Các dự án nâng cấp và cải tạo lưới điện nông thôn ở Phú Thọ: Hiệu quả sử dụng vốn vay quốc tế

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, cùng với việc triển khai thực hiện tốt Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2016 - 2020, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, địa phương để xác định rõ trách nhiệm và quy trách nhiệm đến cùng trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn. Trong những năm qua, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nhưng vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn, đáng quan tâm ở tầm vĩ mô và vi mô.

Cán bộ Điện lực Cẩm Khê đang cùng Chủ tịch xã Yên Dưỡng đi thăm hộ dân dùng điện chạy máy sao chè mini sản xuất chè búp tạo nguồn thu hàng hóa dịch vụ và phát triển kinh tế nâng cao mức sống cho nhân dân địa phương.

Trên cơ sở đó chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại Điện lực Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), một trong những địa phương thụ hưởng nguồn vốn ODA trong các dự án nâng cấp và cải tạo lưới điện nông thôn. Dự án do TCty Điện lực Miền Bắc làm chủ đầu tư, Cty Điện lực Phú Thọ được ủy thác quản lý phần xây lắp và sự tham gia của UBND tỉnh Phú Thọ.

Dù lệch pha do xung đột quyền lợi của một số HTX dịch vụ điện nông thôn và Cty CP Kinh doanh điện nông thôn đang có lãi (thụ hưởng chênh lệch giá điện). Thêm nữa, khi lưới điện nông thôn được bàn giao cho ngành Điện, thì một số địa phương không chứng minh được chứng từ đầu tư của lưới điện cũ (dù suất đầu tư phát triển lưới điện ở những HTX kinh doanh điện năng còn ở mức thấp, không đạt chuẩn kỹ thuật) dẫn đến tình trạng một số cá nhân cố tình giữ lại tài sản gây khó khăn cho quá trình đầu tư và phát triển lưới điện mới của ngành Điện. Rất ít xã có tỷ lệ tổn thất điện năng dưới 20%, cá biệt có xã lên tới 40 - 45%, ngoài ra số lượng công tơ cháy, kẹt, hư hỏng và số hộ mua điện theo hình thức khoán của địa phương chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi người dân tại các địa phương phấn khởi với chủ trương của Chính phủ về việc bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành Điện quản lý và mong muốn được mua điện trực tiếp từ ngành Điện.

Quyết liệt thực hiện chủ trương của Chính phủ, hiện tại Cty Điện lực Phú Thọ đã tiếp nhận được 224 xã đồng thời thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp các TBA, trục hạ thế, thay thế công tơ đồng nhất, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Dự án KFW (vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết CHLB Đức - KFW) triển khai trong hai năm 2013 - 2014 PCPT tại 130 xã trên địa bàn 13 huyện, thành, thị với tổng mức đầu tư 541,8 tỷ đồng, đây là dự án quy mô nhất về điện dành cho khu vực nông thôn của tỉnh Phú Thọ tính đến thời điểm này, bình quân mỗi xã có suất đầu tư khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Quy mô toàn dự án gồm: Xây dựng mới 118km đường dây trung áp, tu sửa và xây dựng 1.572km đường dây hạ áp, trong đó xây mới 978km; 169 TBA tổng dung lượng là 39.005KVA. Năm 2015, PCPT tiếp tục đầu tư xây dựng mới 86 trạm biến áp để đáp ứng nhu cầu dùng điện nông thôn phát sinh trong mùa hè năm 2015; cải tạo 58km đường dây hạ thế của các xã đã tiếp nhận trong hai năm 2013, 2014…

Dự án hoàn thành đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực nông thôn, chống quá tải lưới điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thụ hưởng sử dụng điện.

Đặc biệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, thì tiêu chí về điện là một đòi hỏi khắt khe của ngành Điện. Với các dự án do World Bank, JBIC, KFW, IVO, ReII, ReII mở rộng đã và đang triển khai cung ứng đủ nguồn tài chính giúp cho việc nâng cao chất lượng sống của người dân và hình ảnh nông thôn Phú Thọ hiện đại. Hiệu quả đầu tư, cải tạo, chất lượng điện ở huyện Yên Lập, Hạ Hòa, Phù Ninh, Cẩm Khê có tiến độ thực thi kế hoạch của dự án tốt nhất, cải thiện được chất lượng điện phục vụ cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt cho bà con ở các xã đã thực hiện bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn về cho Cty Điện lực quản lý.

