Các ngân hàng gỡ khó trong huy động tiền gửi

Dịch Covid-19 đang tác động xấu đến hầu hết ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, trong đó ngành ngân hàng không ngoại lệ. Chia sẻ từ phía các ngân hàng, huy động tiền gửi thời điểm này gặp khó bởi nhiều lý do.

Nhiều thời điểm Agribank khó huy động tiền gửi.

Nhiều thời điểm Agribank khó huy động tiền gửi.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những ngân hàng thương mại đang gặp khó trong huy động tiền gửi trên địa bàn Lào Cai. Trong 7 tháng qua, huy động tiền gửi có kỳ hạn với ngân hàng tăng trưởng không đáng kể. Nguyên nhân là dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các tổ chức, cá nhân gặp khó, dòng tiền nhàn rỗi không nhiều dẫn đến khó huy động tiền gửi. Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng phải giảm lãi suất tiền gửi chỉ còn 6,5%/năm. Mức lãi suất này bất lợi cho ngân hàng trong huy động tiền gửi. Ông Ngô Đức Cường, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Lào Cai cho biết, để thu hút dòng tiền gửi, đơn vị đang triển khai nhiều chương trình tri ân khách hàng, quay số trúng thưởng nhằm kích thích dòng vốn quan trọng này.

Liên tục đưa ra các chương trình tri ân hấp dẫn, quay số dự thưởng tiết kiệm, trúng SH, thậm chí trúng vàng 9999 là cách mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Lào Cai đang triển khai để huy động tiền gửi. Các giải pháp mà ngân hàng đưa ra như áp dụng linh hoạt hình thức huy động với hạn gửi phong phú; truyền thông, quảng bá sản phẩm tiền gửi tiết kiệm; vận động khách hàng sử dụng các sản phẩm tiện ích mới gắn với gửi tiền tiết kiệm... Kết quả đến hết tháng 7/2020, tổng nguồn vốn huy động tại Agribank Lào Cai đạt hơn 7.400 tỷ đồng (tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước), trong đó tiền gửi dân cư đạt hơn 6.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng này chưa được như kỳ vọng của Agribank.

Theo ông Nguyễn Đình Hải, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Lào Cai, ngân hàng đang gặp phải áp lực cạnh tranh với các ngân hàng khác tại khu vực thành phố và các huyện, thị xã. Thậm chí, một số ngân hàng không thực hiện cho vay tại địa bàn nông thôn lại áp dụng lãi suất huy động cao hơn Agribank đối với một số kỳ hạn khiến đơn vị gặp khó trong huy động tiền gửi dân cư khu vực nông thôn.

Huy động tiền gửi đang là áp lực lớn đối với những nhân viên ngân hàng. Các chỉ tiêu huy động hầu như không thể hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2020. Chị L.H.N., nhân viên một ngân hàng thương mại chia sẻ: Thời điểm này, với nhân viên ngân hàng rất căng thẳng bởi áp lực chỉ tiêu huy động tiền gửi. Với mặt bằng lãi suất chung như hiện nay không thể hấp dẫn tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Những áp lực huy động tiền gửi xảy ra tại hầu hết ngân hàng thương mại trong thời điểm này khi dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Đến tháng 7/2020, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 28,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2019 nhưng tăng trưởng thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn vốn huy động tại địa bàn của các ngân hàng thương mại chỉ đáp ứng được 60% dư nợ cho vay.

Ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lào Cai cho biết: Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Lào Cai là tỉnh đang phát triển, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn trong khi tiền nhàn rỗi trong dân cư có hạn đã tạo áp lực về nguồn vốn, nhất là vốn trung hạn và dài hạn. Để đáp ứng nhu cầu vốn vay của thành phần kinh tế trong tỉnh, các ngân hàng thương mại vẫn phải có sự hỗ trợ nguồn vốn từ hội sở. Điều này phần nào tác động đến tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng. Đến tháng 7/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 0,75% so với cuối năm 2019. Đây là mức tăng trưởng rất thấp so với mức tăng 5% cùng kỳ năm 2019 và 12% so với cùng kỳ năm 2018. Chính sách huy động vốn của ngân hàng là các phương pháp và chương trình cụ thể nhằm thu hút sự chú ý của các cá nhân, tổ chức và từ đó gửi tiền vào ngân hàng với cách thức riêng của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngân hàng cũng thực hiện được theo đúng yêu cầu đặt ra, bởi lẽ hoạt động ngân hàng còn phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế, do vậy chính sách huy động vốn được các ngân hàng điều chỉnh một cách linh hoạt.

Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/cac-ngan-hang-go-kho-trong-huy-dong-tien-gui-z3n20200829094658814.htm