Các quyết sách đầu tiên với doanh nghiệp nhà nước

Các quyết định về quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh và tài chính đã góp phần làm giảm bớt sự tập trung quan liêu bao cấp trong cơ chế quản lý nhà nước đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, tạo điều kiện cho sự 'bung ra' mạnh mẽ của sản xuất.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm phân xưởng sản xuất của Xí nghiệp Sản xuất máy khâu Thăng Long, năm 1982 (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo về tình hình công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp địa phương tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa IV họp từ ngày 15/8 đến 23/8/1979, lần đầu tiên đề cập đến quyền chủ động của cơ sở, đến thành phần kinh tế cá thể, đến sản xuất bung ra: “mở rộng quyền chủ động hợp lý của các ngành, địa phương và cơ sở (kể cả quốc doanh, tập thể và cá thể) trong sản xuất - kinh doanh nhằm làm cho sản xuất “bung ra” để có nhiều hàng hóa cho xã hội”.

Tiếp đó, tại Đề cương kết luận Hội nghị Trung ương 6 nêu tinh thần kết hợp 3 lợi ích Nhà nước, tập thể và người lao động. Hội nghị Trung ương 6 cũng ban hành một Nghị quyết riêng (Nghị quyết số 21- NQ/TW) về hàng công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp địa phương, một lần nữa khẳng định: “Phải tận dụng các thành phần kinh tế: quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể, cá thể, kể cả tư sản được kinh doanh hợp pháp”.

Sau đó, ngày 21/01/1981, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 25/CP về “Một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất - kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính cho các xí nghiệp quốc doanh”. Theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao, Chính phủ khuyến khích xí nghiệp chủ động tiếp cận thị trường, đa dạng hóa sản xuất, phát triển thêm sản phẩm chính, sản phẩm phụ và dịch vụ công nghiệp.

Xem thêm: "Đặt viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu năng lượng tái tạo" trên Tạp chí Công Thương tại đây

Kế hoạch mới là sự kết hợp giữa kế hoạch và thị trường, gồm 3 phần: Kế hoạch A, là kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh do Nhà nước quyết định và được Nhà nước đảm bảo cung cấp các yếu tố đầu vào, sản phẩm làm ra phải bán cho Nhà nước theo giá quy định; Kế hoạch B, là kế hoạch do xí nghiệp tự lo vật tư để tận dụng khai thác các năng lực sản xuất của mình (như máy móc, nhà xưởng và lao động), sản phẩm làm ra phải bán cho Nhà nước, nhưng giá thành được tính theo giá mua vật tư, nên lợi nhuận định mức được tăng lên gấp 2 - 4 lần so với định mức lợi nhuận của kế hoạch A; Kế hoạch C, là kế hoạch sản xuất phụ, do xí nghiệp tự tổ chức làm thêm để tận dụng lao động và cải thiện thu nhập cho công nhân, không nằm trong nhiệm vụ sản xuất được giao, sản phẩm làm ra được quyền tiêu thụ trên thị trường.

Trong phân phối lợi nhuận, đối với kế hoạch B: nộp vào ngân sách nhà nước 20%; 80% phần còn lại được sử dụng cho 3 quỹ phát triển sản xuất, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi tập thể. Đối với kế hoạch C: 15% lợi nhuận nộp vào ngân sách nhà nước, xí nghiệp được sử dụng 85%, trong đó sử dụng cho quỹ phát triển sản xuất, cho quỹ khen thưởng và cho quỹ phúc lợi tập thể theo tỷ lệ do giám đốc xí nghiệp bàn bạc thỏa thuận với công đoàn để quyết định.

Cũng trong ngày 21/01/1981, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/CP về việc mở rộng các hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và các hình thức tiền thưởng trong xí nghiệp nhà nước nhằm: “Bảo đảm sự thống nhất giữa 3 loại lợi ích: lợi ích của Nhà nước, lợi ích của đơn vị cơ sở, lợi ích của cá nhân người lao động; đặc biệt chú ý đến lợi ích chính đáng của người lao động để khuyến khích sản xuất”.

Tiếp đó, ngày 25/8/1982, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 146-HĐBT sửa đổi, bổ sung Quyết định 25-CP theo hướng tăng thêm quyền chủ động của các xí nghiệp quốc doanh, trên 3 lĩnh vực.

Đối với vật tư: “Các xí nghiệp không được Nhà nước cung ứng đủ vật tư chủ yếu thì được quyền chủ động tìm thêm vật tư, nguyên liệu từ các nguồn khác nhau, kể cả vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước để nhập nguyên liệu, phụ tùng”.

Đối với kế hoạch: “Xí nghiệp được xây dựng thêm phần kế hoạch bổ sung trên cơ sở tự tìm kiếm vật tư để sản xuất ra những sản phẩm chính, hoặc sản phẩm do khách hàng gia công đặt hàng, hoặc mở rộng thêm các công việc có tính chất công nghiệp”.

Đối với tiêu thụ sản phẩm: “Với hàng tiêu dùng thuộc sản phẩm phụ mà các tổ chức thương nghiệp quốc doanh không nhận tiêu thụ thì xí nghiệp được tự tổ chức tiêu thụ”.

Các quyết định trên đã góp phần làm giảm bớt sự tập trung quan liêu bao cấp trong cơ chế quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho sự “bung ra” mạnh mẽ của sản xuất. Điều quan trọng là từ đây đã gợi mở ra hướng đổi mới không chỉ trong công tác kế hoạch hóa, mà cả trong các lĩnh vực giá cả, lợi nhuận, các biện pháp khuyến khích vật chất trong cơ chế quản lý kinh kinh tế công nghiệp quốc doanh giai đoạn tiếp theo.

Đào Mạnh Đức

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-quyet-sach-dau-tien-voi-doanh-nghiep-nha-nuoc-109697.htm