Các nước EU ký thỏa thuận cứng rắn đối với ngũ cốc Ukraine, tăng khả năng áp thuế

Tối 27/3, các quốc gia thành viên EU đã ký kết một thỏa thuận quan trọng nhằm mở rộng thương mại tự do với Ukraine cho đến tháng 6/2025.

Kết quả đạt được từ các cuộc đàm phán thể hiện một lập trường cứng rắn hơn so với sự đoàn kết đã cam kết trước đó với quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này - nơi xuất khẩu nông sản mang lại một nguồn doanh thu thiết yếu.

Việc mở rộng chế độ đặc biệt sẽ đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ hơn đối với các sản phẩm được coi là "nhạy cảm" như: gia cầm, trứng, đường, yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong - đó là những sản phẩm này sẽ phải chịu thuế nếu khối lượng nhập khẩu của chúng vượt quá khối lượng trung bình 3 năm trước đây.

Thỏa thuận này cũng sẽ giúp các quốc gia thành viên dễ dàng áp dụng “các biện pháp khắc phục” trong trường hợp thị trường hỗn loạn - một điều khoản mơ hồ mở ra cơ hội cho các lệnh cấm trên phạm vi quốc gia.

Việc mở rộng chế độ đặc biệt sẽ đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ hơn đối với các sản phẩm được coi là "nhạy cảm" như ngũ cốc. (Ảnh: EuroNews)

Nhìn chung, người ta ước tính những điều chỉnh này sẽ khiến Kyiv thiệt hại khoảng 330 triệu euro mỗi năm.

Các điều khoản tăng cường được đưa ra trong bối cảnh làn sóng phản đối của nông dân đang xảy ra khắp châu Âu, một số trong số họ cáo buộc các đối tác Ukraine cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù sự phản đối đối với hàng nhập khẩu giá rẻ của Ukraina ban đầu đến từ các nước láng giềng ở Đông Âu, cụ thể là Ba Lan, Hungary và Slovakia, nhưng nó dần dần lan sang Pháp, quốc gia đã chuyển từ quan điểm mở rộng sang quan điểm hạn chế trong cuộc tranh luận.

Ý và Áo cũng chuyển theo quan điểm thắt chặt giống Ba Lan, làm cho vấn đề càng phức tạp hơn. Ở chiều ngược lại, Đức, Hà Lan và các nước vùng Baltic cùng nhiều nước khác phản đối việc thắt chặt.

Trách nhiệm phá vỡ thế bế tắc đổ lên vai Bỉ, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng. Bỉ đã đệ trình một văn bản thỏa hiệp mới vào sáng thứ Tư (27/3), mở đường cho việc phê duyệt sau đó trong ngày.

“Các đại sứ đã đồng ý về một thỏa hiệp mới nhằm mở rộng các biện pháp thương mại (ATM) cho Ukraine, đảm bảo cách tiếp cận cân bằng giữa hỗ trợ Ukraine và bảo vệ thị trường nông sản EU”, Chủ tịch EU trên mạng xã hội.

Văn bản sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu để có giải pháp "nhanh chóng".

Ukraine trong lịch sử là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng như dầu hướng dương, lúa mạch, ngô và lúa mì. Cuộc chiến tổng lực của Nga và việc phong tỏa Biển Đen sau đó đã cản trở nghiêm trọng khả năng vận chuyển hàng hóa, kinh doanh và tiếp cận ngoại tệ của nước này.

Vào tháng 6 năm 2022, EU đã dỡ bỏ tất cả các mức thuế và hạn ngạch còn lại đối với hàng nhập khẩu của Ukraine để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển qua các tuyến đường bộ và đảm bảo doanh thu ổn định.

Tuy nhiên, chế độ đặc biệt đã dẫn đến sự gia tăng đột biến về ngũ cốc của Ukraine trên khắp các nước láng giềng, gây ra sự phản đối của nông dân địa phương, những người cho rằng ngũ cốc giá rẻ đang khiến nông sản của họ mất giá và đầy kho dự trữ.

Tranh chấp lên đến đỉnh điểm vào tháng 4 năm 2023, khi Ba Lan, Hungary và Slovakia áp đặt lệnh cấm qua đêm đối với một loạt sản phẩm nông nghiệp đến từ Ukraine. Ngay lập tức, Romania và Bulgaria nhanh chóng cảnh báo họ cũng sẽ làm theo.

Khi đó, Ủy ban EU nói rằng, những lệnh cấm là không thể chấp nhận được, trái pháp luật và đi ngược lại tinh thần đoàn kết của khối. Một nhóm gồm 12 quốc gia, bao gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Áo, cho biết trong một bức thư chung rằng tính toàn vẹn của thị trường chung đang gặp nguy hiểm.

Sự bế tắc diễn ra trong nhiều tháng và chứng kiến nhiều nỗ lực nhằm giải quyết tình hình thông qua ngoại giao và khởi kiện trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).

Cho đến hôm nay, Ba Lan, Hungary và Slovakia vẫn duy trì lệnh cấm của họ.

Hà Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cac-nuoc-eu-ky-thoa-thuan-cung-ran-doi-voi-ngu-coc-ukraine-tang-kha-nang-ap-thue-423675.html