Nâng cao hiệu quả công tác, giảm bớt đầu mối, tập trung quản lý, Cty Điện lực Phú Thọ đã quyết định sáp nhập điện lực hai huyện Yên Lập và Cẩm Khê dưới cái tên chung là Điện lực Cẩm Khê hiện đang quản lý hơn 38 nghìn khách hàng sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện Cẩm Khê, Yên Lập và 2 xã (Mỹ Lung, Minh Côi) thuộc huyện Hạ Hòa. Theo số liệu thống kê thì đến nay, hệ thống lưới điện trên địa bàn có 213,7km đường dây 35KV; 81,9km đường dây 10KV, 2 TBA trung gian, 244 TBA phụ tải và 561,2km đường dây hạ thế.

Điện lực Cẩm Khê có 4 gói thầu thuộc 21 xã, khởi công từ đầu 2013 và hoàn thành tháng 4/2015. Đường dây trung áp 17,051km, 26 trạm biến áp. Tổng dung lượng 6.500 KVA. Khối lượng đường dây hạ áp cải tạo 189km. Đáp ứng nguồn điện cho cụm công nghiệp Cẩm Khê, nhưng cả cụm điện Cẩm Khê chỉ có 1 đường cấp điện từ trạm 110KV E4.7 Phú Thọ, một khi xảy ra sự cố thì đó là một nan đề. Cuối năm 2015 đã đưa vào sử dụng thêm trạm 110KV trên địa bàn Cẩm Khê nhưng với những với tinh thần phục vụ tối đa cho khách hàng thì Điện lực Cẩm Khê thì vẫn chưa thực sự yên tâm.

Từ khi tiếp nhận, lưới điện nông thôn đã được đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng nguồn điện ở khu vực nông thôn.

Cty Điện lực Phú Thọ đã chỉ đạo xây dựng thêm 3 lộ xuất tuyến cấp điện, 1 cho Yên Lập và 2 cho Cẩm Khê. Mới đây nhất đã kết nối bán điện cho trang trại Hòa Phát 630KVA. Vì vậy Điện lực Cẩm Khê thực hiện giá điện chung của cả nước ngay khi tiếp nhận các HTX dịch vụ điện của các xã. Đạt mức giao khoán giảm thất thoát điện năng do đầu tư cơ sở hạ tầng tốt. Đầu tư dây bọc, giảm tối đa tai nạn cho người dân. Bán kính cấp điện nông thôn đã được rút ngắn từ 4km xuống còn 1,5km tiêu biểu như ở xã Phú Lạc.

Bên cạnh đó, Ðiện lực Cẩm Khê phối hợp tốt với địa phương thực hiện truyền thông về sử dụng tiết kiệm điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, hướng dẫn chọn lựa thiết bị điện tiết kiệm như: Dùng đèn com-pắc thay thế đèn sợi đốt, tắt bớt bóng đèn khi không có nhu cầu, dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời thay bình nước nóng dùng điện.

Cho đến nay, Điện lực Cẩm Khê đã thực hiện cải tạo với tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng cho lưới điện nông thôn. Tiếp nhận 46/47 xã và 2/2 thị trấn, quản lý 48 đại lý bán lẻ điện nông thôn. Các đại lý có trách nhiệm ghi công tơ, thu tiền điện, phối hợp quản lý lưới điện và sửa chữa nhỏ. Họ được đào tạo chứng chỉ điện của Cty Điện lực Phú Thọ và Sở Công Thương.

