Các nhà sản xuất của Ấn Độ nhắm đến xe tải điện để giảm ô nhiễm

Để đạt các mục tiêu khí hậu, Ấn Độ, nước có nhiều thành phố ô nhiễm, cần đội xe thương mại xanh hơn để hạn chế lượng khí thải từ đội xe tải hiện nay, vốn chiếm 1/3 lượng khói xe bẩn của đất nước. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất xe tải trong nước nhắm đến các mẫu xe chạy điện để nắm bắt cơ hội.

Hãng xe Tata Motors của Ấn Độ giới thiệu mẫu xe tải điện Ultra E.9 tại một cuộc triển lãm ô tô hồi đầu năm nay. Ảnh: drivespark.com

Ashok Leyland, nhà sản xuất xe tải lớn thứ tư châu Á, có trụ sở tại Chennai (Ấn Độ), đang chuẩn bị tung ra thị trường các mẫu xe tải chạy điện.

“Bạn sẽ bắt đầu thấy, trong vòng 6-12 tháng tới, những chiếc tải điện đầu tiên của chúng tôi sẽ có mặt trên thị trường”, N. Saravanan, Giám đốc công nghệ của Ashok Leyland, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Tháng trước, Ashok Leyland công bố kế hoạch sản xuất xe tải điện tự hành hoạt động ở các cảng của Ấn Độ. Công ty cũng hợp tác với hai tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ, Adani Enterprises và Reliance Industries, để ra mắt mẫu xe chạy bằng pin nhiên liệu hydrogen. Công ty đang đầu tư 12 tỉ rupee (146 triệu đô la) vào công ty con Switch Mobility, chuyên sản xuất xe bus và xe thương mại chạy điện.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, phụ thuộc vào đường bộ để vận chuyển 70% hàng hóa. Với tốc độ đô thị hóa và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, số lượng xe tải cần thiết ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng hơn gấp bốn lần vào năm 2050. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về khí hậu do lượng khí thải khổng lồ từ đội xe tải này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang các phương tiện sạch hơn sẽ không dễ dàng. Giá xe tải điện cao hơn nhiều so với xe tải vận hàng bằng động cơ diesel. Ngoài ra, tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện cũng là trở ngại lớn, đặc biệt đối với các công ty điều hành đội xe nhỏ, đang sở hữu hầu hết xe tải của Ấn Độ.

“Xe tải chạy bằng nhiên liệu diesel chiếm một tỷ lệ lớn khí thải gây biến đổi khí hậu”, Samhita Shiledar, giám đốc chương trình Ấn Độ của Viện Rocky Mountain (RMI), tổ chức tư vấn năng lượng sạch, có trụ ở sở bang Colorado (Mỹ), nói.

Vì vậy, ông cho rằng cơ hội là rất lớn vì vận tải đường bộ là lĩnh vực cần khử carbon lớn nhất mà Ấn Độ hiện có, để đáp ứng các mục tiêu khí hậu.

Ấn Độ đã cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức zero ròng vào năm 2070. Nước này cũng cam kết giảm 45% cường độ phát thải trong GDP vào năm 2030. Theo RMI, việc đưa xe tải điện vào sử dụng rộng rãi sẽ giúp giảm gần một nửa lượng khí thải carbon trong lĩnh vực vận tải đường bộ của Ấn Độ mỗi năm vào năm 2050.

Nhà sản xuất xe tải lớn nhất Ấn Độ, Tata Motors, đã giới thiệu một mẫu xe tải điện nhỏ ra thị trường. Hồi tháng 1, công ty công bố một số mẫu xe điện có tầm hoạt động xa hơn. Các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ như InfraPrime Logistics, Olectra Greentech và Triton EV đều đã thông báo rằng họ đang phát triển các mẫu xe tải điện.

Tuy nhiên, thị trường xe tải điện hiện tại còn quá nhỏ so với tiềm năng. Ấn Độ chỉ mới khởi động một dự án thí điểm cho các xe tải chạy bằng nhiên liệu hydrogen xanh trong thời gian gần đây. Ấn Độ cũng chỉ có một số trữ lượng hạn chế của các khoáng sản cần thiết để đáp ứng nhu cầu về pin.

