Các công ty của ông "bầu" Kiên sai phạm như thế nào?

Như Báo CAND đã đưa tin, ông Nguyễn Đức Kiên, tức "bầu" Kiên đã bị cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giữ về tội kinh doanh trái phép. Thế nhưng, hành vi kinh doanh trái phép của ông Kiên diễn ra như thế nào? Nó gây hậu quả ra sao? Chúng tôi xin tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Được biết, việc điều tra của cơ quan Công an bắt đầu từ đơn thư tố giác sai phạm của 3 công ty do "bầu" Kiên lập ra và làm Chủ tịch HĐQT. Công ty thứ nhất có tên gọi là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B.B có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng do ông Kiên góp vốn 100% và là Chủ tịch HĐQT, vợ ông Kiên là bà Đặng Ngọc Lan làm Tổng Giám đốc, ngành nghề là kinh doanh xây dựng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho, bãi đỗ xe, kinh doanh vàng bạc, đá quý, quảng cáo…

Tiếp theo là Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội có vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông Kiên góp vốn 30% và là Chủ tịch HĐQT, Trần Ngọc Thanh làm Giám đốc với ngành nghề kinh doanh là bất động sản, xây dựng, thuê nhà ở và môi giới, đấu giá bất động sản.

Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó ông Kiên góp 99% vốn và là Chủ tịch HĐQT, Lê Mạnh Hùng là Giám đốc, ngành nghề kinh doanh là mua bán vàng bạc đá quý, đại lý ngoại tệ, xây dựng, kinh doanh sân golf. Mặc dù cả 3 công ty trên đều không có chức năng kinh doanh đầu tư tài chính, phát hành và bán trái phiếu, thế nhưng, sau khi thành lập, ông Kiên đều chỉ đạo các công ty này thực hiện việc phát hành và bán trái phiếu của một số công ty cho một vài ngân hàng để vay nhiều tỷ đồng.

Thời gian ông ta sử dụng 3 công ty trên phát hành và bán trái phiếu cho ngân hàng để vay tiền là tháng 3/2008 và tháng 10, 11/2010. Cụ thể như, ngày 30/11/2010, ông Kiên vay tiền của một ngân hàng thông qua hình thức bán trái phiếu thời hạn 12 tháng, lãi suất tháng đầu 13,5%. Số tiền này sau đó được 8 người thân trong gia đình ông Kiên sử dụng để mua cổ phiếu của một ngân hàng khác, sau đó lại dùng chính số cổ phiếu đó để vay tiền ở ngân hàng mà ông ta đã bán trái phiếu. Để làm được điều này, ông Kiên đã chỉ đạo lập các phương án kinh doanh khống, nâng khống giá trị tài sản của doanh nghiệp, lập khống hồ sơ để mua cổ phiếu… việc làm của ông Kiên đã tạo ra vốn "ảo".

Tiếp tục diễn biến của vụ án này, chúng tôi được biết, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố một bị can liên quan đến tiền tệ về hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2012/8/179011.cand