Trong địa bàn Điện lực Cẩm Khê, duy chỉ còn xã Phương Xá vẫn giữ mô hình HTX dịch vụ Điện lực. Người dân của Phương Xá vẫn dùng điện qua HTX, dù họ có nhu cầu mua điện trực tiếp với Cty Điện lực Phú Thọ. Đây là trường hợp hy hữu, bởi HTX dịch vụ điện năng Phương Xá còn mở thêm những dịch vụ ngoài ngành để đắp đổi, cân bằng giá điện. Nhưng đây chỉ là hiện tượng nhất thời, một mai khi kỹ thuật truyền tải điện nâng cấp hiện đại hóa thì vấn đề đầu tư hạ tầng để tương thích kết nối với toàn hệ thống của HTX sẽ gặp rắc rối…

Chúng tôi khảo sát điểm xã Yên Dưỡng - là một trong số những xã được hưởng lợi từ khi ngành Điện đầu tư. Từ một xã trung du miền núi đặc biệt khó khăn, Yên Dưỡng với 10 khu hành chính, tỉ lệ hộ nghèo là 46,39%, cận nghèo hơn 30%. Đất canh tác eo hẹp, bạc màu, Yên Dưỡng hoàn toàn không có nghề phụ, nhiều người trong độ tuổi lao động phải bỏ về thành phố tìm mưu sinh. Từ năm 2001, sau khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, Chính phủ ưu tiên xây dựng điện - đường - trường - trạm, từ năm 2001 - 2002 huyện được đầu tư 2 TBA với công suất 250 KVA và 150 KVA do đầu tư manh mún, không đồng bộ, nên công suất không bảo đảm. Tình trạng mất điện xảy ra triền miên. Chiếu sáng còn phập phù nên không thể sử dụng các thiết bị tiện ích phục vụ đời sống khác, nên dù có muốn các hộ dân muốn triển khai các nghành nghề sử dụng điện cũng là điều bất khả.

Khi Cty Điện lực Phú Thọ tiếp nhận lưới điện nông thôn của vùng, từ cuối năm 2012, ngành Điện bắt đầu triển khai dự án KFW, cải tạo đường dây hạ thế, lắp thêm 3 TBA chống quá tải và rút ngắn bán kính cấp điện, mở rộng một số nhánh rẽ xương cá. Nguồn cung điện bảo đảm công suất không những dư đủ cho sinh hoạt hàng ngày cho bà con trong xã mà còn bảo đảm nguồn cung để triển khai các công việc cần nhiều điện năng như bóc gỗ sản xuất ván ép. Hàng loạt các lò sao chè mini ra đời, dù xã không có truyền thống chế biến chè. Hiện xã có 100 hộ dân có của ăn của để nhờ có nguồn điện sản xuất chè. Xã không trồng chè thương mại, nhưng người dân Yên Dưỡng đi thu mua chè tươi ở các vùng nguyên liệu cận kề như Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Ba. Mở ra ngành sản xuất có tính dịch vụ nhờ có nguồn điện đảm bảo. Các hộ có tivi chiếm tới 99%, tủ lạnh 70 - 75%. Đây là bước ngoặt lớn kể từ năm 2010, bởi một thời Yên Dưỡng có tiền cũng không thể dùng những vật dụng thân thiết với đời sống hiện đại bình thường vì chất lượng điện yếu, kém. Nhờ có điện mà các dịnh vụ phụ trợ khác như xay xát, chăn nuôi trang trại cũng phát triển sôi động. Đến nay, số hộ nghèo trong xã Yên Dưỡng đã giảm còn 26%.

Ông Nguyễn Xuân Tú - Chủ tịch xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê khẳng định: “Đối với xã Yên Dưỡng tôi thấy việc ngành Điện đầu tư dự án KFW về nông thôn rất có hiệu quả. Mong muốn trong thời gian tới ngành Điện tiếp tục đưa đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của địa phương hướng tới quy hoạch nông thôn mới ngày một được cải thiện nâng cao theo đúng các tiêu chí”.

Từ Yên Dưỡng - Cẩm Khê nhìn sang Thượng Long - Yên Lập cũng nhờ hệ thống điện nông thôn được chuẩn hóa, Thượng Long đã hoàn thiện các công trình hạ tầng như: Trường lớp học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn; kênh mương nội đồng...

