Các ban thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng: Góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thành phố Hà Nội hiện có 577 ban thanh tra nhân dân (TTND), trong đó có 120 ban TTND kiêm giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Năm 2011 đã phát hiện 1978 vụ việc, giúp chính quyền và các cơ quan chức năng xử lý nhiều cán bộ vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước 9,7 tỷ đồng và 17.542m2 đất. Tuy nhiên, hoạt động của các ban TTND và ban GSĐTCCĐ sẽ hiệu quả hơn nếu có những chế tài cụ thể.

(ĐCSVN) - Thành phố Hà Nội hiện có 577 ban thanh tra nhân dân (TTND), trong đó có 120 ban TTND kiêm giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Năm 2011 đã phát hiện 1978 vụ việc, giúp chính quyền và các cơ quan chức năng xử lý nhiều cán bộ vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước 9,7 tỷ đồng và 17.542m 2 đất. Tuy nhiên, hoạt động của các ban TTND và ban GSĐTCCĐ sẽ hiệu quả hơn nếu có những chế tài cụ thể.

Kết quả bước đầu

Hiện nay, toàn Thành phố Hà Nội có 5.164 thành viên ban TTND và 4.408 thành viên ban GSĐTCCĐ. Ủy ban MTTQ Thành phố đã cấp 5.163 thẻ TTND tới từng thành viên. Mục đích hoạt động ban TTND và ban GSĐTCCĐ là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật; giải quyết khiếu nại tố cáo và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư sai luật, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước…

Năm 2011, Hà Nội đã tổ chức một số buổi tọa đàm để nâng cao chất lượng hoạt động của các ban TTND và GSĐTCCĐ - Ảnh: TH

Trong năm 2011, hầu hết các thanh tra viên và giám sát viên đã phát huy hết khả năng để không phụ lòng mong mỏi của nhân dân. Qua đó đã giám sát và phát hiện nhiều công trình vi phạm quy định và kiến nghị khắc phục, được nhân dân tin tưởng. Điển hình như trong hoạt động giám sát, các ban TTND đã giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND xã, phường, thị trấn. Qua đó đã có 851 ý kiến với cấp ủy, chính quyền về hoạt động của cơ sở, trong đó có hơn 300 kiến nghị về công tác quản lý, điều hành và phẩm chất đạo đức của cán bộ địa phương, giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác bầu cử HĐND tại cơ sở... Song song đó, các ban TTND đã nhận gần 6500 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết được hơn 5.700 đơn, đạt 89,1%; phối hợp giám sát 2.787 cuộc và giám sát 3.252 cuộc về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Trong công tác GSĐTCCĐ, năm 2011 đã giám sát được 3629 vụ việc, chủ yếu tập trung vào giám sát các nội dung như: theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư và các nhà thầu trong đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; theo dõi, phát hiện các tiêu cực của dự án... Đối với những công trình do nhân dân đóng góp, ban GSĐTCCĐ hoạt động rất tích cực, chủ động, qua đó phát hiện nhiều sai sót, sai phạm trong quá trình lập thủ tục đầu tư, thi công công trình và kịp thời phản ánh với đơn vị chịu trách nhiệm để khắc phục, sửa chữa, tránh lãng phí, thất thoát, ô nhiễm môi trường...

Điển hình như ban GSĐTCCĐ phường Định Công, quận Hoàng Mai giám sát và phát hiện 26 vụ vi phạm về trật tự xây dựng lấn chiếm đất công. Ở quận Ba Đình, ban GSĐTCCĐ phường Phúc Xá giám sát công trình nâng cấp đường ngõ tại Khu dân cư số 4 đường Phúc Xá do trộn bê tông không đều, xi măng không đúng tỷ lệ nên chất lượng không được đảm bảo, sau khi phát hiện và kiến nghị thì đã được khắc phục. Ở quận Đống Đa, vì quyền lợi của nhân dân, các giám sát viên bất kể ngày đêm thay nhau có mặt tại hiện trường thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó việc thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, giám sát công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng khu dân cư 1A, khu dân cư 2, khu dân cư 3 và dự án mương T5B1 Nam Đồng được đảm bảo... Kết quả này tuy chưa phải là lớn, nhưng điều đáng trân trọng là người dân từ việc chưa biết TTND và GSĐTCCD là ai thì nay đã tin tưởng và coi trọng những "người vác tù và hàng tổng" này.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Điệp cho biết, qua hoạt động của ban TTND và ban GSSĐTCCĐ có thể khẳng định được đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần làm chuyển biến một bước trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát và tham gia xây dựng chính quyền cơ sở.

