Các ngân hàng Trung Quốc đồng loạt hạ lãi suất vì tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn của Trung Quốc vừa có đợt giảm mạnh lãi suất tiền gửi, làm dấy lên hy vọng rằng động thái này sẽ mở rộng dư địa để ngân hàng trung ương hạ lãi suất cho vay vào đầu năm tới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin Bloomberg, vào hôm thứ Sáu vừa rồi, 5 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc hạ lãi suất đối với một loạt sản phẩm bao gồm tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

Đây là đợt giảm lãi suất thứ ba của các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn của Trung Quốc trong năm nay, sau các đợt giảm vào tháng 6 và tháng 9. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm và 2 năm giảm tương ứng 0,1 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm, còn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 năm và 5 năm giảm 0,25 điểm phần trăm. Sau khi điều chỉnh, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm còn 1,45% từ 1,55% trước đó.

Việc giảm lãi suất này giúp làm giảm chi phí vốn đối với các ngân hàng, giúp cải thiện biên lợi nhuận vốn đương đầu với áp lực giảm trong bối cảnh lượng tiền tiết kiệm của các hộ gia đình tăng mạnh và Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục cho vay đối với ngành bất động sản đang ngập trong nợ và các chính quyền địa phương kẹt tiền. Giảm lãi suất cũng mở đường cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà không gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tài chính của các ngân hàng thương mại.

“Đây là một bước đi đúng hướng. Lãi suất ở Trung Quốc đang quá cao xét tới áp lực giảm phát mà nước này đối mặt. Tôi dự báo lãi suất chính sách sẽ giảm trong nửa đầu của năm 2024”, nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management nhận định.

Sau đợt giảm hồi tháng 8, PBOC đã duy trì lãi suất chính sách suốt 4 tháng liên tiếp. Giới chuyên gia dự báo PBOC sẽ có đợt hạ lãi suất tiếp theo sớm nhất vào tháng 1 này, bởi áp lực mất giá đối với đồng Nhân dân tệ đã giảm bớt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, tạo dư địa cho Trung Quốc đẩy mạnh việc nới lỏng.

Công ty Tianfeng Securities dự báo PBCO sẽ giảm lãi suất chính sách 0,1 điểm phần trăm vào tháng 1. Nomura Holdings dự báo mức giảm 0,15 điểm phần trăm mỗi đợt vào tháng 1 và tháng 4.

Ông Zhang cho rằng ngoài hạ lãi suất, PBOC có thể giảm cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Ông dự báo việc giảm RRR có thể diễn ra trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2. Giảm RRR sẽ giải phóng một lượng vốn dài hạn để các ngân hàng tăng cường cho vay và mua thêm trái phiếu chính phủ khi chính quyền tăng phát hành trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế.

Nhà kinh tế trưởng Bruce Pang của Jones Lang LaSalle nhận định PBOC có thể giảm RRR vào tháng 1. Ông cho rằng nhà chức trách sẽ tìm cách “bình ổn biên lãi suất ròng của các ngân hàng để các ngân hàng có thể phục vụ nền kinh tế một cách bền vững hơn, trước khi yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay”.

Việc Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các ngân hàng lớn hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản gặp khó đã làm gia tăng thách thức đối với hệ thống ngân hàng quy mô 57 nghìn tỷ USD của nước này. Biên lãi suất ròng của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,73% vào tháng 8 vừa qua, thấp hơn so với ngưỡng 1,8% cần thiết để duy trì mức lợi nhuận phù hợp. Nợ xấu tăng lên mức cao mới, và chuỗi năm tăng trưởng doanh thu kể từ năm 2017 tại một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn có thể đứt đoạn trong năm nay.

Số liệu thống kê về kinh tế Trung Quốc tháng 11 cho thấy sự phục hồi kinh tế vẫn đương đầu với sức ép từ nhu cầu yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Lãi suất tiền gửi giảm có thể mở ra dư địa để các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi thấp hơn cũng có thể khuyến khích các hộ gia đình giảm bớt việc gửi tiết kiệm, thay vào đó đầu tư và tiêu dùng nhiều hơn.

Các hộ gia đình Trung Quốc đã tăng tỷ trọng tiền tiết kiệm trong thu nhập của họ trong suốt thời gian đại dịch, khiến lượng tiền tiết kiệm mới tăng thêm tới 80% trong năm 2022. Họ cũng dịch chuyển tài sản tài chính sang gửi tiết kiệm ngân hàng, khiến kết quả đầu tư của các quỹ đầu tư chuyên mua-bán cổ phiếu và trái phiếu cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng mạnh.

Áp lực lợi nhuận đeo đẳng đối với các ngân hàng đồng nghĩa lãi suất cho vay khó có thể giảm nhiều. Nhà kinh tế trưởng Ming Ming của Citic Securities ước tính đợt giảm lãi suất tiền gửi mới nhất sẽ giảm chi phí về tiền gửi đối với các ngân hàng thương mại bình quân từ 0,03-0,05 điểm phần trăm. Điều này có nghĩa là mức độ giảm của lãi suất cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm - lãi suất tham chiếu của các khoản vay thế chấp nhà - sẽ chỉ ở mức hạn chế.

Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang đương đầu với niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh ở mức thấp, nhu cầu suy yếu và ngành bất động sản tiếp tục chìm trong khủng hoảng, cũng như môi trường địa chính trị có nhiều biến động. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng hiệu ứng tích cực của việc nới lỏng chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Trung Quốc đang giảm dần.

“Chỉ riêng cắt giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ không đủ để thổi một luồng sinh khí vào nền kinh tế đang suy yếu”, một báo cáo của ngân hàng Nomur nhận định.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-ngan-hang-trung-quoc-dong-loat-ha-lai-suat-vi-tang-truong-kinh-te-giam-toc.htm