Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế hoạch định chính sách phát triển

Tại diễn đàn 'Phát triển nguồn nhân lực và không gian đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo' - một trong những sự kiện thuộc chương trình Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bắc Giang - các chuyên gia đã hiến kế cho tỉnh hoạch định cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư và tìm kiếm những nguồn nhân lực tiềm năng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Trần Thuật, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Bắc Giang có tiềm năng phát triển công nghệ bán dẫn

Tại Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST, trên cơ sở tiềm năng, thực tiễn của tỉnh Bắc Giang, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ giải pháp “Xu hướng và tiềm năng Bắc Giang trong phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn và một số giải pháp chiến lược”.

Chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử. Nó có thể dùng để làm nhiều sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại di động, máy ảnh, tivi, tủ lạnh, bộ vi xử lý của máy tính CPU,… Chất bán dẫn thích hợp để tạo ra chip điện tử. Trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ hiện nay không thể thiếu chất bán dẫn. Đây là vật liệu quan trọng đang được sử dụng phổ biến.

Theo đó, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật đã đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm, nguồn lợi to lớn về sản xuất bán dẫn tại một số nước, vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc). Từ đó nhận định, Bắc Giang là địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn và những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Đề cập việc phát triển vi mạch ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật cho rằng, Bắc Giang không có thế mạnh trong việc đào tạo các kỹ sư thiết kế vi mạch nhưng có thể tham dự vào hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.

PGS.TS Nguyễn Trần Thuật. Ảnh Thế Đại

PGS.TS Nguyễn Trần Thuật. Ảnh Thế Đại

Hiện tỉnh đang có lợi thế về sản xuất pin mặt trời, công nghiệp bán dẫn pin mặt trời. Trong công nghiệp bán dẫn, phần đóng gói - kiểm thử, tỉnh đã thu hút được nhà đầu tư lớn ( trong đó có doanh nghiệp Hana Micron). Bắc Giang lại có nhiều KCN dọc hai bên đường cao tốc Hà Nội- Bắc Giang như: Vân Trung, Đình Trám, Song Khê- Nội Hoàng,… phát triển mạnh, thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động. Theo đó, PGS. TS Nguyễn Trần Thuật hy vọng thời gian tới, Bắc Giang sẽ quan tâm thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Để tiếp tục đón được làn sóng thu hút nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn, địa phương nên tăng cường đào tạo ngoại ngữ, nhất là các tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc cho lao động; chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ cho đóng gói – kiểm thử để dần chuyển sang công nghiệp đóng gói – kiểm thử, tiến tới thiết kế, cuối cùng là sản xuất chip, chất bán dẫn.

Bà Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng Giám đốc Encity Singapore:

Phát triển không gian ĐMST trong lĩnh vực công nghệ tiên phong

Tại diễn đàn, bà Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng Giám đốc Encity Singapore chia sẻ giải pháp “Sáng kiến phát triển không gian đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tiên phong”.

Bà Trang đưa ra 5 dự án cụ thể đã triển khai tại TP Hồ Chí Minh, Singapore và Bắc Giang. Trong đó, bà Trang đặc biệt ấn tượng với dự án không gian cho KCN sinh thái triển khai tại KCN Hòa Phú. KCN này do Công ty TNHH Hòa Phú Invest - một thành viên của Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư, có diện tích quy hoạch hơn 200 ha, thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa. Hòa Phú được định hướng trở thành KCN sinh thái tiêu biểu của Việt Nam. Đây là dự án phát triển về công nghiệp gắn với đô thị nhưng vẫn giải quyết các vấn đề về môi trường sinh thái.

Bà Vương Phan Liên Trang. Ảnh Thế Đại

Bà Vương Phan Liên Trang. Ảnh Thế Đại

Dự án này nằm trong khu vực được bảo vệ bởi hệ thống đê điều quốc gia để tránh khỏi các cơn lũ. Tuy nhiên, nguy cơ về ngập lụt vẫn là một thách thức, nhất là khi mực nước sông dâng cao hơn bề mặt. Để dự án phát triển đúng định hướng là KCN hệ sinh thái đầu tiên ở Việt Nam, theo bà Trang, địa phương cần chuyển đổi vùng đất nông nghiệp thành trung tâm kinh tế và đô thị phát triển năng động song vẫn giảm thiểu được các nguy cơ ngập lụt. Qua đó góp phần giải quyết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nâng cao phúc lợi cộng đồng, cộng đồng dễ dàng tiếp cận khoảng xanh, không gian sống động.

