Các nhà xuất khẩu Đức bi quan về thị trường Trung Quốc

Các căng thẳng địa chính trị, chính sách 'zero-Covid' và sự cạnh tranh của các đối thủ Trung Quốc đã khiến các nhà xuất khẩu của Đức bi quan về triển vọng kinh doanh của họ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài mới của Đức vào Trung Quốc, tính theo đơn vị tỉ đô la Mỹ, đã suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Financial Times

Trong hơn 20 năm, Oliver Betz, Giám đốc điều hành Systec Automotive, sản xuất cảm biến cho các nhà sản xuất động cơ Trung Quốc từ cơ sở của ông ở Munich, Đức. Nhưng trong những tháng gần đây, doanh số bán hàng sang Trung Quốc của Systec Automotive đã sụt giảm đến 75%.

“Mở rộng ở Trung Quốc không phải là một chủ đề đang được xem xét. Đó là cách chúng tôi có thể hạn chế thiệt hại”, Betz nói và cho biết 65% hàng xuất khẩu của công ty ông trong năm ngoái là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông đổ lỗi cho sự sụt giảm doanh số hiện nay là do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn, chiến lược ‘zero-Covid’ và xu hướng mua hàng nội địa ngày càng tăng khi các nhà sản xuất Trung Quốc bắt kịp các thương hiệu nước ngoài.

Những gì đang xảy ra với Systec Automotive ngày càng trở nên phổ biến đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức. Sau nhiều năm doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức giờ đây chứng kiến mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc đang gặp thử thách.

Theo Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức đang nhận ra rằng họ không thể dựa vào Trung Quốc để kiếm lợi nhuận lớn như trước đây. Wuttke nói: “Điều này giống như là một cuộc tình đã mất”.

Thực trạng mới đang đe dọa làm phân rã một trong những mối quan hệ thương mại cùng có lợi lớn nhất thế giới. Trong đó, các công ty Đức thịnh vượng là nhờ bán máy móc cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, giúp họ trở thành các tay chơi quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kể từ đầu năm 2000 đến nay, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, từ hơn 1% lên 7,5% doanh số xuất khẩu của Đức ra nước ngoài. Trong năm 2021, thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ hơn 100 tỉ euro hàng hóa của Đức.

Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu, có trụ sở ở Berlin, mô tả mối quan hệ thương mại với Trung Quốc là yếu tố chính trong “thời kỳ hoàng kim của mô hình kinh tế Đức”, xuất hiện trong giai đoạn sau của 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel.

Alicia García-Herrero, nhà kinh tế cao cấp tại tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel, cho biết Berlin cảm nhận mối liên kết thương mại với Bắc Kinh đang chùng xuống do xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm. “Đức đang đánh mất thặng dư thương mại với Trung Quốc và một phần năng lực cạnh tranh do Trung Quốc tiến qua nhanh trong bậc thang giá trị”, ông nói.

Điều này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai nước. Chiến tranh Nga-Ukraine đã làm gia tăng sức mạnh cho phe chỉ trích Bắc Kinh ở Đức, những người cho rằng mối quan hệ kinh tế của đất nước đang lấn át các mục tiêu chính sách đối ngoại, dẫn đến sự hợp tác với các đối thủ địa chính trị tiềm tàng.

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, người sẽ bay đến Bắc Kinh vào tuần tới để tham dự cuộc gặp đầu tiên với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, dự kiến sẽ công bố chiến lược Trung Quốc mới của mình vào năm tới. Ông đang chịu áp lực từ các đối tác trong liên minh cầm quyền của mình, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do, về việc phải nới lỏng quan hệ với Bắc Kinh.

Benner nói: “Chiến lược Trung Quốc mới cần bao gồm các thông điệp rõ ràng về sự cần thiết phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và các đối tác thương mại”.

Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức sẽ có hiệu lực đầu năm 2023. Đạo luật này sẽ khiến các công ty lớn của Đức chịu trách nhiệm giám sát vi phạm nhân quyền của các nhà cung cấp, có thể ngăn cản đầu tư của Đức vào Trung Quốc. Hiện nay, các khoản đầu tư lớn của Đức vào Trung Quốc chủ yếu đến từ ba hãng xe hàng đầu là Volkswagen, BMW và Daimler, cũng như Tập đoàn hóa chất BASF.

Phản ứng của doanh nghiệp Đức đối với các cáo buộc vi phạm nhân quyền người Hồi giáo ở Tân Cương, khu vực biên giới phía tây của Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của họ tại thị trường đông dân nhất thế giới. Nhà sản xuất đồ thể thao Adidas đã chứng kiến doanh số ở Trung Quốc giảm 15% trong hai quí liên tiếp vào năm ngoái sau làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng trong nước để đáp trả quyết định không mua bông (cotton) từ Tân Cương của Adidas.

Magnetec, nhà sản xuất linh kiện điện của Đức, đang vận hành một nhà máy ở Trung Quốc trong 13 năm qua, nhưng đã quyết định không xây dựng nhà máy thứ hai ở nước này vì nguy cơ bị trừng phạt. Marc Nicolaudius, Giám đốc điều hành Magnetec, nói: “Khi khách hàng đặt mua sản phẩm của chúng tôi, họ đưa ra điều kiện tiên quyết là chúng không được sản xuất tại Trung Quốc”. Do vậy, Magnetec quyết định sẽ mở rộng ở Việt Nam.

Cạnh tranh công bằng vẫn là một vấn đề ở Trung Quốc. “Các thành viên của chúng tôi biết rằng mọi công nghệ mà họ đưa vào Trung Quốc, trong thời gian tương đối ngắn, sẽ trở thành một phần của thị trường Trung Quốc. Chúng tôi cảnh báo các thành viên về nguy cơ bị hất văng khỏi thị trường Trung Quốc trong thời gian ngắn”, Ulrich Ackermann, Giám đốc bộ phận ngoại thương của VDMA, cho biết.

Ackermann cũng chỉ ra những khó khăn của một công ty sản xuất máy móc xây dựng Đức khi đối thủ của nó là một công ty nhà nước Trung Quốc gửi máy móc cho khách hàng sử dụng miễn phí trong năm đầu tiên. “Làm thế nào chúng ta có thể cạnh tranh với điều đó?”, Ackermann nói.

Andreas Rade, Giám đốc bộ phận quan hệ xã hội và chính phủ tại Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Đức (VDA), nói: Các doanh nghiệp Đức vẫn chưa rút lui khỏi thị trường Trung Quốc nhưng họ đang tìm cách bảo vệ các hoạt động của mình khỏi những sóng gió địa chính trị. Và một số doanh nghiệp đang chuẩn bị cho ngày mà họ có thể phải ra đi”.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-nha-xuat-khau-duc-bi-quan-ve-thi-truong-trung-quoc/