Các quốc gia Ả Rập rơi vào thế khó giữa cạnh tranh siêu cường

Khi các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác quân sự của mình, họ đang thấy mình rơi vào thế khó trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, theo CNN.

Một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang có kế hoạch tổ chức cuộc tập trận quân sự đầu tiên với Trung Quốc trong tháng này.

UAE là một đối tác quân sự của Mỹ, đã sáu lần sát cánh cùng các lực lượng Mỹ. Nước này cũng từng nhận một số loại vũ khí tiên tiến nhất mà Washington đã bán ở Trung Đông.

Cuộc tập trận Trung Quốc – UAE là hoạt động mới nhất trong chuỗi hoạt động của Bắc Kinh ở Trung Đông. Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh các quốc gia vùng Vịnh tìm cách tránh xa sự chia rẽ giữa các nước lớn sau cuộc xung đột Nga – Ukraine và Mỹ liên tục tăng cường nỗ lực để gia tăng vị thế với Trung Quốc.

Một quan chức của UAE thông tin với CNN hôm thứ Hai rằng "các cuộc tập trận chung như vậy là một phần trong nỗ lực không ngừng của UAE nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực" và "nhằm hỗ trợ các nỗ lực tăng cường hòa bình và ổn định quốc tế".

Quan chức này cho biết thêm, UAE cũng tổ chức các cuộc tập trận chung và đa phương "với nhiều đối tác quốc tế khác nhau trên khắp thế giới, bao gồm cả các quốc gia ở Trung Đông, Châu Âu, Châu Phi và Châu Á".

Hasan Alhasan, nhà nghiên cứu về chính sách Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói với CNN: "Mối quan hệ với Trung Quốc đóng vai trò là một công cụ phát tín hiệu hữu ích cho Mỹ. "UAE muốn thông báo với Mỹ rằng quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh song phương hiện không đáp ứng được kỳ vọng của họ."

Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN/Getty.

Khi ông Obama xoay trục sang châu Á

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc lần đầu tiên nhìn thấy cơ hội gia tăng vị thế ở Trung Đông là khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai chiến lược "xoay trục sang châu Á" nhằm tìm cách tái tập trung các nỗ lực ngoại giao và quân sự của Mỹ sang phía Đông. Các quốc gia Trung Đông cho rằng với động thái này, Mỹ sẽ cắt giảm cam kết với an ninh trong khu vực của họ.

Đối với Saudi Arabia và UAE, sự lo ngại đó đã thành hiện thực khi họ lần lượt phải đối mặt với các cuộc bạo lực lớn nhất trên lãnh thổ của mình trong nhiều năm qua vào năm 2019 và 2022. Các sự kiện này đều nhận được phản ứng nhạt nhòa từ Washington.

Ông Mohammed Baharoon, người phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công Dubai, cho biết khoảng trống an ninh mà Mỹ để lại "đã tạo ra một cơ hội chưa từng có trước đây". Ông cũng nói thêm, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông "cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này và việc thiếu các giải pháp khả thi để bảo đảm các mối quan ngại về an ninh của vùng Vịnh". Chuyên gia này cũng đánh giá, chiến lược của Mỹ nhằm cô lập Iran trong hơn 30 năm qua đã không mang lại bất kỳ lợi ích nào.

John Calabrese, một thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông, đánh giá với CNN rằng các quốc gia vùng Vịnh không có khả năng tự mình lấp đầy khoảng trống an ninh khu vực. Vì vậy họ trở nên tự chủ hơn và bắt đầu tìm kiếm các đối tác mới, trong đó có Trung Quốc.

"Các quốc gia đó đều cho rằng Mỹ không thể hoặc không muốn… thực hiện các cam kết đã tuyên bố của mình là người bảo đảm an ninh cho khu vực," Calabrese nói.

Saudi Arabia dường như cũng muốn lưu ý rằng Mỹ không phải là đối tác quốc tế duy nhất của họ. Khi được CNN hỏi vào tháng 10 năm ngoái về lập trường đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ Reema bint Bandar Al Saud, cho biết chính phủ nước này có chính sách kết nối với "tất cả các bên".

Về phần mình, Washington phủ nhận việc họ cắt giảm sự hiện diện tại Trung Quốc và vẫn cam kết bảo vệ các đồng minh của mình. Saudi Arabia đang thử thách cam kết này bằng việc yêu cầu chính quyền của ông Biden tăng cường các đảm bảo an ninh dưới hình thức một thỏa thuận chính thức. Đổi lại, Mỹ muốn Saudi giữ khoảng cách về cả kinh tế và quân sự với Bắc Kinh.

Mỹ vẫn đang duy trì kết nối với vùng Vịnh. Ảnh: AFP via Getty Images.

Tìm cách đa dạng hợp tác quân sự trên toàn cầu

Mỹ cũng đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển quân sự của Bắc Kinh. Một quan chức Mỹ năm ngoái đã chỉ ra Trung Quốc là "quốc gia duy nhất về mặt địa chính trị có tiềm năng sức mạnh để trở thành một thách thức đáng kể đối với Mỹ."

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ cần thời gian để bắt kịp cả công nghệ và khả năng quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông, nơi Bắc Kinh lâu nay mới giữ một vai trò quân sự nhỏ.

Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm cố vấn Stimson có trụ sở tại Washington, nói với CNN: "Trung Quốc quan tâm đến việc làm suy yếu ảnh hưởng truyền thống của Mỹ trong khu vực này. Nhưng họ chưa có đủ khả năng thay thế Mỹ hoàn toàn".

Mỹ và châu Âu vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Trung Đông. Bốn trong số 10 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ là các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh: Saudi Arabia, Qatar, Kuwait và UAE.

Tuy nhiên, Saudi và UAE cũng đã mua hàng từ Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc và Saudi đã đồng ý hợp tác sản xuất máy bay không người lái tại vương quốc này. UAE cũng đã mua máy bay huấn luyện tiên tiến từ Trung Quốc.

Bà Alhasan nói: "Dù các quốc gia vùng Vịnh vẫn ưu tiên mua sắm các thiết bị của Mỹ, thì họ cũng đang quan tâm đến việc đa dạng hóa và nội địa hóa các hoạt động mua sắm quốc phòng".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cac-quoc-gia-a-rap-roi-vao-the-kho-giua-canh-tranh-sieu-cuong-20230815154757306.htm