Các làng nghề ẩm thực nhộn nhịp vào vụ Tết

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Dự báo thời điểm này, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao nhất trong năm. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều làng nghề trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lớn, góp phần tăng thu nhập và để sản phẩm làng nghề ngày càng lan tỏa, vươn xa.

Sản xuất tại làng nghề bún, bánh ở xã Khánh Thiện (Yên Khánh).

Những ngày tháng Chạp năm 2022, làng nghề bún, bánh thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) rất sôi động và khẩn trương. Nhiều gia đình làm nghề lâu năm phải huy động tất cả các thành viên, thuê thêm lao động để tập trung sản xuất bánh đa, bún, miến dong, đảm bảo về chất lượng và số lượng mà khách hàng đã đặt, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán.

Hiện nay, thị trấn Yên Ninh có khoảng 300 hộ chuyên sản xuất bún, bánh, miến dong, tập trung tại các phố Thượng Tây, Thượng Đông và Trung Lân. Thị trường các sản phẩm này hiện không chỉ ở phạm vi trong huyện, trong tỉnh mà đã mở rộng ra một số tỉnh, thành lân cận. Nếu như vào thời điểm giữa năm, mỗi ngày trung bình 1 hộ sản xuất vài tạ bún khô, bánh đa, miến dong, thì vào dịp gần Tết, các gia đình đều hoạt động hết công suất, sản lượng tất cả các mặt hàng đều tăng gấp 2, 3 lần so với trước và hầu hết đều đã có đầu ra.

Để giảm tải sức người trong quá trình sản xuất, những gia đình làm nghề đã tính toán hạn chế tối đa các công đoạn sản xuất thủ công, tích cực đầu tư và sử dụng máy móc trong các khâu sản xuất, do đó số lượng sản phẩm làm ra số lượng nhiều nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặc dù làm việc khẩn trương, vất vả hơn ngày thường nhưng ai cũng phấn khởi, vì hàng hóa bán chạy, cho thu nhập cao hơn, Tết sẽ đầy đủ, sung túc hơn.

Đối với làng làm nem chua Yên Mạc, xã Yên Mạc (huyện Yên Mô) thời điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán là dịp người làm nghề tất bật, hối hả hơn cả. Bởi, nghề làm nem chua chưa phải là nghề làm thường xuyên, liên tục của nhiều hộ dân tại đây, mà đa phần là khi có đơn đặt hàng cho liên hoan, cưới hỏi, làm quà... mới làm. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ thường nhiều hơn nên nhiều hộ chỉ làm tập trung vào dịp cuối năm và Tết, phục vụ cho gia đình, biếu người thân và khách hàng quen biết. Còn đối với các cơ sở sản xuất nem thường xuyên, có thương hiệu, được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc", sản xuất với quy mô lớn thì dịp Tết phải huy động cả gia đình và thuê thêm nhân công phụ giúp, với hàng nghìn quả nem mỗi ngày. Nem chua Yên Mạc thường được tập trung làm từ 20 tháng Chạp phục vụ khách và làm quà biếu.

Ông Phạm Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Yên Mạc (huyện Yên Mô) cho biết: Trên địa bàn xã có từ 20-25 gia đình duy trì nghề làm nem chua. Vào dịp Tết Nguyên đán, sẽ có trên 50 gia đình cùng tham gia làm nem. Nghề làm nem chua ở Yên Mạc đã có truyền thống từ lâu đời, tuy là nghề phụ nhưng thu nhập cao hơn nhiều ngành nghề chính khác của người dân. Năm nay, dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế nên nghề làm nem chua khởi sắc dần. Mỗi ngày, có hàng nghìn quả nem Yên Mạc được xuất đi các nơi. Nghề làm nem chua đã thu hút hàng trăm lao động trên địa bàn, với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/ tháng. Các gia đình làm nem chua hầu hết có cuộc sống ổn định và khá giả. Thị trường nem chua Yên Mạc hiện không còn chỉ ở trong tỉnh mà vươn ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, có mặt ở nhiều nhà hàng, khách sạn lớn và ra nước ngoài khi được con, em đi làm ăn xa mang theo làm quà. Nghề làm nem chua Yên Mạc hiện cũng đã xây dựng được thương hiệu chứng nhận riêng. Đây là niềm vui và cũng là vinh dự cho nghề đã có hàng trăm năm tuổi.

Ở xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh), những ngày gần Tết, những người làm nghề bận rộn luôn tay bởi nghề làm các loại bánh như: bánh đa, bánh mật, bánh nếp... và sản xuất nem, giò, chaở̉ đây có truyền thống lâu đời, trở thành thương hiệu và niềm tự hào của người dân nơi đây. Hiện xã đã thành lập HTX ẩm thực Khánh Thiện với trên 20 hộ làm bún, bánh, giò, chả... cho thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng/ hộ gia đình, bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng với những hộ và lao động làm nghề. Các cơ sở sản xuất, hộ gia đình làm nghề quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập hơn vào dịp Tết Nguyên đán.

Gia đình ông Nguyễn Văn Goòng chuẩn bị nguyên liệu làm bánh đa đỏ.

Ông Nguyễn Văn Goòng, xóm Phong An - người có 40 năm làm nghề tráng bánh đa cho biết: Theo truyền thống từ lâu đời, đầu Xuân năm mới người dân có thói quen mua bánh đa đỏ lấy may nên gia đình ông chuẩn bị nguyên liệu, huy động người tráng sẵn những tấm bánh đa gấc để mùng 1, mùng 2 Tết mang ra chợ bán lấy may cho mình và cho mọi người...

Còn với bà Phạm Thị Dung, xóm Cầu Âu, người có "thương hiệu" về làm bánh mật, bánh nếp đã hơn 20 năm nay thì những ngày giáp Tết với bà bận hơn "con mọn". Bà Dung cho biết, ngay từ đầu tháng Chạp, cao điểm là sau rằm, lượng khách đến đặt bánh trực tiếp và qua điện thoại làm quà biếu, dâng cúng tổ tiên, bày biện bàn thờ... ngày càng tăng. Nếu vào ngày thường, bà Dung chỉ làm khoảng vài trăm chiếc bánh các loại, thì ở thời điểm giáp Tết, lượng bánh được đặt làm tăng lên từ 600 đến gần 1.000 chiếc/ngày. Theo bà Dung, những chiếc bánh mật, bánh nếp - thứ quà quê bình dân nhưng mang hương vị đậm đà, dân dã những năm gần đây được rất nhiều người, cả ở thành thị ưa thích.

Thị trường Tết Nguyên đán hàng năm được coi là "mùa làm ăn" đối với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết, trong đó có các mặt hàng thực phẩm, ăn uống. Niềm vui đối với nhiều người dân làm nghề là thị trường Tết, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng năm nay đã và đang tăng lên, cho thấy kinh tế đang dần phục hồi và sôi động hơn rất nhiều so với 2 năm liên tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua. Do vậy, mặc dù công việc vất vả, thức khuya, dậy sớm hơn ngày thường, song người lao động vẫn cần mẫn, chăm chỉ làm nghề, với mong muốn doanh thu, thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Từ đó mỗi người, mỗi nhà sẽ có một cái Tết đầy đủ, vui tươi, đầm ấm hơn.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cac-lang-nghe-am-thuc-nhon-nhip-vao-vu-tet/d2022122108204811.htm