Các cường quốc vùng Vịnh khiến Mỹ thất vọng

Theo Forbes, các cường quốc vùng Vịnh Ba Tư được cho là đã từ chối cấp cho Mỹ quyền tiếp cận các căn cứ để thực hiện các hoạt động chống Iran.

Máy bay B-52H của Mỹ tại căn cứ Al Udeid, Qatar.

Quay trở lại Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ đã phụ thuộc vào các đồng minh trong khu vực để thực hiện các hoạt động quân sự quy mô lớn trên khắp Trung Đông.

Giờ đây, khi căng thẳng giữa Israel và Iran gia tăng và trật tự thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu đang trở nên căng thẳng, các đối tác truyền thống của Mỹ dường như đang từ chối đi cùng bước với Washington.

Các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư được cho là đã yêu cầu Mỹ không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại Iran từ lãnh thổ hoặc không phận của họ trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang sôi sục.

Các nguồn tin, trong đó có một quan chức cấp cao của Mỹ, nói với hãng tin Middle East Eye của Anh rằng nhiều nước vùng Vịnh đã quyết định ngăn một cuộc trả đũa của Mỹ chống lại Tehran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này từ các căn cứ bên trong vương quốc của họ.

Các quốc gia này bao gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ô-man và Kuwait. Lãnh đạo của các quốc gia này được cho là đã đặt câu hỏi về chi tiết các thỏa thuận đặt căn cứ của Mỹ và thực hiện các bước để ngăn chặn việc sử dụng các căn cứ lân cận Iran của họ để chống lại lực lượng của Cộng hòa Hồi giáo.

Thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đã cấm Mỹ sử dụng không phận của mình để thực hiện một cuộc tấn công vào Iran.

"Thật là một mớ hỗn độn", một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết khi đề cập đến vấn đề đau đầu mà chính quyền ông Biden phải đối mặt trước khi cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel bắt đầu.

Báo cáo của Middle East Eye tiếp tục khi dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ nói rằng Iran đã cảnh báo riêng với Mỹ rằng họ sẽ nhắm mục tiêu vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông nếu Washington tham gia vào cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Israel.

Mỹ có khoảng hơn 40.000 nhân viên và quân nhân tại các căn cứ rải rác ở Trung Đông, bao gồm Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar, nơi có ít nhất 10.000 quân và đóng vai trò là trụ sở tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ - bộ chỉ huy chịu trách nhiệm về quân sự trên khắp Trung Đông.

Bahrain gần đó có tới 7.000 quân và Hạm đội thứ năm của Mỹ – hoạt động ở Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ và Biển Ả Rập, và một phần của Ấn Độ Dương.

Mỹ cũng có lực lượng đồn trú gồm 15.000 quân ở Kuwait, ít nhất 5.000 quân ở UAE và khoảng 2.700 quân và máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân Prince Sultan ở Ả Rập Saudi.

Oman tiếp đón vài trăm lính Mỹ và cho phép Không quân Mỹ tiến hành các chuyến bay qua và đổ bộ, đồng thời cho phép các tàu chiến thực hiện 80 chuyến ghé cảng mỗi năm.

Chính sách đối ngoại ngày càng độc lập của các cường quốc vùng Vịnh có thể là một trở ngại lớn đối với Washington, vốn trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II (và đặc biệt là sau Chiến tranh Lạnh) đã có thể dựa vào các chế độ quân chủ vùng Vịnh Ba Tư cho các hoạt động quân sự của mình tại khu vực giàu dầu mỏ.

Các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Ả Rập Saudi và UAE đã thực hiện một loạt bước đi để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế, chính trị và quân sự.

Trong đó, Riyadh chuyển sang phá bỏ thế độc quyền của Petrodollar (đô la dầu mỏ - thuật ngữ chỉ số tiền bằng đô la Mỹ mà các nước xuất khẩu dầu thu được nhờ xuất khẩu), tạm dừng chiến dịch quân sự của mình chống lại lực lượng dân quân Houthi ở Yemen, khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran và cùng với Abu Dhabi gia nhập khối BRICS Plus.

Cuộc khủng hoảng Hamas-Israel đã khiến các nhà lãnh đạo quốc gia vùng Vịnh và người dân của họ rời xa ý tưởng thiết lập quan hệ với Israel và làm lạnh nhạt mối quan hệ với Mỹ do sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ dành cho Tel Aviv trong cuộc xung đột Gaza hiện nay.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cac-cuong-quoc-vung-vinh-khien-my-that-vong-post679346.html