Các nhà thầu "Đánh bùn sang ao" trên quốc lộ 3

Hai bên đường vẫn còn đó những thửa ruộng hoang hóa bởi đất đá khi lu đầm bồi lấp. Trên tường nhà, vẫn còn đó chi chít nét bút bi đánh dấu các vết rạn nứt do quá trình thi công để lại. Cả kể chuyện, một trong những hộ dân có nhà nằm trên trục đường quốc lộ 3 cũ cả lôi bản cam kết bồi thường từ phía nhà thầu và các cấp chính quyền ra rồi thở dài.

Chị Ngọt đứng trước mảng ốp tường bị bong trong căn nhà đầy vết nứt.

"Dấu đỏ vẫn còn đây, chữ ký tươi đây nhưng hứa lên rồi lại hứa xuống, ruột để ngoài tai, các vị ấy nghe cho xong chuyện thì phải. Và khi con đường được hoàn tất đi vào hoạt động cũng là lúc nhà thầu "sủi bọt tăm hơi", hay nói như dân địa phương chúng tôi là 'bặt vô âm tín', tức chạy mất dép, ôm con bỏ chợ, “đánh bùn sang ao”… như thế nào cũng là đúng cả!".

Thi công đường, vô tư làm rạn nứt nhà dân

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, trong thời gian qua, dân cư sống ở dọc 2 tuyến đường - quốc lộ 3 cũ và đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (hay còn gọi là quốc lộ 3 mới) - đoạn qua địa phận xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên đang rất bức xúc trước tình trạng các nhà thầu "sủi bọt tăm hơi" sau khi công trình hoàn thành. Lý do của sự bức xúc này bắt nguồn từ trong quá trình thi công lu đầm đã gây nên tình trạng rạn nứt nhà của nhiều hộ dân sống tại đây.

Điều đáng nói là, sau khi cam kết đi cam kết lại, đến nay, phía nhà thầu vẫn chưa có bất cứ động thái tích cực nào chứng tỏ họ đang thực thi việc bồi thường. Còn chính quyền, là đơn vị đệm, lại chạy lên chạy xuống không biết bao nhiêu lượt khi đơn thì chuyển đi rồi mà phía nhà thầu chẳng chịu giải quyết cho.

Chị Ma Thị Ngọt, xóm Mãn Chiêm, một trong những hộ dân sống trên trục đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cho biết căn nhà 2 tầng của gia đình chị xây từ năm 2003. Nó vẫn ổn và chắc chắn cho tới năm 2009, khi đơn vị thi công tiến hành lu đầm để làm đường cao tốc này thì xuất hiện nhiều vết rạn nứt xung quanh nhà. Hầu như chỗ nào cũng có, nhiều nhất là tầng 2 và hiện giờ, đang được bỏ không. Không chỉ có thế, các miếng ốp tường cũng bong hết, có chỗ bong cả tấm, lộ ra cả mảng tường gốc màu trắng đục.

Sau khi xảy ra rạn nứt như thế, gia đình chị và một số gia đình xóm Mãn Chiêm cũng như nhiều gia đình ở xóm Yên Mễ (đều nằm trong diện bị ảnh hưởng) yêu cầu phía nhà thầu ngừng lại việc thi công, đồng thời làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền. Sau đó, phía đơn vị đầu tư có qua và hứa bồi thường thiệt hại nhưng trước mắt, dân hãy tạo điều kiện để họ tiếp tục.

"Cũng có mấy người đến khảo sát, đo đạc, ghi ghi chép chép, trên tường vẫn còn nguyên những nét bút bi đánh dấu từng chỗ rạn mà họ để lại. Nhưng đến nay, sự việc để đó, chẳng ai giải quyết cho cả. Gọi cho ông Hân, Trưởng ban Gói thầu PK2 thì ông này lại thoái thác trách nhiệm cho ông này ông nọ. Chúng tôi liên tục gửi đơn lên xã, huyện rồi tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh lại chuyển về huyện, huyện chuyển về phía nhà thầu và đến nay, khi mà con đường cao tốc rộng thênh thang kia đã đi vào hoạt động được gần 1 năm, vẫn chưa thấy ai trả lời dứt khoát cho người dân về vấn đề này".

