Các bộ trưởng G7 thảo luận về hạ tầng số và quản trị trí tuệ nhân tạo

Nguồn: oreanda

Theo Kyodo, các bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 29/4 đã bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày ở TP Takasaki, tỉnh Gunma, miền Đông Nhật Bản, trong đó thảo luận các vấn đề ưu tiên cao trong lĩnh vực kỹ thuật số như quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn và bền vững.

Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ và Kỹ thuật số G7 là một trong các cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới.

Trong các mục tiêu của hội nghị, đáng chú ý có thúc đẩy các công nghệ để cải thiện luồng dữ liệu xuyên biên giới cũng như hướng tới một mạng Internet mở và miễn phí.

Tốc độ phát triển AI nhanh chóng đã làm nổi bật sự cần thiết của các tiêu chuẩn quốc tế nhằm quản lý công nghệ này, với việc nhiều quốc gia tăng cường các quy định về việc sử dụng ChatGPT của OpenAI do lo ngại về quyền riêng tư.

Ngoài việc phản đối các hành vi sử dụng AI làm suy yếu các giá trị dân chủ, các bộ trưởng kỹ thuật số G7 đang hướng tới việc áp dụng một kế hoạch hành động để thúc đẩy việc sử dụng AI có trách nhiệm, kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan trong việc phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.

Các bộ trưởng cũng sẽ soạn thảo một kế hoạch hành động về quản lý Internet, giải quyết các vấn đề như tin giả và các hình thức thông tin sai lệch khác, như được chứng kiến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

* Trước đó ngày 27/4, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các nghị sĩ một Ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính bước ngoặt của khối, mở đường cho một bộ luật toàn diện đầu tiên trên thế giới về công nghệ này.

Theo các đề xuất, các công cụ AI sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro nhận thức được: từ tối thiểu đến hạn chế, cao và không thể chấp nhận được. Mặc dù các công cụ có rủi ro cao không bị cấm nhưng những người sử dụng chúng sẽ cần phải rất minh bạch trong hoạt động của mình.

Các công ty triển khai các công cụ AI, chẳng hạn như ChatGPT hoặc trình tạo hình ảnh Midjourney, sẽ cần xem xét liệu tài liệu có bản quyền có được sử dụng để phát triển hệ thống của họ hay không.

Theo nghị sĩ Svenja Hahn, một thỏa thuận vững chắc sẽ điều chỉnh AI một cách tương xứng, bảo vệ quyền của công dân, cũng như thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế. Một cuộc bỏ phiếu ở cấp Ủy ban dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/5, sau đó sẽ được đưa ra trước EP vào tháng 6 tới.

Cách đây 2 năm, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các quy tắc dự thảo nhằm bảo vệ công dân khỏi những nguy cơ của công nghệ mới nổi. Các công nghệ mới đã được đầu tư mạnh tay sau khi xuất hiện ChatGPT của OpenAI vào cuối năm ngoái.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/298029/cac-bo-truong-g7-thao-luan-ve-ha-tang-so-va-quan-tri-tri-tue-nhan-tao.html