Các rào cản cần tháo gỡ để phát triển năng lượng bền vững

Ngày 28/7, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050'.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Petrovietnam và ông Cao Quang Quỳnh - Thành viên HĐTV EVN đồng chủ trì hội thảo.

Mục đích của hội thảo là tập hợp các ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý về những bất cập trong cơ chế, chính sách phát triển năng lượng, đề xuất tháo gỡ, xây dựng ngành năng lượng phát triển bền vững. Đại diện Petrovietnam, bà Tạ Vũ Duy Hòa, Phó trưởng ban Kinh tế - Đầu tư Tập đoàn đã trình bày tham luậm về hiện trạng thăm dò khai thác dầu khí và kế hoạch đầu tư phát triển các nguồn năng lượng của Petrovietnam.

Phó trưởng Ban Kinh tế - Đầu tư Petrovietnam Tạ Vũ Duy Hòa trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo đó, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế của nhà nước với vị trí, vai trò đầu tàu của nền kinh tế, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài, giữ vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vai trò của ngành Dầu khí và Petrovietnam liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đến phát triển kinh tế- xã hội đất nước qua nhiều thập kỷ đã được sơ kết, tổng kết, đánh giá tại nhiều văn bản quan trọng của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về vai trò và sự phát triển của ngành Dầu khí trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng vai trò chủ lực, tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Chính trị đã khẳng định: “Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược năng lượng quốc gia, chiến lược biển Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.

Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, trong quá trình hoạt động, Petrovietnam gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác đầu tư phát triển. Tiêu biểu như giai đoạn 5 năm 2016-2020, ngoài các khó khăn khách quan như giá dầu xuống thấp, địa bàn hoạt động trên Biển Đông phức tạp, những khó khăn liên quan tới các vấn đề pháp lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đầu tư của Petrovietnam.

Một số dự án trọng điểm của Tập đoàn như: Chuỗi dự án Lô B, CVX đã bị chậm do đây là các dự án phức tạp về công nghệ lại phải thực hiện đồng bộ từ khâu thượng nguồn (khai thác khí), trung nguồn (đường ống dẫn khí) và hạ nguồn (các nhà máy điện), bị điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật dẫn tới quá trình chuẩn bị đầu tư dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn thẩm định. Một số dự án đang thực hiện đầu tư dở dang cũng gặp khó khăn, tồn tại kéo dài.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến nay, Petrovietnam đã hoàn thành 02 dự án nhiệt điện (Sông Hậu I, Thái Bình II); đang triển khai xây dựng các dự án gồm: NMNĐ Long Phú I; dự án Nhơn Trạch III và Nhơn Trạch IV; dự án nhiệt điện khí Miền Trung I&II.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành và động viên CBNLĐ dầu khí tại NMNĐ Thái Bình 2 tháng 4/2023

Liên quan đến Quy hoạch điện VIII, Petrovietnam đã có các văn bản góp ý, tham gia thẩm định Quy hoạch hoạch điện VIII, trong đó kiến nghị đối với cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch, cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định và cơ quan phê duyệt quy hoạch một số nội dung về phát triển hệ thống hạ tầng LNG - Điện, rà soát, đối chiếu lại với các quy hoạch, quyết định khác để đảm bảo tính đồng bộ, kế thừa giữa các quyết định, quy hoạch.

Đặc biệt là giữa Quy hoạch phát triển điện lực với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Theo Quyết định 60/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 đến năm 2035, có 07 kho LNG được đề xuất, trong đó 02 tại miền Bắc, Khánh Hòa 01, Đông Nam Bộ 02, Tây Nam Bộ 01, Duyên hải Nam Trung Bộ 01. Trong khi đó, Quy hoạch điện VIII quy hoạch các nhà máy điện LNG ở nhiều vùng miền ven biển Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.

Để Petrovietnam thực hiện các nhiệm vụ, khắc phục các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành Dầu khí trong tình hình mới, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, Petrovietnam đã đưa ra những kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc: Theo đó, xem xét sớm sửa đổi, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 bảo đảm phù hợp các chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước đến năm 2030 tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII,... phù hợp với phạm vi hoạt động, xu hướng tất yếu phát triển ngành năng lượng tái tạo, chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ; với nguồn lực, thế mạnh hiện tại của Petrovietnam với vai trò là đơn vị nòng cốt trong ngành Dầu khí.

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương – Thường trực Ban chỉ đạo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW làm việc với PV GAS

Ngoài ra, phê duyệt chủ trương cho phép Petrovietnam được tham gia phát triển các dự án năng lượng ngoài khơi để phù hợp với Nghị quyết số 55- NQ/TW ngày 11/02/2020, phát huy nguồn lực, cơ sở hạ tầng ngành Dầu khí và xu hướng chuyển dịch năng lượng, đồng thời góp phần thực hiện Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

Đặc biệt cần sớm phê duyệt các kiến nghị của Petrovietnam để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí như Lô B, CVX,...

Cần giao các tập đoàn nhà nước tiên phong trong việc đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi để vừa đáp ứng nhu cầu tự chủ năng lượng trong nước, vừa đảm bảo an ninh chủ quyền biển, đảo quốc gia. Trước mắt, giao Petrovietnam, EVN triển khai thí điểm 500 MW-1000 MW điện gió ngoài khơi; Giao các tập đoàn nhà nước giữ vai trò dẫn dắt trong việc nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới như hydrogen, năng lượng thủy triều, địa nhiệt...

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/cac-rao-can-can-thao-go-de-phat-trien-nang-luong-ben-vung-690596.html