Tuyến quốc lộ 3 mới đã xong nhưng phía nhà thầu vẫn chưa giải quyết những thiệt hại cho dân.

Chồng chị, ông Hà Văn Đọc bảo rằng, ông đang viết đơn kiến nghị lên Trung ương, rồi đến đâu thì đến. Ông cũng cho biết thêm có một số hộ gia đình không viết đơn kiến nghị vì họ cho rằng cái việc đi khiếu kiện giống như "nước đổ lá khoai", mất công, mất sức.

Tầng 2 của gia đình chị Ngọt bỏ không từ lâu. Mạng nhện, tường già ẩm thấp. Trên nền nhà rác bụi dày đặc. Chị bảo vì con cái đi học ở xa cả, chỉ có 2 vợ chồng ở nhà, với lại vì rạn nứt như thế nên gia đình cũng không để bất cứ đồ vật gì ở đó, cũng không sử dụng tầng này, mất an toàn lắm. Thành ra như nhà hoang. Theo tay chị chỉ về phía các mảng tường bị rạn nứt, vẫn còn nguyên đó những vết bút bi đánh dấu của các cán bộ đến đây khảo sát. Thì ra họ có đến thật, cũng khảo sát, đo đạc tỉ mỉ như ai. Nhưng đến nay chẳng thấy bóng dáng đâu cả!

Cũng chung hoàn cảnh với nhiều hộ dân sống trên trục đường quốc lộ 3 mới, 40 hộ dân trên đường quốc lộ 3 cũ, đoạn qua xóm Giếng, xã Hồng Tiến cũng đêm ngày chờ đợi phía nhà thầu giải quyết bồi thường. Bà Phạm Thị Dích, nhà gần ngã tư Sông Công cho biết quá trình thi công làm cho nhà bà tự nhiên có nhiều vết nứt, nhất là khu vực bếp, vết rạn nứt rất rõ và sâu, chạy dọc trần nhà từ bên này sang bên kia. Mỗi lần mưa, nước theo đường nứt thấm vào nhà làm cho gian bếp bị dột. Nhà bà có 2 căn nhà, nhà trên nhà dưới cách nhau một đoạn thì cả hai đều bị rạn nứt hết.

Hứa lên hứa xuống cũng bằng thừa!

Ông Hà Văn Đoàn, xóm trưởng xóm Giếng cho biết rút kinh nghiệm từ thực trạng mỏi mòn chờ đợi của các hộ dân trên đường cao tốc, những gia đình bị ảnh hưởng nằm trên trục đường quốc lộ 3 cũ nhất mực không cho đơn vị thi công tiến hành tiếp sau khi tình trạng rạn nứt xuất hiện tràn lan. Nhà nào cũng bị rạn nứt cả. Họ không tin lời phía nhà thầu nữa.

Khi thi công đến nhà nào thì nhà nấy vây lấy lu không cho đầm, và lấy chính mình ra làm chướng ngại vật. Phía chủ đầu tư nhờ chính quyền can thiệp. Và chỉ khi có "lời" của chính quyền, và có được lời cam kết bồi thường cũng như cử đại diện của đơn vị bảo hiểm công trình đến làm việc thì dân mới để cho họ tiếp tục làm. Tuy nhiên, nửa tháng sau chẳng thấy động tĩnh gì.

Bà Dích và vết nứt trong gian nhà bếp của mình..

Đây chính là nguồn gốc dẫn tới sự ra đời của bản cam kết bằng văn bản, có chữ ký, có dấu đỏ. Thông báo này do ông Bùi Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên đứng ra ký, "bảo lãnh" cho phía nhà thầu. Thông báo nêu rõ, trước ngày 10/7 này, chủ đầu tư dự án và đại diện nhà thầu thi công phải hoàn thiện các hồ sơ thiệt hại của nhân dân để chi trả tiền bồi thường. Trước đó, trong cuộc họp giải quyết thắc mắc, khiếu nại của nhân dân xã Hồng Tiến vào ngày 13/4, ông Lương đã đề cập tới vấn đề này rồi.

