Các nhà lãnh đạo quan ngại tình hình biển Đông

Ngày 27/11 tại Madagascar, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo thành viên Cộng đồng Pháp ngữ tham dự lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16. Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: People’s Daily Online

Qua hai ngày Hội nghị, các nhà lãnh đạo Cộng đồng Pháp ngữ đã thảo luận nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và phát triển có trách nhiệm, qua đó góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định trong không gian Pháp ngữ và trên thế giới. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đề ra những biện pháp cụ thể thúc đẩy việc triển khai Khung chiến lược hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2015 - 2022, Chiến lược thanh niên Pháp ngữ và Chiến lược kinh tế Pháp ngữ, trong đó chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ và thanh niên. Hội nghị đã đồng ý kết nạp New Caledonia (Pháp) làm thành viên liên kết và Argentina, Hàn Quốc và Ontario (Canada) làm quan sát viên, nâng tổng số thành viên và quan sát viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ từ 80 lên 84.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố Antananarivo và 13 nghị quyết, đề ra nhiều biện pháp định hướng cho các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ thời gian tới trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, chống khủng bố, đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, giáo dục, hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, thúc đẩy đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, y tế, năng lượng...

Đáng chú ý, trong các văn kiện Hội nghị, các nhà lãnh đạo đề nghị Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tăng cường nỗ lực hỗ trợ ngăn ngừa và giải quyết khủng hoảng, xung đột, xây dựng, củng cố hòa bình, thúc đẩy sự tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông và tính đến những diễn tiến gần đây trong khu vực, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; hoan nghênh các nỗ lực nhằm góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.

Tiếp xúc song phương

Chiều 27/11 (giờ Madagascar), bên lề Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Wallonie - Bruselles Rudy Demotte, Trưởng đoàn Ai Cập Ibrahim Mahlab. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Wallonie - Bruselles của Bỉ, hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ nói chung và với vùng Wallonie - Bruselles nói riêng, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, y học, môi trường, bảo tồn tại Việt Nam. Tại cuộc gặp với Trưởng đoàn Ai Cập, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ai Cập hỗ trợ Việt Nam thành lập Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam để cấp chứng chỉ tiêu chuẩn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường Hồi giáo.

Ngày 26/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có một loạt hoạt động tiếp xúc song phương với các nguyên thủ, lãnh đạo và trưởng đoàn các nước thành viên của Tổ chức Pháp ngữ, bao gồm Pháp, Thụy Sĩ, Côte d’Ivoire, Senegal, Cộng hòa Chad, Mauritius, Cameroon, Serbia. Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande, hai bên nhất trí sẽ cùng nhau phối hợp thúc đẩy các ưu tiên của cộng đồng Pháp ngữ trong thời gian tới. Tại cuộc gặp với Tổng thống Senegal Macky Sall, lãnh đạo hai nước cho rằng, Việt Nam và Senegal có rất nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, thủy sản…

Thái An

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/cac-nha-lanh-dao-quan-ngai-tinh-hinh-bien-dong-1077981.tpo