Các địa phương chủ động ứng phó mưa lũ

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng từ ngày 13 đến 14/11 mưa lớn, kèm dông lốc đã gây thiệt hại như sau:

Các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 4 dọn bùn đất tại Trường tiểu học và Trung học cơ sở Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). (Ảnh NGUYỄN DO)

883 nhà bị ngập (Quảng Trị: 800; Đà Nẵng: 83); 17 nhà bị tốc mái (Hà Tĩnh); 1 nhà bị sạt lở (Quảng Nam); 120 ha hoa màu bị thiệt hại (Hà Tĩnh); 14 điểm ngầm tràn, cầu tràn tại các huyện Hướng Hóa, Hải Lăng bị ngập sâu từ 0,5 - 1,5 m (Quảng Trị); sạt lở ta-luy dương tại Quốc lộ 8A đoạn qua xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh và một số vị trí trên đường tỉnh lộ ĐT601 khu vực đèo La Ngà, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Tại Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài từ tối 13 đến trưa 14/11 đã gây ngập úng, sạt lở núi chia cắt cục bộ nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ghi nhận tại cầu Sông Rin cũ (thuộc địa bàn huyện miền núi Sơn Hà), nước lũ tràn về gây ngập cầu nối 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây.

Tuyến Quốc lộ 24B đoạn đi qua các xã Sơn Thành, Sơn Hải, Sơn Thủy và Sơn Kỳ đã bị chia cắt cục bộ, giao thông qua khu vực bị ách tắc trong nhiều giờ. Tại huyện Sơn Tây, mưa lớn đã gây sạt lở trên các tuyến giao thông đi các xã: Sơn Liên, Sơn Màu, Sơn Tân. Mưa lớn gây sạt lở một vạt núi Bảy Màu (xã Sơn Tân) khiến khoảng 50 m3 đất đá trôi ra đường, gây ách tắc giao thông.

Để ứng phó với mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các đơn vị chức năng quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền; chủ động cấm tất cả phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên.

Mưa lớn, nước lũ thượng nguồn đổ về khiến nhà cửa của nhiều hộ dân ở xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) bị ngập sâu trong nước. (Ảnh HẢI PHONG)

Tại Quảng Trị, các địa phương vùng thấp trũng đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ từ ngày 13 đến 14/11. Đợt mưa lớn này vùng thấp trũng của huyện Cam Lộ bị ngập lụt nặng nhất. Lũ trên sông Hiếu lên nhanh và đạt gần mức báo động 3 khiến 1.062 nhà dân bị ngập, chỗ ngập sâu nhất từ 0,6- 0,8 m tập trung ở các xã: Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy.

Tại các xã này, huyện Cam Lộ di dời 448 hộ với tổng số 1.064 người ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Huyện đã cho 2.700 học sinh ở 5 trường nghỉ học để bảo đảm an toàn. Lực lượng chức năng cũng đang khẩn trương tìm kiếm ông Lê Đức Hùng (sinh năm 1987, trú tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) bị mất tích khi đi đánh cá từ tối 13/11.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cảnh báo, từ ngày 15 đến 17/11, lũ trên các sông có khả năng lên trở lại. Đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2, có sông trên báo động 2. Nguy cơ ngập úng cục bộ ven sông suối, ngầm tràn qua khe suối ở khu vực miền núi, ngập lụt vùng thấp trũng hạ lưu các sông Bến Hải, sông Hiếu, Thạch Hãn và Ô Lâu. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, sạt trượt ở công trình đang thi công, sạt lở bờ sông.

Theo Nhân Dân

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-mua-lu-a380127.html