Thậm chí, ông Lương có hứa nếu sau ngày 10/7, nhà thầu không chi trả tiền cho nhân dân, UBND huyện Phổ Yên có trách nhiệm giải quyết dứt điểm việc chi trả ấy trước ngày 20/7. Tuy nhiên, khi hỏi về cam kết này thì bà Dích lắc đầu, bây giờ đã cuối tháng 6 rồi, hạn định ngày 10/7 gần ngay trước mặt mà chẳng thấy bên nhà thầu nhúc nhích gì, cũng như chẳng thấy ai đến để khảo sát lại một lần nữa hiện trạng của các hộ gia đình tại đây cả. Bà Dích tỏ ra lo lắng, không biết lúc ấy ông Phó Chủ tịch Lương định làm như thế nào?

Trước khi chào về, bà loay hoay tìm và đưa tôi xem Biên bản giám định hiện trường có chữ ký của đại diện đơn vị bảo hiểm PJICO lập ra vào ngày 27/5. Biên bản được lập ra quá sơ sài khi mà phần ý kiến của các bên liên quan gồm người được bảo hiểm và PJICO cùng nhà đồng bảo hiểm bị bỏ trắng.

Được biết, không chỉ làm rạn nứt nhà của dân, sau khi quá trình thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, hệ thống đường gom của đường cao tốc chưa được trải cấp phối; một số tuyến đường gom và đường chui dân sinh của đường cao tốc bị ngập nước khiến người dân không thể đi lại, họ phải tự tạo con đường đi của mình, tiềm ẩn tai nạn giao thông dọc quốc lộ 3 mới.

Đã thế, một số vị trí cống thoát nước cao hơn mặt ruộng đã gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Những điều này cũng đã được phản ánh tại Hội nghị họp bàn, giải quyết những tồn tại trong quá trình thi công, xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào tháng 4 vừa rồi. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải; Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tỉnh; Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng Thái Nguyên); Ban quản lý dự án 2 - Bộ Giao thông - Vận tải; Ban điều hành liên danh gói thầu PK2.

Nội dung hội nghị có chỉ rõ quá trình xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở hạ tầng và đời sống người dân trên địa bàn huyện Phổ Yên và yêu cầu nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ kiểm định chất lượng các công trình của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên, đến nay, những bồi thường cho dân vẫn đang nằm nguyên trên bàn hội nghị và lời hứa suông của phía nhà thầu.

Ông Bùi Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên:

"Hiện nay, dư luận và cả chính quyền huyện cũng đang rất bức xúc trước việc nhà thầu thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - hay còn gọi là đường Quốc lộ 3 mới - gây nên tình trạng rạn nứt nhà của người dân dọc đường. Có tới 195 hộ dân ở 4 xã: Thuận Thành, Tân Phú, Đông Cao, Hồng Tiến bị lún, nứt do quá trình này và Ban Quản lý Dự án 2 phải có trách nhiệm bồi thường… Hồ sơ giải quyết đầy đủ rồi, và đơn vị này cũng đã cam kết sẽ giải quyết rồi, thế nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Còn trục đường quốc lộ 3 cũ với 40 hộ dân ở xã Hồng Tiến bị ảnh hưởng, chúng tôi cũng làm việc với nhà thầu là Ban An toàn giao thông của Bộ nhưng không có gì khả quan. UBND huyện ở giữa, rất khó xử và cũng quá mệt mỏi. Nếu cứ như thế này thì căng lắm. Tôi cũng như đang ngồi trên đống lửa. Nếu qua ngày 10-7 này mà đơn vị ấy chưa giải quyết cho dân, chúng tôi chỉ còn kiến nghị và cầu cứu lên Bộ Giao thông Vận tải mà thôi".

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/phongsu-ghichep/phongsu/2014/7/188345.cand