Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đặt cược tương lai với nhiên liệu điện tử

Các giám đốc điều hành ngành ô tô ở châu Âu cho biết việc sử dụng nhiên liệu điện tử thay thế sẽ là giải pháp cho phép các công ty có thể tiếp tục bán các mẫu động cơ đốt trong trong thập kỷ tới.

Theo một số nhà sản xuất ô tô, cái gọi là nhiên liệu điện tử sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của ngành ô tô châu Âu vì họ tin rằng sự nhượng bộ từ Brussels về nhiên liệu thay thế sẽ cho phép họ tiếp tục bán động cơ đốt trong.

Dưới áp lực từ Đức và Ý, Ủy ban Châu Âu cho biết ô tô chạy bằng nhiên liệu sử dụng carbon thu được từ khí quyển có thể được miễn lệnh cấm từ năm 2035.

Phát biểu bên lề triển lãm ô tô Munich 2023 đang diễn ra tại Đức, các giám đốc điều hành của BMW, Renault và Mercedes-Benz cho biết nhiên liệu điện tử vốn chưa khả thi về mặt thương mại, là một giải pháp thực tế trong nỗ lực cắt giảm khí thải.

Mercedes-Benz trước đó đã công bố “tham vọng” ngừng bán động cơ đốt trong khi điều kiện thị trường cho phép vào cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành của công ty có trụ sở tại Stuttgart, Ola Källenius, nói với rằng họ không đặt “ngày dừng cuối cùng” cho động cơ đốt trong. Công ty đã “sẵn sàng” bán ô tô chạy hoàn toàn bằng điện khi khách hàng yêu cầu nhưng muốn duy trì “sự linh hoạt về mặt chiến thuật” cho đến khi đạt được mục tiêu trung hòa hoàn toàn carbon vào năm 2039.

Ông Ola Källenius nói: “Đây là một hành trình kéo dài nhiều năm và kế hoạch sản xuất của chúng tôi rất linh hoạt, vì vậy chúng tôi có thể linh hoạt giữa điện và động cơ đốt trong”.

Nhiều giám đốc điều hành ngành đã lập luận rằng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn sẽ là điều cần thiết để giảm lượng khí thải từ ô tô cũ trong tương lai, nhưng các nhà phê bình lo ngại chúng sẽ trì hoãn kế hoạch loại bỏ dần động cơ đốt trong của EU vào năm 2035. Nhóm vận động xe điện Giao thông & Môi trường đã kêu gọi miễn trừ nhiên liệu điện tử, một “con ngựa thành Troy” đối với nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà sản xuất xe điện tại triển lãm ô tô cũng chỉ trích các công ty hỗ trợ nhượng bộ cho ô tô chạy bằng nhiên liệu điện tử.

Thomas Ingenlath, giám đốc điều hành của thương hiệu xe điện Polestar, nhận định: “Một năm trước, chúng tôi đã vượt qua điều này và bây giờ chúng tôi quay lại cuộc thảo luận có phần ngớ ngẩn về việc liệu phương tiện di chuyển bằng điện có thực sự quan trọng hay không. Bạn càng thảo luận về nó lâu, bạn sẽ càng mất đi cơ hội thực sự vẫn còn phù hợp trong tương lai”.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse cho biết Berlin sẽ "không bao giờ đồng ý" với kế hoạch của EU nhằm loại bỏ hoàn toàn ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mà không bao gồm việc miễn trừ nhiên liệu điện tử.

Ông cũng đặt câu hỏi liệu EU có cấm bán ô tô động cơ đốt mới vào năm 2035 hay không, đồng thời chỉ ra kế hoạch xem xét tiến độ với những thách thức như triển khai cơ sở hạ tầng sạc trên toàn EU và đảm bảo nguyên liệu pin thô vào năm 2026. “Đừng xem xét lại nếu các nhà lập pháp chắc chắn rằng mọi thứ đều ổn”, Zipse nói.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của BMW cảnh báo lệnh cấm động cơ đốt trong của EU đang gây ra cuộc chiến giá cả với các đối thủ Trung Quốc.

