Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến

Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến được xác định tùy theo loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như vùng da bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu bằng phương pháp điều trị nhẹ, đến các phương pháp điều trị mạnh hơn nếu cần thiết…

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến, việc điều trị có thể cần được xem xét thường xuyên để xác định phương pháp hiệu quả nhất có thể.

1. Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến

1.1 Điều trị tại chỗ bệnh vảy nến

Đây là phương pháp điều trị đầu tiên được sử dụng cho bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình. Sử dụng các loại kem và thuốc mỡ bôi lên vùng bị ảnh hưởng. Đối với người bị bệnh vảy nến da đầu, có thể cần kết hợp dầu gội và thuốc mỡ.

- Chất làm mềm: Chất làm mềm là phương pháp điều trị dưỡng ẩm được bôi trực tiếp lên da để giảm mất nước và che phủ bằng một lớp màng bảo vệ. Lợi ích chính của chất làm mềm da là giữ ẩm cho da, giảm ngứa và bong vảy. Chất làm mềm có sẵn dưới dạng nhiều loại sản phẩm, có thể được mua không cần kê đơn từ hiệu thuốc hoặc được kê đơn bởi bác sĩ.

- Kem hoặc thuốc mỡ steroid (corticosteroid): Thường được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình ở hầu hết các vùng trên cơ thể. Thuốc giúp giảm viêm, làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và giảm ngứa.

Corticosteroid tại chỗ có mức độ từ nhẹ đến rất mạnh và chỉ sử dụng khi được bác sĩ khuyên dùng. Bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid tại chỗ mạnh hơn, nên sử dụng trên những vùng da nhỏ hoặc trên những mảng da đặc biệt dày. Lạm dụng corticosteroid tại chỗ có thể dẫn đến mỏng da.

- Chất tương tự vitamin D: Các loại kem tương tự vitamin D thường được sử dụng cùng với hoặc thay thế các loại kem steroid cho các vùng ảnh hưởng của bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình như chân tay, thân hoặc da đầu. Thuốc hoạt động bằng cách làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và chống viêm.

Ví dụ về các chất tương tự vitamin D như calcipotriol, calcitriol và tacalcitol... tương đối an toàn khi sử dụng theo khuyến cáo.

Sử dụng các loại kem và thuốc mỡ bôi lên vùng bị ảnh hưởng bởi vảy nến.

- Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin, chẳng hạn như tacrolimus và pimecrolimus, là thuốc mỡ hoặc kem làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch và giúp giảm viêm. Đôi khi chúng được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến ảnh hưởng đến các vùng nhạy cảm, chẳng hạn như mặt, bộ phận sinh dục và các nếp gấp trên da, nếu kem steroid không hiệu quả.

Những loại thuốc này có thể gây kích ứng da hoặc cảm giác nóng rát và ngứa khi bắt đầu sử dụng, nhưng tình trạng này thường cải thiện trong vòng một tuần.

- Nhựa than: Than đá là phương pháp điều trị bệnh vảy nến lâu đời nhất. Cách thức hoạt động vẫn chưa được biết chính xác, nhưng có thể làm giảm vảy, viêm và ngứa. Than đá có thể được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến ảnh hưởng đến chân tay, thân hoặc da đầu, nếu các phương pháp điều trị tại chỗ khác không hiệu quả, có thể được sử dụng kết hợp với liệu pháp quang học. Tuy nhiên, than đá có thể làm ố quần áo, ga trải giường và có mùi nồng nặc…

- Dithranol: Dithranol đã được sử dụng hơn 50 năm để điều trị bệnh vảy nến. Thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn việc sản xuất tế bào da và có ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc có thể cháy da nếu quá đậm đặc.

Dithranol được sử dụng như một phương pháp điều trị ngắn hạn, dưới sự giám sát của bệnh viện, đối với bệnh vảy nến ảnh hưởng đến tay chân hoặc thân mình. Bôi trên vùng da ảnh hưởng và để trong vòng 10 đến 60 phút trước khi rửa sạch.

1.2. Quang trị liệu

Quang trị liệu sử dụng ánh sáng tự nhiên và nhân tạo để điều trị bệnh vảy nến. Liệu pháp ánh sáng nhân tạo có thể được thực hiện tại bệnh viện và một số trung tâm chuyên khoa, thường dưới sự chăm sóc của bác sĩ da liễu. Những phương pháp điều trị này không giống như sử dụng giường phơi nắng.

- Liệu pháp quang học bằng tia cực tím B (UVB): Liệu pháp quang học UVB sử dụng bước sóng ánh sáng mà mắt người không nhìn thấy được. Ánh sáng làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và là phương pháp điều trị hiệu quả đối với một số loại bệnh vẩy nến không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ. Mỗi buổi chỉ mất vài phút nhưng bạn có thể phải đến bệnh viện 2 hoặc 3 lần một tuần trong 6 đến 8 tuần.

- Psoralen cộng với tia cực tím A (PUVA): Đối với phương pháp điều trị này, trước tiên người bệnh sẽ được cấp một viên thuốc có chứa psoralens hoặc psoralen bôi trực tiếp lên da (giúp làn da nhạy cảm hơn với ánh sáng). Sau đó, cho làn da tiếp xúc với tia cực tím A (UVA). Ánh sáng này xuyên qua làn da sâu hơn ánh sáng UVB. Phương pháp điều trị này có thể được sử dụng đối với bệnh vảy nến nặng không đáp ứng với phương pháp điều trị khác.

Tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nhức đầu, nóng rát và ngứa. Người bệnh có thể cần phải đeo kính đặc biệt trong 24 giờ sau khi uống thuốc để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể. Việc sử dụng lâu dài phương pháp điều trị này không được khuyến khích vì có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da.