Chưa hết “chướng ngại vật”

Để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định, xâm hại lợi ích của cộng đồng là điều không dễ - ông Đặng Văn Tĩnh, Trưởng ban GSĐTCCĐ phường Tứ Liên (Tây Hồ) khẳng định như vậy. Theo ông, một điều diễn ra gần như thành quy luật: Đơn vị thi công không muốn thông báo kế hoạch, tiến độ, tìm cách thay đổi chủng loại vật tư nhằm giảm chi phí thi công. Trong khi đó ban GSĐTCCĐ chậm được tiếp cận với hồ sơ dự án nên thường trong quá trình thi công mới phát hiện các hành vi vi phạm, nếu yêu cầu ngừng thi công sẽ ảnh hưởng tới tiến độ. Trên thực tế đã có nhiều dự án, chủ đầu tư, hoặc đơn vị thi công cho ban GSĐTCCĐ vào “thế đã rồi”, khó xử lý. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế cho nhân dân, cho các chủ thể liên quan như chính quyền địa phương, cán bộ Mặt trận, chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình... ở một số nơi chưa thường xuyên, kịp thời.

Đó là còn chưa kể đến việc một số cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích hoạt động của ban TTND và ban GSĐTCCĐ nên chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo cũng như theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoạt động này. Công tác phối hợp còn thiếu đồng bộ. Một số nơi ban TTND và ban GSĐTCCĐ hoạt động còn yếu nhưng chậm được củng cố, kiện toàn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã ở một số nơi chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, chưa thực sự coi trọng và sử dụng TTND và GSĐTCCĐ như một công cụ giám sát của nhân dân. Công tác thi đua khen thưởng, biểu dương người tốt, việc tốt trong công tác này chưa được làm thường xuyên, kịp thời, do đó chưa khuyến khích sự tham gia ưởng ứng nhiệt tình của các thành viên...

Ngoài những trở ngại này thì trình độ của các thanh tra viên và giám sát viên cũng còn nhiều điều cần bàn. Người làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, đề xuất kiến nghị một cách khách quan, trung thực vừa mang tính nguyên tắc, vừa mang tính xây dựng. Không ít thanh tra viên, giám sát viên thừa nhận, thanh tra, giám sát, nhất là thanh tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là một việc phức tạp, khó khăn đòi hỏi người thực thi phải có trình độ chuyên môn sâu. Nhưng hầu hết thành viên ban TTND và ban GSĐTCCĐ hiện nay chủ yếu chỉ có lòng nhiệt tình và ý thức trách nhiệm cộng đồng, còn năng lực chuyên môn rất hạn chế… vì chưa hiểu thấu. Do vậy, họ cần được trang bị kiến thức, nghiệp vụ một cách bài bản thông qua chương trình bồi dưỡng, tập huấn, đi đôi với đó là tăng cường trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác thanh tra, giám sát. Cần phải có chế tài thật cụ thể, chi tiết. Thậm chí phải ban hành Luật để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm hoạt động đầu tư đúng với các quy hoạch đã được duyệt...

Chính vì vậy, để hoạt động các ban TTND và ban GSĐTCCĐ hoạt động hiệu quả hơn nữa thì các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác này. Phải có chương trình, kế hoạch công tác giám sát một cách cụ thể, chi tiết trên cơ sở bám sát sự lãnh đạo của Đảng và gắn liền với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phải có các chế tài cụ thể và có chế độ rõ ràng để kịp thời động viên và nâng cao hoạt động của các ban TTND và ban GSĐTCCĐ tại cơ sở... Bên cạnh đó cũng cần hướng dẫn cụ thể hơn việc thực hiện quy chế, quy định liên quan đến hoạt động TTND và GSĐTCCĐ. Các biện pháp này sẽ là động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban TTND, góp phần ổn định xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=502022&co_id=30299