Tại đây, bà Trang giới thiệu giải pháp công nghệ phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững tại một số vùng miền qua việc sử dụng ứng dụng nông nghiệp thông minh enfarm, gồm các chức năng như: Dự báo thời tiết, giá cả thị trường, phân tích nồng độ NPK, pH, độ ẩm trong đất, chẩn đoán sâu bệnh, quản lý trang trại, sổ tay nông nghiệp giúp nông dân tiết kiệm chi phí, sử dụng phân bón hiệu quả, bảo vệ môi trường. Giải pháp này có chi phí phù hợp với nông dân Việt Nam, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững bằng cách ứng dụng IoT và AI.

Theo bà Trang, những giải pháp về không gian ĐMST trong các lĩnh vực công nghệ tiên phong sẽ mang đến nhiều tiềm năng phát triển đối với tỉnh Bắc Giang. Bà Trang hi vọng tiếp tục được đồng hành với Bắc Giang trong thực hiện các dự án khởi nghiệp về ĐMST.

Bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện bán hàng của Siemens tại Việt Nam:

Quan tâm đào tạo lao động chất lượng cao

Chia sẻ “Kinh nghiệm thực tế và cách Siemens thúc đẩy hoạt động ĐMST”, bà Nguyễn Thị Quyên - đại diện bán hàng của Siemens tại Việt Nam cho rằng quá trình ĐMST diễn ra nhanh và mạnh mẽ bởi chính những cuộc khủng hoảng, trong đó, đợt dịch Covid- 19 vừa rồi là minh chứng và cho thấy những vấn đề phải đối mặt, nhất là trước những nền tảng công nghệ được đưa vào cuộc sống ngày càng nhiều.

Vài năm trở lại đây, Bắc Giang đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN, cụm công nghiệp. Bắc Giang có điều kiện, tiềm năng phát triển các hoạt động sản xuất và nghiên cứu sáng tạo. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt các đơn hàng, tỉnh có nguồn lao động lớn nhưng chủ yếu là lao động thủ công, thu nhập thấp; việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao còn khó khăn...

Bà Nguyễn Thị Quyên. Ảnh Thế Đại

Bà Nguyễn Thị Quyên. Ảnh Thế Đại

Để giải quyết vấn đề này cần tổ chức khảo sát nhu cầu tại các doanh nghiệp và đem nhu cầu của doanh nghiệp vào các môi trường đào tạo để nâng số lượng lao động chất lượng cao trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết phải quan tâm thay đổi các chương trình giáo dục và nội dung đào tạo. Thực hiện các chương trình đào tạo dài hơi theo hướng không chỉ dừng lại ở các bài học mà tăng cường các hoạt động của dự án giúp người học có thêm kỹ năng trong hợp tác, vận dụng khoa học công nghệ...

Quá trình đào tạo, học tập không chỉ dừng ở kiến thức mà là phát triển các năng lực, khả năng tự học, các hiểu biết về khoa học, công nghệ, qua đó đáp ứng yêu cầu về nguồn lao động chất lượng cao. Với cách thức đào tạo này, khi rời ghế nhà trường hoặc các cơ sở đào tạo, người học có thể đáp ứng tốt các yêu cầu về tuyển dụng, chọn việc làm phù hợp, với mức thu nhập tốt.

Bắc Giang có nhiều dự án đang triển khai, do đó ngay từ bây giờ cần quan tâm chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho các nhà máy. Và muốn làm điều ấy, cần phải rèn luyện con người từ những hoạt động đào tạo cụ thể, đúng hướng, theo nhu cầu từ thực tiễn.

Thùy Ninh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/414745/cac-chuyen-gia-chia-se-kinh-nghiem-hien-ke-hoach-dinh-chinh-sach-phat-trien.html