Các nước nào đã cấm thuốc lá điện tử trong trường học?

Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã ban hành quy định về việc sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó nhiều nước đã cấm trong khuôn viên trường học.

Những ngày vừa qua, vụ việc giám thị ở một trường phổ thông dân lập tại TP.HCM có hành vi không phù hợp để kiểm tra việc sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh đã khiến dư luận dậy sóng.

Được biết, những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử (e-cigarette/vape) ngày càng nhiều trong giới trẻ ở các nước bất chấp những cảnh báo về rủi ro sức khỏe.

Theo Viện Kiểm soát thuốc lá toàn cầu thuộc Trường Y tế cộng đồng, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến tháng 12/2022, 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có quy định cấm thuốc lá điện tử.

Mỹ

Nhiều bang ở Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng thuốc lá điện tử trong khuôn viên trường học. Năm 2016, California trở thành tiểu bang đầu tiên cấm sử dụng tất cả các sản phẩm thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, trong khuôn viên trường học.

Kể từ đó, một số tiểu bang khác, bao gồm Massachusetts, New Jersey và New York, cũng đưa ra luật tương tự.

Học sinh trung học Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 1,5% (2011) lên 27,5% (2019).

Học sinh trung học Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 1,5% (2011) lên 27,5% (2019).

Những lệnh cấm này đã được đưa ra để bảo vệ sức khỏe của học sinh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), việc học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 1,5% năm 2011 lên 27,5% vào năm 2019.

Đây là một xu hướng đáng lo ngại vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là tổn thương phổi, các vấn đề hô hấp, tim mạch và đột quỵ.

Những rủi ro sức khỏe này đặc biệt đáng lo ngại đối với những người trẻ tuổi, vì cơ thể của họ vẫn đang phát triển và dễ bị tổn thương hơn trước tác hại của nicotin và các hóa chất khác trong thuốc lá điện tử.

Canada

Một số bang ở Canada đã cấm thuốc lá điện tử trong khuôn viên trường học. Ví dụ chính quyền bang Ontario thông qua đạo luật thuốc lá điện tử, trong đó cấm sử dụng trong khuôn viên trường học từ năm 2015 nhằm ngăn cản học sinh từ bỏ thói quen này ngay từ đầu.

Ngoài những rủi ro về sức khỏe, hút thuốc lá điện tử thường xuyên có thể dẫn đến gây nghiện, điều này có thể tác động tiêu cực đến kết quả học tập. Bằng cách đưa ra lệnh cấm, chính quyền Canada hy vọng sẽ giảm số lượng thanh thiếu niên nghiện nicotin.

Australia

Mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ Australia có luật riêng, nhưng đều nhằm mục đích ngăn chặn việc hút thuốc lá điện tử ở trẻ vị thành niên. Ví dụ, ở bang New South Wales, việc sử dụng thuốc lá điện tử trong khuôn viên trường học hoặc trong vòng 4m tính từ cổng trường là bất hợp pháp.

Vương quốc Anh

Chỉ thị về sản phẩm thuốc lá của Liên minh Châu Âu (TPD) có hiệu lực vào ngày 19/5/2014, đưa ra các biện pháp kiểm soát quy định mới đối với thuốc lá điện tử. Năm 2016, quy định về thuốc lá và sản phẩm Liên quan của Vương quốc Anh đã triển khai đầy đủ TPD.

Theo đó, việc sử dụng thuốc lá điện tử bị cấm trong khuôn viên trường học ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland. Scotland cũng đã đưa ra luật tương tự. Theo chính phủ Vương quốc Anh, việc sử dụng thuốc lá điện tử trong khuôn viên trường học có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mất tập trung và phá vỡ môi trường học thuật.

Trung Quốc

Đây là nhà sản xuất và tiêu thụ thuốc lá điện tử lớn nhất thế giới, tuy nhiên, chính phủ nước này đã thực hiện các bước để ngăn cấm việc sử dụng thuốc lá ở tuổi vị thành niên.

Năm 2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành thông báo cấm sử dụng thuốc lá điện tử trong khuôn viên trường học, đồng thời một số trường cũng đã thực hiện nội quy, quy định riêng cấm sử dụng thuốc lá điện tử.

Ngoài ra, Cục Độc quyền thuốc lá nhà nước Trung Quốc (STMA) quy định các cửa hàng bán lẻ thuốc lá điện tử không được nằm gần bất kỳ trường tiểu học, trường THCS, trường dạy nghề hoặc trường mẫu giáo nào. Họ cũng không được phép bán sản phẩm thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên và phải đặt biển báo cấm trẻ vị thành niên mua thuốc lá điện tử ở vị trí dễ thấy trong cửa hàng.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, chính phủ đã đưa ra các quy định về thuốc lá điện tử vào năm 2018, trong đó có quy định cấm bán thuốc lá điện tử có chứa nicotin. Mặc dù không có lệnh cấm toàn quốc về việc sử dụng thuốc lá điện tử trong khuôn viên trường học, nhưng một số trường đã thực hiện chính sách riêng.

Hàn Quốc

Chính phủ nước này đã đưa ra lệnh cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên vào năm 2016 và kể từ đó đã thắt chặt các quy định đối với ngành này. Năm 2018, Bộ Giáo dục đã ban hành hướng dẫn khuyến nghị các trường cấm sử dụng thuốc lá điện tử trong khuôn viên trường và một số trường cũng thực hiện chính sách riêng.

Hiệu quả rõ rệt

Tác động của lệnh cấm phần lớn là có hiệu quả. Theo The New York Times, xu hướng giảm đã được ghi nhận trong Khảo sát quốc gia thanh niên sử dụng thuốc lá 2020 của CDC Mỹ.

Theo đó, 19,6% học sinh trung học cho biết đã sử dụng thuốc lá điện tử ít nhất một lần trong 30 ngày trước đó, giảm mạnh so với mức 27,5% vào năm 2019. Điều đó dẫn đến việc giảm 1 triệu người dùng thường xuyên- xuống còn 3 triệu (so với 4,1 triệu một năm trước đó). Việc sử dụng thuốc lá điện tử cũng giảm ở học sinh cấp hai, xuống còn 550.000 người dùng từ 1,24 triệu.

Một cuộc khảo sát do Bộ Y tế Canada thực hiện cho thấy tỷ lệ thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử đã giảm từ 29% năm 2018 xuống còn 19% vào năm 2019.

Tại Vương quốc Anh, một cuộc khảo sát do tổ chức Action on Smoking and Health thực hiện (2019) cho thấy hơn 3/4 thanh niên từ 11-18 tuổi chưa bao giờ thử (76,9%) hoặc không biết về thuốc lá điện tử (6,6%).

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-nuoc-nao-da-cam-thuoc-la-dien-tu-trong-truong-hoc-2130586.html