Các hãng công cụ sản xuất chip cảnh báo khủng hoảng mới trong ngành chip

Các hãng chế tạo thiết bị ngành chip hàng đầu như Applied Materials, KLA, Lam Research và ASML đã cảnh báo rằng các hãng chip phải đợi tới 18 tháng cho một số máy móc quan trọng. Các hãng thiết bị nói rằng mọi thứ đang thiếu nghiêm trọng từ thấu kính, van và máy bơm đến bộ vi điều khiển, các module nhựa công nghệ và điện tử – các nguồn tin nói với Nikkei Asia.

Nhu cầu về thiết bị chế tạo chip đang tăng mạnh. Các hãng TSMC, UMC, Intel và Samsung Electronics dự kiến sẽ có thêm các nhà máy mới đi vào hoạt động, nhưng sớm nhất là năm sau. Tuy vậy, các kế hoạch này có thể không kịp tiến độ. TSMC, UMC và Samsung thậm chí đang cử các giám đốc điều hành cấp cao ra nước ngoài để thúc giục các nhà cung cấp thiết bị nỗ lực đúng hạn.

Có thể chờ đến 30 tháng

Bên trong nhà máy của hãng sản xuất chip tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Các hãng sản xuất chip và các hãng chế tạo máy sản xuất chip đang lo ngại về thời gian cung ứng nguyên vật liệu và máy móc kéo dài đến 18-30 tháng. Ảnh: Reuters

“Tháng trước, một nhà cung cấp linh kiện cho tôi biết thời gian sản xuất của họ là khoảng 6 tháng. Tuần trước, họ lại nói với tôi là 8 tháng và tuần này đã là 10 tháng. Tôi cảm thấy đơ người khi nghe thời gian chờ đợi kéo dài thêm. Chúng tôi đang bị o ép, một bên là các hãng chip và một bên là các đối tác cung ứng linh kiện”, quản lý của một hãng thiết bị chip hàng đầu của Mỹ cho biết.

Thời gian giao hàng đã tăng nhiều hơn trước: từ trung bình khoảng 3 hoặc 4 tháng trước dịch Covid-19 lên thành 10-12 tháng vào năm ngoái. Các nguồn tin trong ngành hiện cho biết sự chậm trễ trong việc nhận thiết bị sản xuất chip là “điều tồi tệ nhất trong nhiều thập niên” bởi tình trạng thiếu phụ tùng và gián đoạn chuỗi cung ứng và vận tải đang trầm trọng.

Hồi tháng 1 vừa rồi, KLA đã lưu ý rằng thời gian giao các thiết bị đã tăng cao trung bình là 11-12 tháng đối với một số sản phẩm có nhu cầu cao, do nhu cầu gia tăng và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Hãng sản xuất máy bơm Iwaki nói với Nikkei Asia rằng một số sản phẩm của họ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu các bộ phận điện tử và nguyên liệu thô. Hãng đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm các bộ phận từ các nhà cung cấp.

Hãng sản xuất thấu kính Zeiss đã làm việc với hãng chip ASML hơn 30 năm. Zeiss cho biết họ đang mở rộng công suất cho các thấu kính và gương được sử dụng trong các hệ thống in thạch bản tiên tiến.

Đối với một số thiết bị thử nghiệm do hãng KLA tại Mỹ sản xuất, thời gian chờ đợi là hơn 20 tháng. Trong khi đó, Chủ tịch Jerry Kou của hãng chip Unimicron cho biết thời gian chờ chất nền (để giữ chip trước khi được gắn vào bảng mạch in) có thể mất tới 30 tháng so với 12-18 tháng trong năm ngoái. Unimicron cũng là tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất chất nền.

Cả ngành dốc sức giải quyết khủng hoảng

Hãng sản xuất chip theo hợp đồng TSMC lo ngại rằng việc giao hàng chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất hàng loạt của họ ở Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản. Nhóm phụ trách thu mua của TSMC đã bay đến Hoa Kỳ và các nước khác để thúc giục các nhà cung cấp cố gắng đẩy nhanh ngày giao hàng. Trước đó, việc xây dựng nhà máy của TSMC tại Mỹ đã bị chậm tiến độ do thiếu lao động.

UMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ tư thế giới, xác nhận rằng họ đã cử nhân viên đến các nhà cung cấp thiết bị ở Mỹ và châu Âu nhưng cho biết sẽ không dễ dàng để dời lịch trình của của các nhà cung cấp này.

