Các nước ASEAN muốn tăng cường hợp tác với châu Âu

Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Malaysia và Tổng thống Philippines đang có chuyến công du một số nước châu Âu nhằm tăng cường quan hệ song phương, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư châu Âu, mở thêm nhiều cánh cửa hợp tác.

Củng cố niềm tin, thu hút đầu tư

Từ ngày 7 đến 14-3, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin thăm Đức và Pháp, hai nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư châu Âu vào việc tăng cường thương mại và đầu tư ở Thái Lan, và mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Bên cạnh những cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao hai nước, Thủ tướng Srettha gặp gỡ đại diện doanh nghiệp các ngành hàng không, ô-tô, du lịch, thời trang, bán lẻ tại đây. Lịch trình này cho thấy, tăng cường hợp tác kinh tế là trọng tâm của chuyến công du.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thăm chính thức Đức từ ngày 10 đến 15-3, nhằm củng cố và tăng cường quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Thủ tướng Anwar Ibrahim hoan nghênh việc có thêm nhiều doanh nghiệp Đức coi Malaysia là điểm đến đầu tư ưa thích. Ông nhấn mạnh, trong số các nước thành viên EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 15 tỷ USD. Nhiều công ty lớn của Đức, trong đó có “gã khổng lồ” ngành bán dẫn Infineon Technologies AG, đã chọn Malaysia là trung tâm quan trọng. Thủ tướng Malaysia hy vọng hai bên sẽ tăng cường hợp tác, không chỉ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư mà còn trong tất cả lĩnh vực. Về phần mình, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của Đức, đặc biệt với châu Á.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cũng thăm Đức và Cộng hòa Czech từ ngày 11 đến 15-3, với vấn đề hợp tác hàng hải, lao động, biến đổi khí hậu và kinh tế là trọng tâm trong chương trình nghị sự. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng hải, Philippines cho rằng, ngành vận tải biển phát triển mạnh sẽ mang lại lợi ích cho những người đi biển Philippines, chiếm một phần đáng kể trong lực lượng lao động đi biển trên toàn cầu. Tổng thống Marcos cũng chuẩn bị thông qua tuyên bố chung nêu rõ thành lập cơ chế tham vấn lao động ở Cộng hòa Czech, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình di cư của người lao động Philippines. Trong chuyến thăm Đức và Cộng hòa Czech, ông Marcos tập trung vào việc thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư, mời các công ty tăng cường đầu tư vào nước này.

Bước đi cần thiết

Đối với Thái Lan, tăng cường hợp tác với châu Âu là điều hết sức cần thiết. EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của nước này. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 41 tỷ USD. FTA với EU có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế Thái Lan, khi mở đường cho các doanh nghiệp nước này tiếp cận sâu hơn vào thị trường rộng lớn với hơn 400 triệu dân của EU. Thái Lan kỳ vọng, tiến trình đàm phán sẽ cán đích vào năm 2025, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho hợp tác thương mại giữa hai bên.

Thái Lan cũng dự kiến kết thúc đàm phán và đi đến ký kết FTA với Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein, vào cuối năm nay. Mở rộng cánh cửa hợp tác thương mại, đầu tư thông qua các FTA là một trong những chính sách phát triển kinh tế then chốt của Chính phủ Thái Lan. Cơ hội hợp tác mới đến từ các FTA sẽ tạo động lực giúp nước này hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.

Trong khi đó, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong EU kể từ năm 2000. Ngược lại, Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong số các nước châu Á. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 5,9% lên 13,56 tỷ USD, cao hơn so với mức 12,79 tỷ USD trong năm 2022. Hiện có hơn 700 doanh nghiệp Đức đặt trụ sở ở Malaysia, tạo ra khoảng 65.000 việc làm. Việc củng cố mối quan hệ chặt chẽ hiện có giữa hai nước sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

GIA NGHI

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202403/cac-nuoc-asean-muon-tang-cuong-hop-tac-voi-chau-au-3967593/