- Liệu pháp ánh sáng kết hợp: Người bệnh có thể được cung cấp kem hoặc thuốc mỡ (phương pháp điều trị tại chỗ) cùng với liệu pháp ánh sáng nếu:

Bệnh vảy nến không đáp ứng với liệu pháp ánh sáng đơn thuần
Người bệnh không thể hoặc không muốn dùng thuốc điều trị bệnh vảy nến…

1.3. Thuốc toàn thân trị vảy nến

Trong trường hợp bệnh vảy nến nghiêm trọng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các phương pháp điều trị toàn thân (có tác dụng trên toàn bộ cơ thể).

Tất cả các phương pháp điều trị toàn thân cho bệnh vảy nến đều có lợi ích và rủi ro. Do đó, trước khi bắt đầu điều trị, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị và bất kỳ rủi ro nào liên quan đến thuốc.

Nếu bạn đang có kế hoạch sinh con, đang mang thai hoặc cho con bú, nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào, kiểm tra xem loại thuốc đó có phù hợp để sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú hay không.

Có 2 loại điều trị toàn thân chính, được gọi là phi sinh học (thường được dùng dưới dạng viên nén hoặc viên nang) và sinh học (thường được tiêm dưới dạng thuốc tiêm).

Thuốc uống trị vảy nến có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, người bệnh không nên tự ý sử dụng.

3.1. Thuốc phi sinh học

- Methotrexat: Có thể giúp kiểm soát bệnh vảy nến bằng cách làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và ức chế viêm, thường được thực hiện một lần một tuần.

Methotrexate có thể gây buồn nôn và có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất tế bào máu. Sử dụng lâu dài có thể gây tổn thương gan. Những người mắc bệnh gan không nên dùng methotrexate và không nên uống rượu khi dùng thuốc.

Methotrexate có thể gây hại cho em bé đang phát triển, vì vậy phụ nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và không mang thai trong khi dùng thuốc này và trong ít nhất 6 tháng sau khi ngừng sử dụng. Nam giới nên trì hoãn việc có con cho đến ít nhất 6 tháng kể từ liều methotrexate cuối cùng.

`- Ciclosporin: Đây là một loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (thuốc ức chế miễn dịch), đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị tất cả các loại bệnh vảy nến và thường được uống hàng ngày. Tuy nhiên, ciclosporin làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận và huyết áp cao, cần được theo dõi trong quá trình sử dụng thuốc.

- Acitretin: Đây là một retinoid đường uống có tác dụng làm giảm sản xuất tế bào da. Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị toàn thân phi sinh học khác và được dùng uống hàng ngày.

Acitretin có nhiều tác dụng phụ, bao gồm khô và nứt môi, khô đường mũi và trong những trường hợp hiếm gặp hơn gây viêm gan. Thuốc có thể gây hại cho em bé đang phát triển, do đó, phụ nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và không mang thai khi dùng thuốc này và trong ít nhất 3 năm sau khi ngừng dùng thuốc.

- Các loại thuốc khác: Apremilast và dimethyl fumarate là những loại thuốc giúp giảm viêm, được dùng dưới dạng viên nén hàng ngày; chỉ được khuyến khích sử dụng đối với bệnh vảy nến nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị phi sinh học khác.

3.2 Thuốc sinh học

Phương pháp điều trị sinh học làm giảm viêm bằng cách nhắm vào các tế bào hoạt động quá mức trong hệ thống miễn dịch. Chúng thường được sử dụng nếu bạn bị bệnh vảy nến nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc nếu không thể sử dụng các phương pháp điều trị khác.

Một số thuốc sinh học:

Etanercept
Adalimumab
Infliximab
Ustekinumab

Các phương pháp xử lý sinh học khác: Bao gồm guselkumab, brodalumab, secukinumab, ixekizumab, bimekizumab và risankizumab… được khuyên dùng cho những người mắc bệnh vảy nến nặng mà không cải thiện bằng các phương pháp điều trị khác hoặc khi các phương pháp điều trị khác không phù hợp.

Lưu ý, do các thuốc sinh học ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống miễn dịch nên có nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm cả nhiễm trùng nặng. Người bệnh cần được theo dõi các tác dụng phụ trong quá trình điều trị.

2. Lưu ý khi dùng thuốc trị vảy nến

Khi sử dụng thuốc để điều trị bệnh vảy nến, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

- Luôn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ: Người bệnh không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc cách sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Kiên trì điều trị: Điều trị bệnh vảy nến thường mất thời gian. Người bệnh có thể không thấy cải thiện ngay lập tức, nhưng đừng từ bỏ và hãy tiếp tục sử dụng thuốc theo hướng dẫn và tái khám đúng hẹn…

- Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào: Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào từ thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị. Không được tự ý ngừng sử dụng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.

- Chăm sóc da hàng ngày: Bên cạnh việc sử dụng thuốc, việc chăm sóc da hàng ngày cũng rất quan trọng. Hãy giữ da luôn sạch sẽ và dưỡng ẩm.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Một số thuốc điều trị vẩy nến có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về gan, thận hoặc hệ thống miễn dịch… Do đó, bạn cần thực hiện các xét nghiệm sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của mình.

- Không sử dụng thuốc quá hạn: Thuốc quá hạn có thể không còn hiệu quả và có thể gây ra tác dụng phụ. Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi sử dụng.

Nhớ rằng, mỗi người có thể phản ứng khác nhau với các loại thuốc, vì vậy điều quan trọng là phải thường xuyên liên lạc và cập nhật tình trạng của mình với bác sĩ.

DS. Hoàng Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-benh-vay-nen-169240322105026665.htm