Giám đốc tài chính Liu Chi-tung cho biết: “Theo các chuyến thăm của chúng tôi tới các nhà cung cấp, tình trạng thiếu linh kiện đối với họ vẫn đang xấu đi và chỉ có thể bắt đầu cải thiện vào nửa cuối năm 2022”. Liu cũng xác nhận kế hoạch mở rộng của UMC có thể bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của máy móc. Ông nói rằng kế hoạch sản xuất có thể bắt đầu vào giữa năm 2023 đối với nhà máy đang mở rộng ở Đài Nam, nhưng việc tăng sản lượng ở đây chắc chắn sẽ chậm hơn dự kiến.

Hãng chip ASML của Hà Lan nói với Nikkei Asia rằng: “Những người trong ngành có sự đồng thuận rằng tình trạng thiếu chip có thể kéo dài hai năm. Toàn bộ ngành đang dốc sức để giải quyết vấn đề này”.

Applied Materials, nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất của Mỹ, đã tổ chức một cuộc họp nội bộ tháng trước và CEO đã kêu gọi nhân viên làm mọi cách có thể để bảo đảm nguồn cung linh kiện và cả chip cho thiết bị. Tuy nhiên, khi phỏng vấn hơn 10 giám đốc điều hành của các công ty cung cấp thiết bị, nhiều người cho rằng công ty họ không muốn mở rộng công suất.

Bên cạnh đó, thay đổi các thành phần hoặc vật liệu trong thiết bị chip không phải là một lựa chọn trong ngắn hạn. Các giám đốc trong ngành cho rằng bất kỳ giải pháp thay thế nào đều phải trải qua quá trình thử nghiệm và kiểm định lâu dài nhằm bảo đảm sản xuất liên tục và đạt chất lượng. Một số thành phần chính xác chỉ được chế tạo bởi một số ít “nhà vô địch tiềm ẩn”, chẳng hạn như máy bơm xử lý hóa chất của Iwaki của Nhật Bản và thấu kính cao cấp của Zeiss của Đức. Các vị quản lý nói rằng rất khó để tìm được những lựa chọn thay thế phù hợp cho những loại mặt hàng này.

Tình trạng này giống như những hạn chế về nguồn cung hiện tại trong ngành công nghiệp xe hơi. Khi nhu cầu chip tăng đột biến cùng với nguồn cung hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu hụt, buộc các hãng xe phải cắt giảm sản lượng.

Lo ngại khủng hoảng thừa

Gokul Hariharan, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông khu vực châu Á – Thái Bình Dương của JPMorgan, nói với Nikkei Asia rằng thời gian chờ đợi máy móc dài hơn sẽ khiến việc mở rộng sản xuất chậm thêm 3-6 tháng. Nhưng nhà nghiên cứu cũng nói rằng ngành công nghiệp chip cũng nên tính đến thực tế là nhu cầu đang chậm lại.

“Từ góc độ của ngành công nghiệp bán dẫn, mối quan tâm lớn nhất của tôi vẫn là liệu tăng trưởng nhu cầu có thật sự bền vững hay không. Chúng tôi đã nhận thấy các dấu hiệu rằng nhu cầu tiêu thụ hàng điện tử tiêu dùng đang chậm lại. Điều này có thể dẫn đến một số tác động với ngành chip”, Hariharan nói.

Peter Hanbury, chuyên gia trong lĩnh vực chip và các ngành sản xuất đồng thời là đối tác của hãng tư vấn Bain&Co, cho rằng các nỗ lực giải quyết khủng hoảng chip toàn cầu đang gặp trở ngại. “Tình trạng thiếu thiết bị này không có lợi cho các hãng đang có kế hoạch bổ sung công suất”, ông nói.

Chính phủ các nước đang cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia, thúc đẩy thêm nhu cầu về chip, thiết bị và vật liệu. Nhưng các nhà phân tích đang lo ngại về nguy cơ khủng hoảng thừa sau khi ngành chip và các nước đồng loạt xây dựng các nhà máy mới và tăng công suất các nhà máy cũ.

Nhưng có lẽ hiện giờ xác định thời điểm bùng nổ khủng hoảng giống như xác định khi nào các biến thể mới của virus Sars-CoV-2 sẽ không xuất hiện nữa.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-hang-cong-cu-san-xuat-chip-canh-bao-khung-hoang-moi-trong-nganh-chip/