Hơn nữa, đất nước rộng lớn này chỉ có một trạm sạc cho mỗi 135 xe điện, trong khi mức trung bình toàn cầu là một trạm sạc cho khoảng 20 xe điện. Ấn Độ vẫn chưa thiết lập công nghệ sạc tiêu chuẩn và hầu hết cơ sở hạ tầng trạm sạc ở nước này phục vụ cho xe điện hai bánh và ba bánh. Vì vậy, có thể sẽ mất một thời gian trước khi các tài xế xe tải sẵn sàng từ bỏ phương tiện chạy bằng nhiên liệu diesel của họ để chuyển sang sử dụng xe tải điện.

Chi phí đầu tư cho một chiếc xe tải điện cũng cao hơn một chiếc xe tải động cơ diesel, dù chi phí vận hành thấp hơn. Đây là yếu tố ngăn cản nhu cầu tiềm năng. Do đó, các nhà sản xuất ở Ấn Độ có thể cần tìm kiếm những cách mới để bán các mẫu xe tải điện của họ.

“Thị trường xe tải điện đang phát triển từ các mô hình hoàn toàn dựa trên quyền sở hữu sang cho thuê và tài trợ”, Rahul Mishra, đối tác của hãng ty tư vấn toàn cầu Kearney, nói.

Để vượt qua những rào cản đó, các nhà sản xuất cần đầu tư nhiều hơn, nhưng họ chỉ làm như vậy nếu nhu cầu xe tải điện tăng lên.

“Điều này gần giống như vấn đề con gà và quả trứng. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp của chính phủ, các yêu cầu bắt buộc về phát triển bền vững của doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để thúc đẩy nhu cầu xe tải điện”, Maynie Yun Ling Yang, nhà phân tích vận tải thương mại của của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF), nói

Ấn Độ là một trong những nước có doanh số xe tải lớn được dự báo tăng mạnh nhất trên toàn cầu trong giai đoạn 2023-2040, theo BNEF. Ấn Độ đã thiết lập chương trình trợ cấp 100 tỉ rupee để thúc đẩy phổ cập xe hai và ba bánh, xe hơi và xe buýt điện. Các bang của Ấn Độ cũng có các chính sách hỗ trợ xe điện. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn trợ cấp nào liên quan đến xe tải điện.

Các tổ chức như Hội đồng Giao thông sạch quốc tế (ICCT) đang kêu gọi thay đổi.

“Thế giới đang chứng kiến sự chuyển đổi khỏi xe động cơ đốt trong. Nhưng bạn cần ai đó để kích thích nhu cầu. Cơ quan tốt nhất để làm điều này là chính phủ”, Amit Bhatt, người đứng đầu ICCT Ấn Độ, nói.

Bhatt đề xuất chính phủ Ấn Độ tập trung các trợ cấp dành cho hoạt động vận tải đường bộ để cải thiện chất lượng không khí. Ông cũng cho rằng New Delhi cần khuyến khích triển khai cơ sở hạ tầng sạc công suất cao và và miễn một số loại thuế đánh vào các công ty sản xuất và vận hành xe tải điện.

Chi phí công nghệ giảm và sự hỗ trợ của chính phủ báo hiệu doanh số xe tải sạch ở Ấn Độ sẽ mở rộng nhanh chóng trong những năm tới.

Hôm 19-7, 15 công ty bao gồm Amazon.com, Nestle và Tập đoàn Aditya Birla của Ấn Độ đồng ý tham gia một sáng kiến thúc đẩy điện hóa đội xe tải của Ấn Độ. Họ đã công bố một số dự án thí điểm và dự báo nhu cầu xe tải điện của Ấn Độ sẽ hơn 7.700 chiếc vào năm 2030.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-nha-san-xuat-cua-an-do-nham-den-xe-tai-dien-de-giam-o-nhiem/