Các nhà máy giết mổ heo công nghiệp ở TP.HCM đã 'bấm nút'

Đóng các cơ sở giết mổ gia súc thủ công, đưa nhà máy giết mổ công nghiệp vào hoạt động là định hướng đúng đắn để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Ngày 30-3, Sở NN&PTNT TP.HCM có báo cáo tiến độ xây dựng và công tác triển khai thực hiện giết mổ gia súc tại các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Theo báo cáo, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ để chính thức hoạt động vào ngày 1-4 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Tháo gỡ những vướng mắc

Báo cáo cho thấy TP.HCM hiện có 5 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, gồm: Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng thuộc Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn; nhà máy giết mổ An Hạ thuộc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ; nhà máy giết mổ thuộc VISSAN; nhà máy giết mổ thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên và nhà máy giết mổ thuộc Công ty TNHH thực phẩm Lộc An.

Để các nhà máy giết mổ công nghiệp hoạt động đúng tiến độ, Sở NN&PTNT đề xuất UBND TP.HCM cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết những kiến nghị trước mắt của các nhà máy. Sau đó, các nhà máy sẽ bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện dần trong quá trình hoạt động.

Heo được gây ngất bằng hệ thống tự động trên dây chuyền giết mổ công nghiệp. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đối với nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, giải quyết cho hoạt động 5 dây chuyền tại xưởng số 1 trong thời gian khắc phục, hoàn chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của dây chuyền giết mổ công nghiệp. Kiến nghị này sau đó được UBND TP.HCM chấp thuận.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn, cho biết nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng có 2 xưởng. Xưởng số 2 có 1 dây chuyền giết mổ công nghiệp hoàn chỉnh và xưởng số 1 có 5 dây chuyền giết mổ công nghiệp.

“Do trong giai đoạn chuyển tiếp từ giết mổ thủ công sang giết mổ công nghiệp nên việc bố trí, lắp đặt thiết bị 5 dây chuyền giết mổ công nghiệp ở xưởng số 1 chưa hoàn chỉnh tính đồng bộ. Cụ thể công nhân đứng trong ô chuồng sử dụng kẹp điện bằng tay để gây ngất heo và công nhân sử dụng dao để chẻ thân thịt” – ông Liêm cho biết thêm.

Theo ông Liêm, trong tháng 7-2023, nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng sẽ lắp đặt hoàn chỉnh 5 hệ thống gây ngất heo. Tới tháng 10-2023, nhà máy này cũng sẽ bố trí, thiết kế và sử dụng cưa máy để chẻ thân thịt tại 5 dây chuyền này.

Thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm

Có ý kiến cho rằng vì sao không để 5 dây chuyền của nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng hoàn chỉnh rồi hãy đưa vào hoạt động?

“Đóng tất cả cơ sở giết mổ gia súc thủ công, đưa nhà máy giết mổ công nghiệp vào hoạt động là định hướng đúng đắn của lãnh đạo TP.HCM để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Trải qua nhiều giai đoạn, nhiều năm, đến thời điểm hiện tại giết mổ công nghiệp chính thức hoạt động. Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành trục trặc khâu nào giải quyết ngay khâu đó, không để hoạt động ngưng trệ” - ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, chia sẻ.

Đề cập đến nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng, ông Hiệp cho biết từ ngày 1-4, toàn bộ dây chuyền giết mổ thủ công nơi đây chuyển qua giết mổ công nghiệp. “Cũng như những nhà máy giết mổ công nghiệp khác, nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng không thể tránh khỏi những chệch choạc khi đưa 5 dây chuyền giết mổ công nghiệp mới vào hoạt động. Ít nhất 3-4 tháng sau, 5 dây chuyền này vận hành mới trơn tru” – ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, nhà máy khác nhập nguyên dây chuyền giết mổ công nghiệp nên có cả hệ thống gây ngất heo từng con. Còn ở nhà máy Xuân Thới Thượng, do dây chuyền giết mổ được lắp ráp từng thiết bị nên chưa hoàn thiện hệ thống gây ngất heo từng con mà phải sử dụng kẹp điện bằng tay để gây ngất heo.

“Dây chuyền giết mổ công nghiệp của các nhà máy khác, khi tới khu vực chẻ thân thịt thì heo dừng lại, Lúc này, một công nhân cầm cưa máy chẻ heo thành 2 mảnh. Riêng nhà máy Xuân Thới Thượng, do heo chạy liên tục, không dừng nên công nhân không thể sử dụng cưa máy mà phải dùng dao để chẻ thân thịt” – ông Hiệp nói thêm.

Ông Hiệp cho rằng dù sử dụng kẹp điện bằng tay để gây ngất heo và dùng dào chẻ thân thịt nhưng heo vẫn được vận hành trên dây chuyền giết mổ công nghiệp nên luôn đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Để dây chuyền giết mổ công nghiệp hoàn chỉnh, đồng bộ, Sở NN&PTNT TP.HCM yêu cầu nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng sớm lắp đặt hệ thống gây ngất heo từng con và lắp ráp thiết bị dừng heo để sử dụng cưa máy chẻ heo.

“Hiện nay, Xuân Thới Thượng và An Hạ là 2 nhà máy giết mổ công nghiệp chủ lực của TP.HCM, mỗi ngày đưa ra thị trường hơn 50% lượng heo. Nếu chở 5 dây chuyền giết mổ công nghiệp của nhà máy Xuân Thới Thượng hoàn chỉnh, đồng bộ mới cho hoạt động thì số lượng heo giết mổ thủ công ở tỉnh đưa vào TP.HCM không nhỏ. Điều này ảnh hưởng tới định hướng hoạt động giết mổ heo công nghiệp của TP.HCM” – ông Hiệp nêu quan điểm.

Ông Hiệp thông tin thêm, TP.HCM hiện chỉ còn 1 cơ sở giết mổ gia súc thủ công ở huyện Cần Giờ. Cơ sở này mỗi ngày giết mổ bình quận 15-20 con heo để phục vụ người dân sinh sống ở huyện này.

TRẦN NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-nha-may-giet-mo-heo-cong-nghiep-o-tphcm-da-bam-nut-post730947.html