Từ năm 2014 toàn xã Thượng Long thực hiện tổng diện tích gieo trồng gần 100ha, có trên 30ha đất lúa chuyển sang sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao được bơm tưới bằng điện. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của Thượng Long đạt 10 triệu đ/năm, số hộ khá - giàu tăng cao, số hộ nghèo giảm còn 13%.

Mặt khác, nhờ xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa đã mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ngày một gia tăng.

Bài học về sự tương tác ở hai xã Yên Dưỡng và Thượng Long trong địa bàn quản lý của Điện lực Cẩm Khê là một khi ngành Điện đầu tư cơ sở vật chất bài bản, đồng bộ thì chính quyền địa phương và người dân đã hỗ trợ nhiệt tình kể cả tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng êm thuận để dựng cột kéo dây, ủng hộ kéo điện hạ thế và cao thế để ngành Điện có thể nhanh chóng đưa điện về cho người dân sử dụng…

Với mô hình HTX dịch vụ điện năng, người dân phải mua điện giá cao với nhiều lý do như ngoài trình độ nhân lực quản lý điện năng non yếu mà còn có nguyên nhân tổn thất điện năng lớn, lưới điện đầu tư không đồng bộ nên lưới điện xuống cấp nhanh. Hơn nữa công nhân điện HTX chỉ có thể sửa chữa nhỏ nhưng không đáp ứng được nhu cầu phát triển phụ tải của địa phương.

Bức tranh toàn cảnh Điện nông thôn của cả nước nói chung cũng như Điện nông thôn Phú Thọ nói riêng bao trùm một gam màu tươi sáng sau khi ngành Điện tiếp quản lưới điện hạ áp nông thôn sang ngành Điện quản lý và bán tới hộ. Nguồn nhân lực thợ điện HTX Dịch vụ điện năng sau khi giải thể vẫn được Cty Điện lực Phú Thọ ký hợp đồng làm dịch vụ đại lý cho ngành Điện đảm bảo cuộc sống và phục vụ tại địa phương.

Cty Điện lực Phú Thọ định kỳ hàng quý mở lớp tập huấn yêu cầu đội ngũ dịch vụ đại lý Điện đến học tập trao đổi nghiệp vụ bởi các kỹ sư giỏi, cán bộ quản lý có kinh nghiệm, giúp họ nâng cao nghiệp vụ, đáp ứng những dịch vụ tiện ích phục vụ ngày một cao của ngành Điện.

Đến nay không ít người ngây thơ cho rằng: ODA là khoản viện trợ hoặc cho không của các quốc gia phát triển, nên chưa thực sự chú trọng trong quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí; gây bức xúc trong dư luận xã hội không chỉ trong nước mà ngay cả đối với các nước dành nguồn vốn hỗ trợ ODA cho Việt Nam.

Hiệu quả của vốn vay quốc tế được ngành Ðiện đầu tư vào việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp cho người dân không những giúp các hộ dân nông thôn được mua điện đúng giá Chính phủ quy định, giảm tỷ tổn thất điện năng vực nông thôn từ mức 28 - 32%, xuống còn 9,87%. Tính đến nay, hơn 6 triệu khách hàng được thay thế công tơ, lưới điện nông thôn được cải tạo, chất lượng điện được nâng cấp, điện áp ổn định, ngành Điện trang bị tài sản và thiết bị truyền tải đến công tơ của khách hàng, người dân không phải đóng góp bất kỳ khoản kinh phí nào để cải tạo lưới điện…

Cty Điện lực Phú Thọ thành viên cũng như mọi thành viên của EVNNPC đều hiểu rõ hiện nay khó khăn lớn nhất của các Cty điện lực thành viên EVNNPC là nguồn vốn đầu tư cải tạo sửa chữa, nâng cấp lưới điện nông thôn nhằm tiếp tục thực hiện giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện còn nhiều khó khăn, cần sự ủng hộ, chung tay tìm giải pháp huy động ưu đãi từ những nguồn vốn khác nhau, trong đó nguồn vốn ODA vô cùng quan trọng từ các nhà tài trợ quốc tế.

Tham Thiện

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/cac-du-an-nang-cap-va-cai-tao-luoi-dien-nong-thon-o-phu-tho-hieu-qua-su-dung-von-vay-quoc-te.html