Giám đốc công nghệ của Renault, Gilles Le Borgne, nói việc nhượng bộ về nhiên liệu điện tử có thể “mở ra cơ hội” sử dụng lâu hơn cho các mẫu xe hybrid của hãng sản xuất ô tô Pháp trong tương lai và kêu gọi các cơ quan quản lý duy trì “trung lập về công nghệ” khi đặt ra các quy tắc.

“Chúng ta cần phải cởi mở về công nghệ, chúng ta không được áp đặt công nghệ. Đó sẽ là một thảm họa”, Gilles Le Borgne nói.

Ông nói thêm rằng nhiên liệu điện tử nên được sử dụng trên các phương tiện cũ để giúp giảm lượng khí thải. Le Borgne cho biết: “Đây là cách duy nhất để khắc phục đội xe hiện tại. Nếu bạn không có nhiên liệu điện tử, bạn sẽ không bao giờ sửa chữa được đội xe hiện tại”.

Công nghệ đằng sau các loại nhiên liệu thay thế như e-methane hoặc e-kerosene, được sản xuất bằng CO₂ thu được và hydro được sản xuất từ điện tái tạo hoặc điện có hàm lượng carbon thấp, vẫn đang ở giai đoạn đầu.

Trước đó, Giám đốc điều hành của BMW cảnh báo rằng kế hoạch cấm xe sử dụng động cơ đốt trong của EU đang đẩy các nhà sản xuất ô tô giá rẻ của châu Âu vào một cuộc chiến giá cả với các đối thủ Trung Quốc mà họ khó có thể giành chiến thắng.

Oliver Zipse cho biết: “Phân khúc thị trường ô tô cơ sở sẽ biến mất hoặc sẽ không được các nhà sản xuất châu Âu thực hiện”, đồng thời chỉ ra tham vọng ngày càng tăng của các thương hiệu ô tô Trung Quốc như BYD, chuyên về xe điện.

Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới - trong 15 năm qua đã xây dựng ngành công nghiệp xe điện, chiếm phần lớn chuỗi cung ứng pin của thế giới và hiện đang cố gắng thâm nhập thị trường châu Âu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại quê nhà.

Kế hoạch của EU loại bỏ dần các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 đã bị ngành công nghiệp ô tô trong khu vực chỉ trích, nơi gián tiếp sử dụng gần 14 triệu người. Các mối lo ngại bao gồm từ việc thiếu khả năng tiếp cận các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất pin ô tô cho đến việc triển khai cơ sở hạ tầng sạc chậm.

Zipse cũng đặt câu hỏi liệu thời hạn của khối có thể được đáp ứng hay không. Khi đồng tình với việc xem xét luật về xe điện tử của EU dự kiến vào năm 2026, ông lập luận rằng cơ sở hạ tầng sạc của châu Âu vẫn “thấp hơn nhiều so với mong đợi” và có những quốc gia họ không phát triển được gì cả.

“Tôi không lo lắng về BMW”, ông nói và cho biết thêm rằng công ty không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá cả đang làm giảm lợi nhuận của nhiều nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc.

BMW, dưới sự chỉ đạo của Zipse, cũng đã trở thành người ủng hộ tương đối đơn độc cho ô tô chạy bằng hydro như một giải pháp thay thế cho các phương tiện chạy bằng pin và tuyên bố sẽ tiếp tục bán ô tô có động cơ đốt ngoài châu Âu.

“Nếu bạn muốn trở thành một người tham gia vào thị trường ô tô toàn cầu, bạn phải sử dụng tất cả các công nghệ, nếu không thì bạn sẽ không có cơ hội”, Zipse cho biết khi công ty giới thiệu nguyên mẫu cho dòng xe điện Neue Klasse của mình.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/cac-nha-san-xuat-o-to-chau-au-dat-cuoc-tuong-lai-voi-nhien-lieu-dien-tu.htm