án tốt lên, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng của từng dự án. Nguyên tắc thứ hai là ngay lập tức các tập đoàn, tổng công ty, các chủ đầu tư, nhà máy của các dự án phải nâng cao hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Dựa trên các chỉ đạo này, ngay trong tháng 7/2017, Bộ Công Thương sẽ có phương án trình Ban Chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về các phương án xử lý triệt để các dự án.

Trước những vấn đề liên quan đến các quyết định cho phá sản đối với dự án ethanol Phú Thọ, cũng như việc hai Dự án ethanol Bình Phước và Quảng Ngãi vẫn tạm dừng hoạt động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng “Thẩm quyền cho phá sản hay không không phải của Bộ Công Thương mà là Chính phủ. Sau khi có phương án thì phải thực hiện đúng theo quy định".

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, các dự án tồn đọng của ngành công thương đang trong giai đoạn chờ xử lý, vì đây là những dự án thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty với quy mô vốn lớn, số lượng lao động nhiều do đó vẫn cần có thêm thời gian để giải quyết

“Ví như các dự án của ngành than. Trong điều kiện giá than sản xuất trong nước đắt hơn giá than nhập khẩu, ngành than vẫn đang có những tính toán để làm sao, không ảnh hưởng tới 113.000 lao động của toàn ngành. Đấy cũng là một khó khăn lớn cần tính đến khi quyết định số phận của các tổng công ty, tập đoàn lớn” -Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Ông Hải cũng cho biết, hiện mỗi lao động ngành than đang có 4 - 5 người trong gia đình phụ thuộc, nên riêng đối với ngành này vẫn cần phải xem xét rất kỹ lưỡng. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Năng lượng trình Chính phủ đề án thoái vốn ngay trong tháng 7 này

Sabeco và Habeco sẽ hoàn thành thoái vốn trong năm 2017

Trước sức ép về các vấn đề đòi hỏi phải thoái vốn nhà nước để khu vực kinh tế tư nhân có đất phát triển, bà Nguyễn Thị Hoa, Thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực chủ động hỗ trợ, chỉ đạo công tác thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hoa thông tin về đề án thoái vốn tại 4 Tập đoàn trực thuộc Bộ. Theo đó, hiện tại Bộ đã trình 3 đề án lên Chính phủ, gồm Đề án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Riêng đề án của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này. Được biết, hiện đề án thoái vốn ở EVN đã được phê duyệt.

Cũng theo thông tin phát đi từ cuộc họp báo, 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam hoàn thành việc định giá và hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan để thực hiện việc chào bán đấu giá Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam;chỉ đạo Tổng công ty Thuốc lá, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC hoàn thành việc quyết toán thuế báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên và Công ty mẹ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để tiếp tục cổ phần hóa trong năm 2017.

Đối với 2 Tổng công ty cổ phần Sabeco (Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) và Habeco (Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội), Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco, Habeco thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện 2 tổng công ty này đã hoàn thành ký hợp đồng tư vấn thoái vốn với các đơn vị tư vấn và dự định sẽ hoàn thành việc bán vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp này trong năm 2017...

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cac-tap-doan-lon-cua-nganh-cong-thuong-van-cho-thoai-von-56694.html