Các chấn thương đầu gối dễ gặp khi chạy bộ

Chạy bộ không đúng cách là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu gối ở những người yêu thích môn thể thao này. Vậy những chấn thương đầu gối nào thường gặp khi chạy bộ và đâu là cách xử trí?

1. Vì sao chạy dễ gây chấn thương đầu gối?

Chấn thương đầu gối là tình trạng đau xung quanh xương bánh chè hoặc bị chấn thương xương bánh chè. BS. Nguyễn Trọng Thủy (Nguyên bác sĩ Đội tuyển bóng đá nam quốc gia và U23 Việt Nam) cho hay, nguyên nhân phổ biến của đau đầu gối thường gặp ở những người chạy bộ, do có tác động lực đè ép cho khớp gối trong thời gian dài. Ngoài ra, những người thường xuyên nhảy, đạp xe, chơi bóng đá, đi bộ, trượt tuyết… cũng có thể gặp những chấn thương này.

Chấn thương đầu gối khi chạy bộ phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, đặc biệt là ở phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Những người thừa cân, béo phì cũng rất dễ gặp phải những chấn thương đầu gối.

Chấn thương đầu gối rất dễ gặp ở những người chạy bộ.

2. Các chấn thương khớp gối khi chạy bộ 2.1.Hội chứng đau đầu gối trước

Khớp gối là khớp chịu áp lực lớn từ toàn bộ trọng lượng cơ thể, đồng thời cũng là một trong những khớp có tần suất hoạt động nhiều nhất. Do đó, khớp gối rất dễ bị tổn thương.

Đau đầu gối xảy ra rất phổ biến ở những người thường xuyên chạy bộ, gây ra nhiều ảnh hưởng đến vận động, khiến người bệnh khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy xuất hiện tổn thương ở trong và xung quanh khớp gối, từ các mô mềm, gân, sụn, dây chằng và túi hoạt dịch.

Có thể xử trí đau đầu gối bằng cách: Chạy bộ đúng cách, mang giày phù hợp, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học.

2.2. Trật khớp xương bánh chè

Trật khớp xương bánh chè cấp tính xảy ra do chấn thương khi chạy bộ. Đây là tình trạng xảy ra khi đột ngột đổi hướng, xoắn đầu gối hoặc dùng lực tác động lên đầu gối. Lúc này xương bánh chè bị trượt ra khỏi rãnh xương đùi. Khi gặp chấn thương này, người bệnh thường khó cử động khớp gối.

Xử trí bằng cách:Giảm đau, chườm đá, có thể dùng thuốc chống viêm giảm đau NSAID và nên đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để được đánh giá tình trạng bệnh và có hướng xử trí kịp thời.

Nếu đau đầu gối kéo dài cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2.3. Viêm gân bánh chè

Viêm gân bánh chè xảy ra khi khớp gối phải hoạt động liên tục kéo dài hoặc không được khởi động kỹ trước khi tập luyện. Viêm gân xương bánh chè gây đau âm ỉ, tăng dần, không dữ dội. Nhưng sẽ đau hơn khi gập duỗi chân như ngồi xổm, leo cầu thang.

Xử trí bằng cách: Ngừng chạy đến khi hết đau, chườm đá… Có thể ngăn chặn tình trạng này bằng cách nên tăng cường các bài tập thể lực, kéo căng nhóm cơ đùi trước và cơ đùi sau trước chạy, thư giãn cơ sau khi tập luyện.

2.4.Bệnh nhuyễn sụn bánh chè

Nhuyễn sụn bánh chè là bệnh thường gặp ở những người chơi thể thao, đặc biệt là chạy bộ. Khi có những tác động đến phần mặt dưới của xương bánh chè khiến lớp sụn tại vị trí này có thể bị mềm đi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thường xuyên tập luyện quá sức. Điều này làm tăng áp lực lên khớp gối liên tục khiến sụn khớp gối dễ bị tổn thương.

Người mắc bệnh này thường gặp những cơn đau nhức ở vùng đầu gối, nhất là khi phải ngồi quá lâu hoặc thực hiện những hoạt động gây áp lực quá nhiều lên phần đầu gối. Thường đau nhiều ở sau hoặc dưới phần xương bánh chè, một số trường hợp có thể bị đau ở hai bên xương bánh chè.

Xử trí bằng cách:Để khớp gối nghỉ ngơi. Có thể dùng các phương pháp hỗ trợ như chườm đá 4 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút áp dụng trong vài ngày.

2.5. Hội chứng dải chậu chày

Dải chậu chày là một dải xơ dày, chạy từ hông xuống đầu gối. Nằm giữa dải này và bên ngoài xương đùi đoạn gần đầu gối là bao hoạt dịch. Khi dải chậu chày bị siết chặt, bao hoạt dịch bị ép lại và gây ra cảm giác đau.

Người mắc hội chứng dải chậu chày thường đau ở bên ngoài đầu gối, xuất hiện sau khoảng 5 phút chạy, cơn đau tăng khi chạy xuống dốc. Sau đó cơn đau giảm dần khi kết thúc buổi chạy.

Xử trí bằng cách: Thay đổi tư thế chạy, giảm quãng đường luyện tập, thư giãn cơ phần đùi ngoài hàng ngày. Nếu các cơn đau kéo dài nên đi khám bác sĩ để được xử trí kịp thời.

2.6.Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối thường khiến người tập bị đau, sưng, căng cứng khớp gối khi chạy hoặc thực hiện các hoạt động thường ngày.

Nguyên nhân là do sự hao mòn của lớp sụn khớp khiến xương bị ma sát và gây ra cảm giác đau.

Xử trí bằng cách: Giữ thói quen tập luyện vì vận động sẽ giúp các khớp được bôi trơn, chạy trên địa hình phẳng. Ngoài ra, có thể uống các loại thuốc chống viêm. Nên khám để được tư vấn về cường độ tập luyện phù hợp.

Tuyệt vời lợi ích sức khỏe của việc tập thể dục cuối tuần.

Nguyễn Hạnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-chan-thuong-dau-goi-de-gap-khi-chay-bo-169230906082017835.htm