Các nhà đầu tư Thung lũng Silicon giữ hơn 300 tỷ USD tiền mặt thay vì tài trợ khởi nghiệp

Các nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon chọn 'ngồi trên' đống tiền mặt thay vì đặt cược đẩy rủi ro vào các công ty khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay…

Các nhà đầu tư Thung lũng Silicon giữ hơn 300 tỷ USD tiền mặt thay vì tài trợ khởi nghiệp

Các nhà đầu tư mạo hiểm Hoa Kỳ hiện vẫn giữ 311 tỷ USD tiền mặt và đang tập trung tìm cách hoàn vốn cho những nhà đầu tư của họ. Theo công ty dữ liệu thị trường tư nhân PitchBook, các nhóm VC của Mỹ mới chỉ triển khai một nửa trong số vốn kỷ lục 435 tỷ USD mà họ huy động trong thời kỳ bùng nổ đại dịch từ năm 2020 đến năm 2022.

Lượng vốn các quỹ VC huy động chưa được chi tiêu, nguồn: Pitchbook

Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã huy động được một lượng tiền mặt chưa từng có trong đại dịch. Andreessen Horowitz đã huy động được 4,5 tỷ USD nhằm đầu tư vào các công ty trong thị trường tiền điện tử; Quỹ tiền điện tử mới của đối tác cũ của Andreessen, Katie Haun, đã huy động được 1,5 tỷ USD; Tiger Global Management đã huy động đến 12,7 tỷ USD trong một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất từ trước đến nay.

Hiện nay, trọng trong bối cảnh định giá các công ty khởi nghiệp giảm, hầu hết các công ty mạo hiểm đều áp dụng quan điểm đầu tư thận, họ tìm cách hỗ trợ các nhóm công nghệ lâu đời hơn. hoặc chỉ hỗ trợ danh mục đầu tư hiện tại của các công ty.

Ibrahim Ajami, người đứng đầu liên doanh tại Mubadala Capital, một phần của quỹ đầu tư quốc gia Mubadala Investment Company trị giá 276 tỷ USD tại Abu Dhabi, cho biết: “Chắc chắn là các quỹ VC đang dự trữ lượng lớn tiền mặt, nhưng có vẻ như thế giới sẽ không lại tràn ngập tiền VC”.

Ông Ajami nói thêm rằng rất nhiều “bột khô” sẽ được sử dụng để “dọn dẹp mớ hỗn độn” được tạo ra trong thời kỳ lãi suất cực thấp và khi lãi suất tăng đã khiến các công ty khởi nghiệp phải chịu chi phí cao hơn.

ÁP LỰC HOÀN VỐN CHO CÁC LP

Theo Financial Times, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang phải chịu áp lực trong việc hoàn trả vốn cho các “đối tác hữu hạn’ của họ, bao gồm các tổ chức, quỹ và quỹ hưu trí.

LP (đối tác hữu hạn) của quỹ VC thường nhận được tiền lãi khi các quỹ cũng thành công giúp công ty khởi nghiệp được bán hoặc được niêm yết công khai. Tuy nhiên, vì có rất ít các startup có thể thoái vốn vào năm ngoái, các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ cũng chỉ phân phối lại 21 tỷ USD cho LP của họ vào năm ngoái – bằng 1/7 tổng số tiền được thanh toán vào năm 2021, theo PitchBook.

Một nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon cho biết: “Các LP thường không thích gây áp lực buộc các quỹ đầu tư mạo hiểm phải hoàn tiền nhanh, nhưng nếu tiếp tục bước vào năm thứ ba không làm gì cả, họ đương nhiên sẽ yêu cầu các quỹ phải đưa ra con số cụ thể và thực hiện trách nhiệm”.

Hầu hết các VC đều đang tính phí quản lý LP bất kể họ có đầu tư hay không, nhưng Sequoia Capital, một trong những quỹ VC công nghệ hàng đầu, đã bắt đầu miễn khoản phí này với những đối tác hữu hạn có nguồn vốn chưa được dùng đến cho các quỹ của họ.

CÁC QUỸ VC TÌM CÁCH HOÀN VỐN

Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang tung ra các phương tiện đầu tư mới được gọi là “Quỹ tiếp tục” (continuation funds) nhằm giải phóng tiền mặt hiện có mà không cần thoái vốn theo cách truyền thống.

Người đứng đầu bộ phận đầu tư tại một quỹ tài trợ lớn giấu tên cho biết trong cuộc trao đổi với Financial Times rằng ông muốn các quỹ đầu tư mạo hiểm mà ông đã ủng hộ, bao gồm một số tên tuổi lớn nhất ở Thung lũng Silicon, trả lại một số tiền mà LP đã cam kết thay vì ngồi đó lâu hơn.

Ông nói: “Trong vụ sụp đổ bong bóng công nghệ đầu tiên năm 2000, có một số quỹ đã cắt giảm đáng kể quy mô quỹ của mình. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy điều đó, các công ty mạo hiểm cắt giảm quy mô quỹ của họ và chịu trách nhiệm về các cam kết với nhà đầu tư. Đó sẽ là một kết quả thực sự tốt”.

THIẾU VỐN SẼ NHẤN CHÌM HÀNG LOẠT STARTUP

Khi các quỹ đầu tư mạo hiểm hạn chế chi tiêu, cùng với đó, các công ty non trẻ không có con đường rõ ràng để kiếm lợi nhuận hoặc lối thoát sinh lời sẽ phải đối mặt với việc bị cắt giảm mạnh về định giá và có khả năng thất bại.

Theo PitchBook, số công ty khởi nghiệp sụp đổ đã tăng gấp đôi trong năm qua. Các công ty từng có giá trị hơn 1 tỷ USD bao gồm Hopin và Convoy là hai trong số “các nạn nhân”.

Nigel Dawn, người đứng đầu toàn cầu về tư vấn vốn tư nhân tại ngân hàng đầu tư Evercore cho biết. “Các công ty danh mục đầu tư trong các quỹ đầu tư mạo hiểm đang chứng kiến rõ nhất những khó khăn khi tiền mặt bị siết chặt hơn bao giờ hết. Việc các startup có thể tăng trưởng và phát triển một cách đơn giản mà không cần lợi nhuận trong giai đoạn đầu vì tiền luôn ở đó đã không còn nữa”.

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-nha-dau-tu-thung-lung-silicon-giu-hon-300-ty-usd-tien-mat-thay-vi-tai-tro-khoi-nghiep.htm