Các cửa tiệm buôn bán cần cảnh giác với thủ đoạn đánh tráo mã QR ngân hàng

Sử dụng lệnh chuyển tiền giả hay sử dụng chiêu trò đổi tiền mặt lấy tiền chuyển khoản, đó là những mánh khóe tinh vi mà các đối tượng lừa đảo thường hay sử dụng kể từ khi hình thức thanh toán quét mã QR phổ biến.

Tuy nhiên, hiện nay lại có thêm một chiêu trò lừa đảo mới, đó chính là đánh tráo mã QR của các cơ sở kinh doanh. Điều đáng lưu ý là chính chủ cơ sở cũng không hề hay biết việc tráo đổi này và cũng khó phân biệt được thật, giả nếu không quan sát kỹ. Đó là trường hợp của bà Tr.T.M (SN 1962, ngụ H.Củ Chi).

Sau khi nghỉ hưu, tận dụng nhà mặt tiền đường, bà M. mở quán cơm và cũng có nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình. Ban đầu, thực khách thanh toán bằng tiền mặt, nhưng sau này nhiều người, nhất là khách vãng lai đề nghị chuyển khoản ngân hàng nên bà cũng chuẩn bị sẵn mã QR. Chỉ cần thao tác quét mã này sẽ có được thông tin tài khoản của bà để thanh toán một cách nhanh chóng. Thế nhưng do lượng khách ngày một đông, bà M. không có thời gian kiểm tra tài khoản sau khi khách chuyển tiền, mà chỉ tổng kết vào cuối ngày khi đã buôn bán xong. Chính sự bất cẩn này đã tạo điều kiện cho kẻ gian thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Một ngày cuối tháng 02/2024, khi đang giờ trưa nên quán cơm của bà M. đông khách đến ăn, nhất là giới công nhân. Lúc này, một người đàn ông ăn mặc sành điệu bước vào quán và gọi một dĩa cơm cá kho tộ và 1 tô canh chua. Điều làm chủ quán và những thực khách ở đây ngạc nhiên là trong lúc ăn, anh ta vẫn mặc áo khoác, đội nón kết che hết nửa mặt. Ăn xong, anh ta đứng lên kêu tính tiền. Nhìn thấy mã QR của bà M. dán trên tủ kính đựng thức ăn, người đàn ông này hỏi giá rồi dùng điện thoại di động quét mã nhưng thao tác hơi lâu. Sau khi khách rời đi, do đang lu bu dọn dẹp nên bà M. không kịp kiểm tra.

Đến tối, trong lúc kiểm đếm lại số tiền bán cơm vào cuối ngày, bà M. kiểm tra tài khoản ngân hàng thì hốt hoảng khi thấy tiền tăng không bao nhiêu, dù khá đông khách thanh toán bằng quét mã QR. Nghi ngờ mã QR của mình có vấn đề, bà kêu con trai lấy điện thoại quét thử thì mới vỡ lẽ bởi tên chủ tài khoản là một người khác. Do từng đọc thông tin về những mánh khóe của bọn lừa đảo trên mạng xã hội, con trai bà M. khẳng định đã có kẻ tráo đổi mã QR.

Khi đã trấn tĩnh lại, bà M. chợt nhớ đến người đàn ông đội nón kết khi đến quán vào lúc trưa. Thì ra, trong lúc tính tiền, lợi dụng sơ hở của chủ quán, anh ta thực hiện chiêu trò dùng điện thoại di động chụp lại thông tin mã QR của bà M. để làm mã QR giả - vẫn có tên đầy đủ của bà, nhưng thật ra chứa đựng thông tin tài khoản của chính đối tượng.

Cảnh giác thủ đoạn lừa quét mã QR để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng

Trong thời đại công nghệ số, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng việc quét mã QR đang dần trở nên phổ biến và được nhiều người sử dụng. Vì vậy, độ phủ sóng của mã QR len lỏi từ các cửa hàng, siêu thị, từ quán ăn lớn, nhỏ đến ven đường đến những chủ shop bán hàng online, shipper ai ai cũng trang bị sẵn cho mình một mã QR để nhận tiền mọi lúc, mọi nơi. Lợi dụng điều này, kẻ lừa đảo đã giở chiêu trò hết sức tinh vi đó là đánh tráo mã QR để chiếm đoạt tài sản.

Điều đáng nói, chủ cơ sở kinh doanh cũng không hề hay biết việc tráo đổi này vì mã QR rất khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả bằng mắt thường. Cũng bởi lý do này cùng sự chủ quan, bất cẩn mà bà M. đã bị mất tiền oan.

Qua vụ việc của bà M., người dân, đặc biệt là chủ các cơ sở kinh doanh cần hết sức cẩn trọng khi giao dịch bằng hình thức quét mã QR để tránh “tiền mất tức mang”.

Việc thanh toán bằng mã QR code được đánh giá là một trong những phương pháp thanh toán hiện đại không sử dụng tiền mặt và thẻ ngân hàng. Phương pháp này ngày càng được rất nhiều người dùng ưa chuộng vì mang đến tính tiện lợi cao, chính vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn phương thức này đã thay thế cho gần hết cách thanh toán truyền thống trước đây. Nhưng cũng chính vì cái tiện lợi mà nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh chủ quan đã bị mất tiền oan uổng. Cơ quan chức năng từng khuyến cáo các cơ sở kinh doanh chú ý việc bố trí mã QR code nên có mã cố định, làm bảng to để khó có thể đánh tráo hoặc mang trên người khi nào có thanh toán thì đưa ra cho khách. Ngoài ra, không chỉ đánh tráo mã QR, hiện nay còn xuất hiện tình trạng đối tượng dùng mã QR của một tài khoản lừa đảo dán đè lên mã QR thật của cửa hàng, rồi sử dụng chiêu trò đổi tiền mặt lấy tiền chuyển khoản. Không ít người đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn tinh vi này. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác khi giao dịch bằng hình thức quét mã QR code.

Nguyễn Hiếu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/canh-giac-tuong-gap-khach-sop_159949.html